+
Aa
-
like
comment

Nội bộ lãnh đạo Trung Quốc nảy sinh bất đồng trong thương chiến với Mỹ

Ngọc Hoàng - 27/08/2019 11:35

Khi Nhà Trắng quyết định đánh thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã bị chia rẽ về việc liệu tranh chấp thương mại kéo dài có phải là một hành động khôn ngoan hay không. Bây giờ, Bắc Kinh cũng rơi vào tình cảnh như vậy.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với những bất đồng khi đưa ra các cách tiếp cận để giải quyết cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ. Một số người chủ hòa lập luận nên nhún mình lùi bước để có một thỏa thuận càng nhanh càng tốt nhằm cứu nền kinh tế Trung Quốc; còn nhóm chủ chiến lập luận rằng Trung Quốc nên chống lại yêu sách của Mỹ và tránh việc thỏa thuận bằng mọi giá.

Ông Lưu Hạc có vẻ cô đơn trong cuộc đàm phán thương mại - Ảnh: Internet
Ông Lưu Hạc có vẻ cô đơn trong cuộc đàm phán thương mại – Ảnh: Internet

Khi các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị tiến vào vòng đàm phán thương mại thứ 13 của họ vào tháng 9, cả hai bên đã đưa ra những dấu hiệu không rõ ràng về những gì họ kỳ vọng để giải quyết bất đồng.

Vào hôm qua, thứ hai 26.8, hai chính phủ dường như đang tìm cách giảm căng thẳng. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc, nói: “Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua các cuộc đàm phán ôn tồn và kiên quyết phản đối xung đột leo thang”. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã đồng ý quay lại bàn và ông cho rằng bình luận của Phó thủ tướng Lưu Hạc là “một điều tốt lành”. Chỉ có điều, ông Lưu Hạc không là đại diện duy nhất và cao nhất cho ý kiến từ chính quyền Bắc Kinh.

Vào ngày 1.8, sau khi các đại diện đàm phán của Mỹ không gặt hái được kết quả tại cuộc gặp ở Thượng Hải, Tổng thống Trump đã phá vỡ sự im lặng vốn được duy trì kể khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1.9. Dù sau đó, Tổng thống Mỹ lùi áp thuế với một số mặt hàng cho đến ngày 15.12, nhưng nhiều người ở Trung Quốc đã xem tweet ngày 1.8 là một sự phản bội “thỏa thuận Osaka”.

Kể từ đó, quan hệ thương mại hai nước chỉ có xấu đi. Thứ sáu tuần trước, ngày 23.8, Trung Quốc đã tuyên bố đánh chồng thêm thuế mới với 75 tỉ USD hàng hóa của Mỹ và cho biết họ sẽ nối lại thuế quan đối với ô tô và linh kiện xe hơi do Mỹ sản xuất. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ đã đáp trả bằng cách tăng mức thuế quan thêm 5% đối với 550 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc (250 tỉ USD hàng hóa chịu thuế 25% sẽ tăng thành 30% và 300 tỉ USD hàng hóa dự định chịu thuế 10% sẽ tăng thành 15%).

Người Trung Quốc nhìn nhận việc Mỹ tăng thuế là sự phản bội được thể hiện qua quan điểm của ông He Weiwen, cựu tùy viên thương mại tại lãnh sự quán Trung Quốc và là một chuyên gia thương mại. “Một khi hai nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận ở Osaka, các điều kiện nên được giữ nguyên hiện trạng để cả hai bên có thể bắt đầu đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp tốt”, ông He nói. Bây giờ ông He tự hỏi liệu chính quyền Trump đang đàm phán một cách nghiêm túc hay đơn giản là mua thời gian. “Có vẻ như phía Mỹ đang đóng một cánh cửa đàm phán”, ông nói. “Điều đó rất nguy hiểm”.

Một nhóm những nhân vật chủ chiến, xuất thân dính líu từ quân đội Trung Quốc, đang lên tiếng thể hiện thái độ cứng rắn. Họ cho rằng một thỏa thuận thương mại là không cần thiết, trái ngược hoàn toàn với chủ trương của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại của Trung Quốc thường tỏ ý hoan nghênh một thỏa thuận.

“Hôm nay, Trung Quốc đang chiến đấu hai mặt trận trên một chiến trường với Mỹ bao gồm xung đột kinh tế và quân sự”, Dai Xu, một đại tá trong lực lượng không quân Trung Quốc và một nhà bình luận về vấn đề thời sự đã nêu quan điểm hồi tháng 5. “Ông Trump trước tiên sẽ lấy tiền của Trung Quốc và sau đó lấy đi mạng sống của chúng ta”, Dai bình luận hồi đầu năm.

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã bị chia rẽ về việc liệu tranh chấp thương mại kéo dài có phải là một hành động khôn ngoan hay không. Bây giờ, Bắc Kinh cũng rơi vào tình cảnh như vậy. (Ảnh minh họa)
Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã bị chia rẽ về việc liệu tranh chấp thương mại kéo dài có phải là một hành động khôn ngoan hay không. Bây giờ, Bắc Kinh cũng rơi vào tình cảnh như vậy. (Ảnh minh họa)

Nhưng giờ thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng có vẻ ngả theo phe chủ chiến hơn là phe chủ hòa. “Không có điểm mấu chốt. Và bất cứ khi nào bạn thiết lập điểm mấu chốt, tất cả đều có thể rất dễ bị phá vỡ”, Ruan Zongze, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nơi tập trung một nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Ngoại giao, nói ám chỉ việc Mỹ không tôn trọng thỏa thuận Osaka.

Quan điểm của ông Ruan thể hiện thái độ nghi ngờ ở Trung Quốc về việc liệu Mỹ có tôn trọng các điều khoản của một thỏa thuận thương mại nếu hai bên có thể đạt được trong tương lai hay không. “Nhiều người ở Trung Quốc sẽ nói, “nếu chúng ta thực hiện một thỏa thuận, thỏa thuận này có thể thực sự hiệu quả hay hoạt động trong bao lâu?”. Lòng tin đang dần biến mất”, Ruan nói.

Buổi sớm hôm qua, người của phe chủ hòa là Phó thủ tướng Lưu Hạc, thuyết khách chính trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung chịu xuống nước trước khi cho biết Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ một cách bình tĩnh. Chính vì vậy, ông Trump mới xuống nước với ý sẵn sàng quay lại bàn đàm phán.

Nhưng ngay cuối ngày 26.8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức đổi giọng, phủ nhận việc Trung Quốc gọi điện xuống nước xin đàm phán với Mỹ. Họ vẫn đay nghiến Mỹ việc bội ước và dành những ngôn ngữ cứng rắn nhất thể hiện lập trường bề trên: “Quyết định của Mỹ tăng thêm thuế quan vi phạm sự đồng thuận Osaka của hai nhà lãnh đạo, chà đạp lên các quy tắc thương mại đa phương, gây tổn hại cho lợi ích của cả hai nước, đe dọa an ninh của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, làm giảm tốc độ giao dịch thương mại và tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới. Nó không mang tính xây dựng theo bất kỳ cách nào và không cho ai, kể cả chính Mỹ, phải đứng ra gánh chịu.

Chúng tôi đã lưu ý rằng việc Mỹ chuyển sang leo thang va chạm thương mại đã làm dấy lên mối lo ngại rộng rãi từ bên trong nước Mỹ và trong cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ từ bỏ cách tiếp cận sai lầm của mình và quay trở lại với lý do để tạo điều kiện cho các cuộc tham vấn trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi”.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều