+
Aa
-
like
comment

Tổ chức Việt Tân thì làm được gì cho đất nước mà nghĩ người khác “nổ”?

Hải Anh - 09/08/2021 22:55

Trong khi toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước đang gồng mình tìm các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19, thì vẫn có những cá nhân lợi dụng tình hình dịch để chống phá. Vừa qua, trang mạng Việt Tân đã đăng tải bài viết của Lê Ánh có tiêu đề ““NỔ” DẪN ĐẾN HỆ QUẢ LÀM CA NHIỄM VÀ NHIÈU NGƯỜI TỬ VONG TĂNG?”. Theo đó, chúng xuyên tạc rằng số ca nhiễm và tử vong tại Việt Nam tăng là “hệ quả của những phát biểu ‘nổ’ của các lãnh đạotừ những đợt bùng phát trong những giai đoạn đầu. Những con số trên được công bố chính thức từ Bộ Y tế, nhưng trên thực tế con số có thể cao hơn nhiều”…

Việt Tân chỉ giỏi “nổ” và dối trá nhưng lại gắp thứ “đặc sản” đáng xấu hổ của mình vào tay người khác.

Thậm chí chúng còn đổ lỗi cho chính quyền “khiến cho người dân chủ quan, không phòng và chống dịch.”, “làm cho các cơ sở Đảng, cơ quan trách nhiệm, đặc biệt là Bộ Y đã tự hào và chủ quan”, “không cảnh báo và áp dụng những biện pháp ngăn ngừa để hướng dẫn người dân”…

Thực chất, âm mưu của Lê Ánh và Việt Tân là dùng chiêu trò “đổ lỗi” các chỉ đạo phòng, chống đại dịch COVID-19 của các lãnh đạo cấp cao để hòng làm lu mờ thành quả, kích động chống phá chính quyền.

Xin thưa, việc số ca mắc COVID-19 và số tử vong tại TP.HCM tăng nhanh vì khả năng biến chứng nặng của chủng Delta rất nhanh chứ không hề phải là những lý do mà Việt Tân bịa đặt ra. Các trường hợp tử vong đa số lớn tuổi, có bệnh lý nền. Do đó điều mà cả hệ thống chính trị đang vào cuộc là cố gắng hết sức để giảm ca tử vong bằng cách thiết lập các bệnh viện điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 4 tầng, trong đó tầng 4 điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Hiện, các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vẫn là điểm nóng của các ca nhiễm. Cả hệ thống chính trị vẫn căng mình chống dịch nhằm bảo vệ tốt nhất cho sức khoẻ, tính mạng của người dân. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được các địa phương triển khai quyết liệt, chủ động, phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Cùng với đó là sự tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo sâu sát, kịp thời, chính xác của Bộ Y tế

Đối với khu vực TP.HCM, mục tiêu cao nhất của ngành y tế là giảm số ca tử vong. Nhiệm vụ hiện nay của chúng ta là phải dốc toàn lực hỗ trợ đội ngũ y tế và đội ngũ xung kích vì họ đã căng sức chiến đấu liên tục suốt 2 tháng qua. Dù thể xác và tinh thần đã rất mệt mỏi, nhưng chúng ta không thể ngã xuống được, dứt khoát phải đứng lên chống dịch mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam, các đối tượng xấu cố tình hướng lái vấn đề để người dân bất tin vào chính quyền, gây mâu thuẫn, bức xúc giữa nhân dân và chính quyền. Số chống đối, bất mãn vu cáo nguyên nhân việc dịch bệnh lây lan nhanh trong “làn sóng thứ tư” là do Nhà nước “hân hoan” tổ chức đại hội, bầu cử, họp Quốc hội mà bỏ mặc người dân tự đối phó. Đây là luận điệu chống phá rất nguy hiểm khi họ cố tình đánh lạc hướng nguyên nhân do khách quan sang “lỗi cố ý” của chính quyền.

“Không để người lao động bị bỏ lại phía sau”, đó là quan điểm xuyên suốt của hệ thống chính trị từ những ngày đầu tiên khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam năm 2020. Và đến nay, khi TP.HCM trải qua những ngày dịch bùng phát mạnh, Đảng bộ, chính quyền Thành phố luôn quan tâm việc đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm cho người dân; giảm thiểu đến mức thấp nhất số ca tử vong do nhiễm COVID-19 và đẩy nhanh chiến dịch tiêm vacxin để tiến đến miễn dịch cộng đồng.

Bằng chứng là chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Thành phố cho biết, hệ thống Mặt trận Tổ quốc cơ sở rà soát kỹ để không hộ dân nào bị bỏ sót, không để hộ nào thiếu đói. Hôm 5/8, thêm gói hỗ trợ lần hai với 900 tỉ đồng cho người dân TP.HCM cũng đã được phê duyệt.

Lường trước khó khăn từ dịch bệnh, Chính phủ, chính quyền các địa phương đã chủ động một mặt sớm kết nối xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin để phân tích, đánh giá, dự báo, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, ứng phó kịp thời trong hoạt động xuất khẩu; một mặt hướng dẫn sản xuất đáp ứng yêu cầu của các thị trường vốn “rất khó tính”. Thí dụ tiêu biểu là nhờ dự liệu, chuẩn bị từ trước, nên dù vải thiều chín đúng lúc đại dịch xảy ra tại Bắc Giang thì 200.000 tấn vải thiều của tỉnh vẫn được xuất khẩu tới nhiều nước, doanh thu đạt hơn 6.800 tỷ đồng, và câu chuyện “giải cứu” đã không phải đặt ra.

Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào Chính phủ, các quyết sách mà Đảng và nhà nước đặt ra. Xin mượn ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để kết thúc bài viết “Chúng ta buộc lòng phải chịu khó khăn trong thời gian này để khống chế dịch bệnh, kiểm soát nghiêm ngặt tất cả các trường hợp. Chúng ta chịu khắc khổ trong một thời gian để chiến thắng được dịch bệnh còn nếu dễ dãi, nơi lỏng thì không thể khống chế được tình hình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mỗi chúng ta cần tỉnh táo trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhất là Việt Tân. Luôn chủ động, tích cực đấu tranh trên không gian mạng với các luận điệu của các thế lực thù địch. Tuyệt đối tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 mà Nhà nước ta đang thực hiện.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều