+
Aa
-
like
comment

Nỗ lực thành lập đồng tiền chung của Châu Á

Huy Hoàng - 27/10/2022 05:11

Tuần qua, Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng về một đồng tiền chung cho khu vực Châu Á, sau khi toàn khu vực đang lên này phải chịu sức ép quá lớn từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).


Trung Quốc đề xuất ‘tiền tệ kỹ thuật số toàn châu Á’ để giảm bớt sự phụ thuộc vào USD.

Liệu có khả thi?

Châu Á là một khu vực đang lên nhưng không thực sự bền vững. Nguyên nhân là hầu hết các nước mới nổi hay những nước đã phát triển ở châu Á hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD. Chính điều này mang đến nhiều hệ luy khi Mỹ có những động thái liên quan đến chính sách tiền tệ trong nước họ.

Trong thời kỳ nới lỏng, với lãi suất cho vay thấp, nhiều nước sẽ tích cực vay nợ để chạy đua trong việc xuất khẩu, đầu tư công, phát triển kinh tế. Nhu cầu vay vốn của Chính phủ là một vấn đề hết sức bình thường, thế nhưng vấn đề là đồng tiền họ vay là đồng USD. Khi các khoản nợ ngày một phình to, các nước sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ nếu Fed trở lại với chính sách thắt chặt lãi suất.

Đây chính xác là những gì đang diễn ra vào lúc này, từ đầu năm đến nay, đồng USD đã bứt phá mọi giới hạn trên, kéo theo nhiều đồng tiền Châu Á lao dốc. Tiền Nhật giảm 31%, Hàn quốc 22%, Trung Quốc 15% , Thái 17%, Lào 37%… Với những nền kinh tế yếu kém, đồng nội địa trượt giá đồng nghĩa với áp lực trả nợ sẽ tăng, đẩy họ đến gần với nguy cơ vỡ nợ và phải bán tháo tài sản, đánh đổi tài nguyên cho các đối tác nước ngoài.

Một đồng tiền chung của Châu Á được cho là có khả năng làm giảm nguy cơ vỡ nợ kể trên, do các nước sẽ vay nợ từ nhiều nguồn khác nhau và do đó sẽ có nhiều phương án để xoay sở hơn khi có bất ổn xảy ra.

Chính sách tiền tệ ở Mỹ cũng đang không chỉ tác động đến các nước nghèo, kém phát triển mà những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật, Hàn cũng đều bị ảnh hưởng lớn. Nếu ví Châu Âu “nghiện” nguồn năng lượng từ Nga thì Châu Á cũng không khác hơn là mấy. Cũng vì phụ thuộc nhiều vào USD, nên hầu hết các nền kinh tế lớn ở Châu Á cũng nắm giữ lượng lớn tài sản dự trữ bằng USD như một phương tiện tự bảo hiểm chống lại những bất ổn tài chính tiềm tàng. Và cứ sau những đợt tăng lãi suất của FED, dự trữ ngoại hối tích lũy bao năm này bị xẹp với tốc độ không phanh.

Đáng nói đây còn đã trở thành một vòng lặp. Khi dự trữ ngoại hối giảm mạnh, sẽ kéo theo rủi ro về tỷ giá, do khi các nước không thể bán ra đồng USD thêm nữa, họ sẽ nới rộng biên độ tỷ giá hoặc để nó thả trôi. Và một khi tỷ giá so với đồng USD lên quá cao sẽ khiến dòng tiền đầu tư trong và cả ngoài nước tháo chạy sang Mỹ, và trú ẩn dưới dạng đồng USD để kiếm lợi nhuận chênh lệch.

Làn sóng rút vốn sẽ tác động nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế, gây trì trệ thêm các dự án xã hội. Thế nhưng nếu kinh tế Châu Á bị sụt giảm và mất thời gian rất lâu để phục khi chính sách thắt chặt kết thúc. Thì kinh tế Mỹ ngược lại, dòng tiền đầu tư toàn cầu sẽ ưu tiên thị trường Mỹ trước, khi lãi suất bắt đầu hạ nhiệt, vì lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá của đồng USD so với phần còn lại của thế giới vẫn còn đó. Nói một cách đơn giản, khi kinh tế toàn cầu phục hồi, Mỹ là quốc gia được ưu tiên đầu tiên, trong khi các nước Châu Á vẫn còn phải vật lộn để xử lý hậu quả.

Châu Á phải gia tăng xuất khẩu sang Mỹ

Và điều đó càng buộc những nước Châu Á phải tìm cách xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ để vực lại sự tăng trưởng về kinh tế sau những năm trì trệ do tác động của chính sách tiền tệ. Quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn nữa với Mỹ sẽ một lần nữa kích hoạt cơn khát đồng USD, các nước xuất khẩu hàng hóa đến Mỹ sẽ nhận về đồng bạc xanh, nên họ phải giao dịch với nhau bằng đồng bạc xanh, từ đó lại phải dự trữ đồng bạc xanh và một chu kỳ vay nợ, bán ngoại hối … cứ thế được lặp lại.

Tính chu kỳ này của đồng đô la còn đã giúp nó trở nên khó thay thế trong các hệ thống thanh toán quốc tế, hay nói một cách khác đồng USD dã bám rễ quá sâu trong hệ thống thanh toán quốc tế, nên kể cả khi các đồng tiền khác mạnh lên cũng chưa chắc đã thay thế được.

Điều này cũng đồng nghĩa là ý tưởng cho một đồng tiền chung của Châu Á lại càng trở nên xa vời. Với Trung Quốc, trong khi họ kêu gọi thành lập những đồng tiền kỹ thuật số riêng cho khu vực Châu Á, nhưng cũng chính họ đang là quốc gia nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ nhiều nhất.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng không thật sự ổn, những cơn khủng hoảng nhà đất và chính sách “zero – Covid” cực đoan đã làm suy yếu mức tăng trưởng của quốc gia này, do đó cũng làm đồng Nhân Dân Tệ trở nên kém hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nói một cách khác kinh tế Trung Quốc không đủ mạnh để hỗ trợ cho một đồng tiền chung Châu Á.

Ý tưởng về một đồng tiền chung cho khu vực Châu Á không phải là mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Năm 2006, Ngân hàng Phát triển châu Á đã lần đầu tiên đề xuất một đơn vị tiền tệ cho khu vực. Năm 2019, Thủ tướng Malaysia tiếp tục đưa vấn đề này ra thảo luận và nay là ý tưởng đồng kỹ thuật số của Bắc Kinh. Tất cả cho thấy tình trạng nhức nhối nan giải trong vấn đề phát triển mà không gặp cản trở bởi đồng USD của nhiều nước Châu Á.

Sự phát triển của Châu Á hiện nay vẫn đang bị kìm hãm bởi sợi xích của đồng bạc xanh. Tuy bề ngoài thì hào nhoáng, được tung hô nhưng bên trong chứa đầy rủi ro. Mỗi lần Fed nâng lãi suất là sự phát triển ấy giảm tốc và thậm chí đi lùi nếu quốc gia đó để mất kiểm soát nợ công.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều