+
Aa
-
like
comment

Nỗi bất an “lọt thỏm” vào khủng hoảng chi phí sống

Khánh Đăng - 11/08/2022 16:23

Hiện nay, nhiều người đang sống trong một thế giới đã và đang bị bủa vây bởi những nỗi bất an thường trực. Xăng, điện, khí đốt, lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết khác đều tăng giá chóng mặt. Điều này đã đặt nhiều người có thu nhập thấp vào tình trạng khó khăn. Trong đó, nổi bật nhất là người trẻ – những người vốn non kinh nghiệm, thiếu kỹ năng và còn phụ thuộc nhiều vào cha mẹ đang là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng chi phí sống.

Khói bốc lên từ một bãi rác trong hoàng hôn ở Dhaka, đất nước Bangladesh khốn khó.

Khủng hoảng chi phí sống (tiếng Anh: Cost of Living Crisis) là tình trạng giá cả một số mặt hàng thiết yếu bắt đầu tăng nhanh một cách khó kiểm soát, cao hơn thu nhập cá nhân, dẫn đến thu nhập thực tế giảm. Theo các chuyên gia kinh tế, có rất nhiều lý do gây nên tình trạng trên nhưng thường thấy nhất là từ lạm phát. Tình trạng này có thể diễn ra ở bất cứ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào nếu các điều kiện duy trì sự ổn định về giá cả bị thách thức bởi các yếu tố nhà nước hoặc phi nhà nước.

Với cuộc khủng hoảng chi phí sống trên toàn cầu, thật dễ dàng để nhận ra nguyên nhân của nó đến từ cuộc xung đột hơn 5 tháng qua tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và thế giới phương Tây đã tác động trực tiếp đến khả năng phân phối dầu khí trên thị trường thế giới và đẩy giá dầu tăng lên. Chưa kể, sau đại dịch, với mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế, Chính phủ nhiều nước đã bắt tay vào triển khai các chương trình kinh tế cực đoan và khởi động ngay lập tức chu trình tăng thuế. Thực tế đó không chỉ cản trở kinh tế phục hồi, mà còn tăng nguy cơ lạm phát cao, kéo theo đó là giá cả hàng hóa tăng chóng mặt và gây nên tình trạng khủng hoảng chi phí sống.

Cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt toàn cầu đang đẩy thêm 71 triệu người ở các quốc gia nghèo nhất thế giới vào cảnh nghèo cùng cực.

Theo UNDP, các quốc gia phải đối mặt với ảnh hưởng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng này là Armenia, Uzbekistan, Burkina Faso, Ghana, Kenya, Haiti, Pakistan và Sri Lanka. Nhưng ngay cả ở những nước phát triển nhất, nhiều người vẫn thiếu thốn trầm trọng. Một cuộc thăm dò của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy: Cứ 4 người thì có 1 người đang gặp khó khăn về tài chính ở 11 quốc gia phát triển . Riêng ở Anh, cứ 7 người trưởng thành thì có 1 người nói rằng họ không đủ khả năng để duy trì 3 bữa ăn hàng ngày. Hiện thực này đối với người trẻ (18 – 30 tuổi) trên toàn cầu còn thảm hại hơn. Vì kể cả khi không có khủng hoảng, cuộc sống của họ cũng đã phải chi hơn một nửa thu nhập cho tiền thuê nhà, xăng dầu và phương tiện đi lại.

Khủng hoảng nổ ra, mọi thứ cứ thế nhân lên, khiến cho đồng lương vốn đã eo hẹp của những người vừa bước chân vào xã hội, càng thêm chật vật. Nghiên cứu mới nhất từ một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ cho biết: 25% thanh niên nước này cho rằng “khủng hoảng chi phí sống” là nguyên nhân hàng đầu gây ra những lo âu trong cuộc sống của họ từ nửa năm nay. Những người trẻ được phỏng vấn nói thêm, họ thật sự lo ngại áp lực từ tài chính ấy đang và sẽ gây ra hạn chế cho khả năng tiếp cận các cơ hội học tập và sau này là một công việc tốt. Một vòng xoáy bất tận khiến hàng triệu thanh niên mãi mắc kẹt trong nghèo đói và thất nghiệp, bắt đầu từ khủng hoảng chi phí sống.

Một bữa ăn gia đình ở thời điểm “bão giá”.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời mở ra những triển vọng cho tương lai của đất nước, các giải pháp nên bắt đầu càng sớm càng tốt, ở tất cả các cấp và nhóm đối tượng. Với các Chính phủ, việc cần làm trước mắt là giảm thuế, điều chỉnh giá cả sinh hoạt và tăng lương. Không những thế, bằng các công cụ pháp lý, Nhà nước còn có thể dùng phần ngân sách bội chi từ thuế để thiết kế, triển khai các chương trình hỗ trợ người lao động, nhấn mạnh lực lượng lao động trẻ tuổi có thu nhập thấp. Về phía xã hội, vào lúc này cần sự vào cuộc của các hội đoàn quần chúng, các nhóm từ thiện và nhà trường trong việc tổ chức các chương trình hỗ trợ sinh viên, kết nối người trẻ với doanh nghiệp và với chính quyền. Tuy nhiên, trên tất cả, lối thoát cho khủng hoảng nằm ở bản thân mỗi người. Giảm mua sắm là điều cần thiết mà giới trẻ cần thực hiện. Để đối phó với lạm phát, nhiều thanh niên còn kỹ lưỡng thiết lập kế hoạch chi tiêu để tối ưu hóa các nhu cầu thiết yếu và giảm thiểu các nhu cầu không thực sự cần thiết khác. Dẫu vậy, chuyện thắt chặt chi tiêu này cũng tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng người.

Khủng hoảng chi phí sống sẽ còn kéo dài. Do đó, trong tương lai, tiết kiệm sẽ không chỉ là giải pháp tình thế của người trẻ trước khủng hoảng mà rất có khả năng, chúng trở thành bộ nhận diện bản sắc của thế hệ này như cách mà những nỗi lo khác đã định hình thế hệ cha ông họ.

Đăng Võ

Bài mới
Đọc nhiều