Trong bối cảnh tái cấu trúc thương mại năng lượng toàn cầu do xung đột Nga – Ukraine và khủng hoảng năng lượng nên dự báo giá năng lượng khó có thể ổn định trong tương lai gần, đặc biệt là giá điện.
Giá điện thị trường Âu – Mỹ:
Theo Tập đoàn ING, chuyên về lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia của Hà Lan: Giá điện tăng do nhiên liệu đầu vào tăng. Từ năm 2021, giá năng lượng tăng vọt và dự kiến sẽ ở mức cao vào năm 2022. Thị trường năng lượng châu Âu biến động trong suốt năm 2021. Giá điện tăng gấp 4 lần, giá khí đốt tăng gấp 3 và giá dầu gần như tăng gấp đôi. Vào giữa tháng 12/2021, lúc cao điểm, giá khí đốt và điện đã tăng gấp 7 lần, đạt mức chưa từng có trong lịch sử.
Theo CNBC, không phải đến bây giờ, mà giá năng lượng nói chung và điện nói riêng tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng kỷ lục từ giữa 2021. Năm 2021, giá điện tăng báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt hơn với người dân EU. Giá điện của Pháp đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, do sự kết hợp của các yếu tố từ sự phục hồi kinh tế của châu Á khiến giá than và khí đốt tăng mạnh.
Theo Reuters, giá điện chuẩn của EU, tính theo giá bán buôn của Đức kỳ hạn năm 2022 đã lập mốc mới vào ngày 10/9/2021, đứng ở mức 97,25 euro (115,09 USD)/MWh. Trong thành phần giá điện của Đức, có khoảng 25% là phí đấu nối lưới điện, kể cả bao gồm đo đếm và các dịch vụ kèm theo. Tỷ lệ cơ cấu nguồn điện hiện nay của nước Đức với 27% gió, 24% than, 12% hạt nhân, 12% khí tự nhiên, 10% mặt trời, 9,3% sinh khối, 3,7% thủy điện.
Riêng tại Pháp, giá điện bán buôn cũng đang áp sát mức cao kỷ lục 100,4 euro/MWh. Giới phân tích cho rằng, giá điện ở châu Âu đang tăng theo chiều xoắn ốc lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Giá điện thị trường châu Á:
Theo Globalpetrolprices.com tại khu vực châu Á, do giá năng lượng tăng nên giá điện được xem là “cuốn theo chiều gió” tăng theo. Tại Nhật Bản, giá điện tháng 9 năm 2021 là 0,241 USD/ kWh cho hộ gia đình và 0,184 USD cho doanh nghiệp. Còn tại Trung Quốc, giá điện tháng 9 năm 2021 là 0,088 USD/kWh cho hộ gia đình và 0,099 USD cho doanh nghiệp. Tại Hàn Quốc, giá điện cũng dao động ở mức 0.12 – 0.17 USD/kWh.
Cơ sở tính bao gồm tất cả các thành phần của hóa đơn điện như chi phí điện, phân phối và thuế. Để so sánh, giá điện trung bình trên thế giới tại thời điểm tháng 9 năm 2021 là 0,138 USD/kWh đối với hộ gia đình và 0,128 USD đối với doanh nghiệp.
Theo Bloomberg và Straitstimes, đầu tháng 4/2022, Singapore đã công bố mức tăng tăng giá điện 10% do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Cụ thể, đối với các hộ gia đình, giá điện chưa bao gồm thuế sẽ tăng từ 25,44 cent/kWh (Đô la Singapore) lên 27,94 cent/kWh kể từ ngày 1/4/2022 (khoảng hơn 4.600 đồng/kWh, tức gấp 2,5 lần giá điện bình quân hiện tại Việt Nam chúng ta.
Theo Ngân hàng OCBC Singapore thì mức giá điện mới phản ánh giá nhiên liệu đầu vào của ngành điện, như than, dầu khí đốt tăng cao. Nó tồn tại không chỉ ở Singapore mà trên toàn cầu, do sự tái cấu trúc của thương mại năng lượng quốc tế ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, do nhu cầu tăng sau đại dịch Covid-19… Dự báo thế giới sẽ còn phải phụ thuộc vào các nguồn này, giá năng lượng khó có thể bình ổn trong 2 đến 3 năm nữa.
Giá điện Việt Nam ở mức nào?
Theo Globalpetrolprices.com, giá điện trung bình trên thế giới là 0,136 USD/kWh đối với khách hàng hộ gia đình và 0,124 USD/kWh đối với khách hàng là doanh nghiệp. Giá điện bình quân của Việt Nam hiện đang xếp thứ 101/147 quốc gia (theo thứ tự giảm dần của giá điện) có trong báo cáo. Quốc gia có giá điện bình quân cao nhất thế giới là nước Đức với mức giá 0,372 USD/kWh.
Thống kê Global Petrol Prices cho thấy, một số nước có giá điện rất cao, chẳng hạn như Đức là 0,33 USD/kWh – cao gấp 4,7 lần giá điện Việt Nam, Australia là 0,26 USD/kWh gấp 3,7 lần, Tây Ban Nha ở mức 0,25 USD/kWh gấp 3,5 lần, Italia là 0,23 USD/kWh gấp 3,2 lần. Nước có giá điện cao nhất là Đan Mạch với 0,34 USD/kWh, gấp gần 5 lần so với giá điện của Việt Nam.
Số liệu nói trên là để so sánh, theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (cũng tương đương mức 0,083 USD/kWh) – tức là tương đương khoảng 66% so với mức giá điện trung bình của thế giới và cũng chỉ ở mức trung bình thấp so với giá điện bình quân của thế giới (101/147).
Bàn về câu chuyện giá điện Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới, ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng, World Bank Việt Nam cho rằng mức giá bình quân 1.720 đồng/kWh hiện nay thấp hơn mức giá mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải bỏ ra để mua điện từ các nguồn trong tương lai, kể cả năng lượng tái tạo và nhiệt điện. Nhu cầu đầu tư sản xuất điện tăng nhanh nhằm đáp ứng tốc độ tăng cầu về điện. Muốn thỏa mãn nhu cầu đó thì giá điện phải lên tới mức 0,143 USD/kwh.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 51% so với Philippines – quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kW).
Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Mức giá điện của Việt Nam năm 2021 còn thấp so với mặt bằng thế giới và khu vực do một số đặc điểm:
Thứ nhất: Tỷ lệ điện sản xuất từ thủy điện chiếm hơn 31% tổng sản lượng, trong khi giá thành của thủy điện khá thấp so với các nguồn điện khác.
Thứ hai: Tỷ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 46% sản lượng điện, trong đó có ½ là sử dụng than trong nước, khi giá than cho điện đang được Nhà nước quy định mức ổn định, không điều chỉnh theo biến động giá quốc tế.
Thứ ba: Các nguồn điện gió, mặt trời tuy phát triển rất nhanh và có cơ chế giá FIT cao hơn mặt bằng giá điện chung, nhưng vì số giờ vận hành đầy tải thấp (khoảng 1.500 – 2.300 giờ/năm) nên tỷ lệ mới chiếm khoảng 11,5% tổng sản lượng điện.
Thứ tư: Nhà nước còn một số cơ chế hỗ trợ giá điện cho người dân có thu nhập thấp, nhất là Việt Nam đang trải qua tác động lớn của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của nhiều doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, xu thế tăng giá điện thời gian tới ở Việt Nam là không thể tránh. Để giảm bớt tác động của giá điện, các doanh nghiệp và người dân cần hiểu rõ bối cảnh, xu hướng của tăng giá, có các hành động tăng cường tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả hơn và đầu tư vào các công nghệ, thiết bị điện tiên tiến, tiêu hao năng lượng thấp.
Bảo Trâm