Nở rộ ‘dịch vụ’ lén lút đưa đón người từ TP.HCM về quê với giá cao
Lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân sau giãn cách còn nhiều hạn chế, nhiều người đã mời chào ‘dịch vụ’ lén lút đưa đón từ TP.HCM về các tỉnh và ngược lại với giá vài triệu lên tới hàng chục triệu đồng.
Theo khảo sát của chúng tôi, trên các hội nhóm mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết chào mời dịch vụ xe đưa đón người từ TP.HCM trở về quê hoặc ngược lại với mức giá từ vài triệu đến chục triệu đồng.
Đơn cử, xe 16 chỗ ngồi từ TP.HCM về An Giang, Tiền Giang giá 3,5-4,5 triệu đồng người; xe 7 chỗ từ Bình Dương, TP.HCM về Nghệ An 5 triệu đồng/người; xe 5-7 chỗ từ TP.HCM về Hà Tĩnh, Nghệ An lên đến 15-25 triệu đồng/xe hoặc 4 triệu đồng/người… Đa số các chủ xe chỉ yêu cầu giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Chị Phượng (Hà Tĩnh) cho biết có con nhỏ không thể đi xe máy về quê được nên đang tìm thêm người để ghép xe về. “Tôi vừa gọi một nhà xe thì họ chỉ yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính, chứng minh nhân dân là có thể về. Người này đưa ra mức giá 3,5 triệu đồng/người, nếu đi xe ghép với người khác. Tuy nhiên mức giá hơi cao nên tôi đang suy nghĩ”, chị chia sẻ.
25 triệu đồng/xe từ TP.HCM về Hà Tĩnh
Anh P – một người cung cấp dịch vụ xe 7 chỗ tại TP.HCM – cho biết anh nhận người có nhu cầu về tất cả các tỉnh. Tuy nhiên, khách phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày và có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ.
“Hiện xe chỉ chở người về đến đầu tỉnh và sẽ có lực lượng chức năng đón, kiểm tra, khai báo y tế và chở khách về khu cách ly chung, nếu đã tiêm 2 mũi tùy tỉnh sẽ cho cách ly ở nhà. Về Hà Tĩnh, xe 7 chỗ không ghép với người khác giá 15 triệu đồng, nếu về chung giá sẽ rẻ hơn”, anh báo giá và cho biết xe 7 chỗ hay 16 chỗ cũng chỉ chở được 30-50% sức chứa.
Theo anh P, hiện nay chỉ có xe 4-7-16 chỗ mới có thể đưa đón người từ TP.HCM về quê và ngược lại. “Xe khách, tàu hỏa đều chưa được hoạt động nên chỉ có các xe dạng gia đình mới chở được khách về quê”, anh nói.
Tương tự, anh Lam (Tân Phú, TP.HCM) cho biết nhận chở người về các tỉnh miền Tây bằng xe 4-7-16 chỗ. “Nếu về An Giang giá 4,5 triệu đồng/xe và 1,5 triệu đồng/người, người đi chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính. Xe sẽ chở đến địa phận đầu tỉnh, nếu không có chốt chặn tài xế sẽ chở đến địa phương”, anh nói.
Trong khi đó, anh T – làm nghề chuyên chở người từ TP.HCM về các tỉnh miền Trung, miền Bắc và ngược lại – cho biết thời gian gần đây khi thành phố nới lỏng giãn cách anh chở khách đi, về TP.HCM liên tục.
“Từ TP.HCM đi Hà Nội giá 5 triệu đồng/người, đến các tỉnh miền Trung 3-4 triệu/người tùy địa điểm. Xe chạy 5 chỗ nên tôi thường gom đủ 3 người mới chạy, nếu 1 người/xe giá 25 triệu đồng”, anh nói và cho biết vừa chở khách từ Phú Thọ đến TP.HCM.
Nhiều địa phương chưa mở lại vận tải liên tỉnh
Về việc xe chạy dịch vụ chở “chui” người từ TP.HCM về các tỉnh, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Khánh Hưng – Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay Sở GTVT không cấp phép cho thực hiện xe dịch vụ chở khách về các tỉnh tự phát.
“Về việc kiểm soát xe chở ‘chui’ người về quê sẽ do các chốt kiểm soát và các lực lượng tuần tra trên đường của CSGT, thanh tra giao thông, UBND quận, huyện TP…”, ông nói.
Ông Phan Vĩnh Thanh – Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang – cho biết hiện nay đối với xe vận tải chở người trong địa bàn tỉnh Tiền Giang chỉ có xe taxi được hoạt động. Việc kiểm soát người ra/vào tỉnh do lực lượng công an chịu trách nhiệm quản lý chính ngoài ra thanh tra Sở cũng sẽ phối hợp kiểm tra.
“Khi phát hiện vi phạm, lực lượng công an sẽ báo về Sở GTVT để thông báo cho cơ quan chủ quản của phương tiện để có phương án xử lý thu hồi giấy phép, phù hiệu và yêu cầu ngừng hoạt động”, ông nói.
Đối với các hoạt động liên tỉnh, ông Võ Khánh Hưng cho biết từ ngày mai TP.HCM sẽ cho thí điểm hoạt động trở lại với tần suất thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không quá 30% số chuyến trong 7 ngày của từng đơn vị theo lưu lượng đã được cho phép khai thác trước đó và có giãn cách chỗ trên xe.
Trong khi đó một số các tỉnh thành khác cho biết phương án mở lại vận tải hành khách liên tỉnh chưa có phương án thống nhất. Số khác cho biết dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên chưa thể mở lại ngay.
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, hiện nay Bộ GTVT đã có kế hoạch cho xe khách chạy liên tỉnh nhưng Tiền Giang chưa triển khai vì dịch bệnh tại địa phương vẫn rất phức tạp, độ phủ vaccine chưa cao như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Do đó, tỉnh vẫn chưa quyết định nối lại vận tải hành khách liên tỉnh”, ông nói.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Hải – Phó giám đốc Sở GTVT Tây Ninh – cũng cho biết tỉnh chưa có kế hoạch triển khai vận tải khách liên tỉnh. “Hiện nay tình hình dịch bệnh tại địa phương vẫn phức tạp, những hoạt động khôi phục cần có sự đánh giá, ý kiến của cả Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh”, ông nói.
Tại Long An, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh này cũng quyết định tiếp tục tạm ngưng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô đối với các loại hình vận tải: Tuyến cố định; tuyến xe buýt; xe hợp đồng; xe taxi (trừ các trường hợp xe taxi vận chuyển với mục đích phục vụ người dân đi, đến các Bệnh viện, Trung tâm y tế ngoài địa bàn tỉnh trong trường hợp cấp thiết).
Khi các tỉnh, thành phố trong “khu vực” đồng ý cho phép vận chuyển thì Sở GTVT Long An sẽ trình UBND tỉnh cho phép hoạt động trở lại dựa trên cơ sở đề nghị của các đơn vị vận tải.
Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết hiện nay Bộ GTVT đã có Quyết định số 1777 nên Sở GTVT sẽ căn cứ vào văn bản này để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định riêng của Đồng Tháp trong vấn đề vận tải liên tỉnh cũng như nội tỉnh. “Sở dự kiến trình UBND tỉnh ban hành ngày mai để hoạt động đồng bộ với quyết định của Bộ GTVT”, ông Bảo cho biết.
Nguyễn Anh