+
Aa
-
like
comment

Nổ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, người nổi tiếng “phủi tay”?

Hạnh Phúc - 29/09/2022 10:27

Diễn viên Trung Quốc Lý Bảo Điền đã từng từ chối quảng cáo cho rất nhiều nhãn hàng dù được đề nghị thù lao “khủng” 21 triệu Nhân dân tệ (khoảng 70 tỷ đồng). Chia sẻ về điều này, “Tể tướng Lưu gù” cho biết: “Đa số mời tôi đóng quảng cáo dược phẩm. Tôi đã bao giờ uống những thứ thuốc ấy đâu. Tôi không thể lừa dối khán giả được, có thể họ tin tôi nên mới mua thuốc, tôi phải xứng đáng với lòng yêu mến của họ”. Người diễn viên nổi tiếng ấy cả đời giữ trọn lòng kính nghiệp và đạo đức và lẽ dĩ nhiên, ông luôn có một vị trí đầy sự tôn trọng trong lòng công chúng mến mộ.

Hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo cho nước hoa Charme Perfume

Nhắc chuyện người để ngẫm chuyện ta. Chuyện các nghệ sĩ Việt quảng cáo sản phẩm không còn là vấn đề mới, nhưng hệ lụy của nó luôn là chủ đề được bàn tới. Thông tin thương hiệu nước hoa Charme Perfume trái ngược với quảng cáo công nghệ chuyển giao từ châu Âu, bên trong nhà máy là những máy móc thô sơ, xô, thùng, can nhựa cáu bẩn, thậm chí nguyên liệu còn in dòng chữ “Made in China” khiến nhiều người hoang mang.

Đáng chú ý, đây là thương hiệu được hàng loạt người nổi tiếng đình đám trong nước như Hoa hậu Thùy Tiên, Hoa hậu Lương Thùy Linh, Ca sĩ Noo Phước Thịnh, Mỹ Tâm, Diễn viên Nam Thư, Trấn Thành…quảng bá rầm rộ càng khiến dư luận thêm bất bình.

Thông qua người nổi tiếng, nước hoa Charme Perfume trở thành dòng nước hoa nổi bật trên thị trường Việt Nam. Hành vi sản xuất giả (nếu có) sẽ khiến Charme tự mình vấy bẩn chiếc áo thương hiệu được gây dựng bao năm qua. Chúng ta chưa vội kết luận tính thật giả của thương hiệu này, nhưng phản ứng từ phía nhà sản xuất thật đáng quan ngại.

Thời kinh tế thị trường có nhiều cơ hội và cũng kèm theo thách thức, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất để tồn tại là sự tử tế trong mọi phương diện. Sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng lợi trước mắt nhưng hại lâu dài. Tổn thất của bản thân nhà sản xuất là rất đáng kể: Số hàng hóa bị tiêu hủy, chịu trách nhiệm trước pháp luật, mất uy tín và bị khách hàng tẩy chay. Tuy vậy, cái nguy hại nhất vẫn là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hàng loạt thùng sản phẩm của nước hoa Nước hoa Charme Perfume có đề chữ Made in China trong nhà xưởng.

Thế nhưng, vì cái lợi trước mắt, một số nhà sản xuất đã bất chấp tất cả. Với thủ đoạn tinh vi, hàng giả và hàng kém chất lượng đã được khoác chiếc áo tinh tươm đẹp đẽ mang tên thương hiệu nổi tiếng đi thẳng vào thị trường, thu hút cả người tiêu dùng sành điệu nhất. Mọi khách hàng có thể bị lừa, không có giới hạn cho sự loại trừ, tiền mất và tật mang. Và đặc biệt, sản phẩm càng trở nên hấp dẫn khi gương mặt người đại diện là những nghệ sĩ được nổi tiếng và nhiều người mến mộ.

Số đông người tiêu dùng mua sản phẩm vì nhu cầu bản thân, nhưng cũng không ít những người mua sản phẩm để ủng hộ nghệ sĩ. Xét ở phương diện đạo đức, nghệ sĩ lợi dụng lòng tin yêu mến mộ của mình để quảng cáo cho các nhãn hàng kém chất lượng là rất đáng lên án. Tin yêu nghệ sĩ, khách hàng không ngại đầu tư tiền bạc để rồi nhận về những sản phẩm kém chất lượng. Khách hàng sẽ mất lòng tin, mất sức khỏe. Đồng tiền kiếm được từ việc lợi dụng tấm lòng mến mộ của công chúng, tất nhiên đều là bất lương. Và chưa kể đến những nghệ sĩ không biết đến chất lượng sản phẩm, thành phần thật giả, họ nhận quảng cáo chỉ vì phần thù lao hấp dẫn. Hành vi này thuộc về phạm trù trách nhiệm xã hội.

Đáng bàn hơn khi người nổi tiếng được thuê quảng cáo sản phẩm, nhưng khi sản phẩm đó bị cơ quan chức năng “sờ gáy” thì đa phần họ im lặng, hiếm hoi lắm mới có người có lời xin lỗi suông đến công chúng.

Cho nên, câu hỏi “đến bao giờ người nổi tiếng mới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sản phẩm mà họ đã nhận tiền để quảng cáo đến công chúng?” vẫn còn lơ lửng chờ lời giải đáp.

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều