Mới đây, vùng Sừng Châu Phi đã được Trung tâm Dự báo khí hậu và Ứng dụng khu vực Đông Phi (ICPAC) thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo tình trạng hạn hán có thể nghiêm trọng hơn trong năm nay và nạn đói đe dọa khu vực này có thể còn tồi tệ hơn nạn đói năm 2011 đã giết chết hàng trăm nghìn người cách đây một thập kỷ.
ICPAC dự báo mùa mưa tại khu vực này từ tháng 3 – 5 tới sẽ ghi nhận lượng mưa dưới mức bình thường và nhiệt độ cao. Thông thường, mùa mưa này đóng góp đáng kể (tới 60%) vào tổng lượng mưa hằng năm ở các quốc gia xích đạo thuộc vùng Sừng châu Phi bao gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Somalia và một phần của Kenya, Sudan, Nam Sudan và Uganda.
Các nhà khí tượng học và các cơ quan viện trợ lo ngại đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng chưa từng có hiện nay ở khu vực này có thể nhanh chóng gây ra thảm họa nhân đạo. ICPAC nhấn mạnh tại các vùng của Ethiopia, Kenya, Somalia và Uganda gần đây chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và đây có thể là mùa mưa thứ 6 liên tiếp có lượng mưa thấp.
Trong khi chưa đạt đến ngưỡng nạn đói, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 22/2 cho biết 8,3 triệu người – hơn một nửa dân số Somalia – sẽ cần hỗ trợ nhân đạo trong năm nay.
Trong khi đó, ông Workneh Gebeyehu, người đứng đầu IGAD, kêu gọi các chính phủ và đối tác hành động “trước khi quá muộn”.
Hạn hán kéo dài nhất được ghi nhận ở Somalia đã kéo dài gần ba năm và hàng chục nghìn người đã thiệt mạng.
Tháng trước, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Somalia đã cảnh báo số ca tử vong quá mức ở nước này “gần như chắc chắn” sẽ vượt qua nạn đói đã được tuyên bố ở nước này vào năm 2011, khi hơn 260.000 người chết vì đói.
Cụ thể, khoảng 1,3 triệu người, 80% là phụ nữ và trẻ em, đã phải di tản trong nước ở Somalia do hạn hán càn quét vùng Sừng châu Phi. Sau 5 mùa mưa kém liên tiếp, đợt hạn hán đang diễn ra đã trở thành đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây của Somalia.
Theo một nhóm công tác về an ninh lương thực do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc và Cơ quan liên chính phủ về phát triển khu vực chủ trì, gần 23 triệu người thiếu lương thực trầm trọng tại các nước Kenya, Ethiopia và Somalia.
Tuyên bố hôm 22/2 còn cho biết đã có 11 triệu vật nuôi dùng trong chăn nuôi của nhiều hộ gia đình đã chết do hạn hán kéo dài. Hầu hết những người bị ảnh hưởng trong khu vực là những người chăn nuôi gia súc hoặc nông dân đã chứng kiến mùa màng khô héo và nguồn nước cạn kiệt.
Cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng đến phản ứng nhân đạo, khi các nhà tài trợ truyền thống ở châu Âu chuyển hướng tài trợ cho cuộc khủng hoảng “gần nhà” hơn.
Ông Mohammed Mukhier, Giám đốc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại châu Phi, cho biết những đợt hạn hán kéo dài và tái diễn do biến đổi khí hậu gây ra sẽ càng làm trầm trọng thêm những thách thức nhân đạo hiện có khác, bao gồm cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra, tác động của COVID-19 và tình trạng di dời trong nước.
“Chúng ta cần một cách tiếp cận chung tay để tăng cường hệ thống lương thực, sinh kế và khả năng phục hồi khí hậu”, ông Mohammed nhấn mạnh.
Trong khi vùng Sừng châu Phi đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo khu vực này cũng đang hứng chịu nhiều đợt bùng phát dịch bệnh.
Trong một bản cập nhật về tình hình y tế và an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi, WHO cũng cho biết nhiều đợt bùng phát dịch bệnh đang xảy ra ở vùng Sừng châu Phi.
Hiện các đợt bùng phát bệnh tả và bệnh sởi được kiểm soát tại các khu vực bị hạn hán. Tính đến ngày 14/12 năm ngoái, khoảng 669 ca mắc bệnh tả với 24 ca tử vong đã được báo cáo.
Ngày 28/4 năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Châu Phi đang đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trong bối cảnh số ca mắc bệnh sởi tại châu lục này đã tăng 400% trong năm 2022. Tính từ tháng 1-3/2022, Châu Phi đã ghi nhận gần 17.500 ca mắc sởi. Trong khi đó, tại Somalia, nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán cũng ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh lây qua đường nước, đặc biệt là bệnh tả và bệnh tiêu chảy cấp.
Thực hiện: Tuệ Ngô
Đồ họa: M.N