+
Aa
-
like
comment

Nikkei: VN nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất tăng trưởng trong nửa đầu 2021

19/11/2020 09:33

Việt Nam đang trở thành câu chuyện kinh tế thành công của Đông Nam Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng tích cực trong khi nhiều nền kinh tế khác trong khu vực gặp khó khăn, theo nội dung bài đăng mới đây trên báo Nikkei.

Trong quý 3/2020, GDP của Việt Nam tăng trưởng được 2,6% và như vậy GDP của Việt Nam đã tăng trưởng đến quý thứ 2 liên tiếp. Theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP danh nghĩa của Việt Nam hiện đã lên vị trí thứ 2 trong nhóm các nước khu vực Đông Nam Á. Trái ngược với nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát được đại dịch Covid-19. Xuất khẩu tăng cao giúp cho tăng trưởng kinh tế lên mạnh, nhiều doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tháng 10/2020 ước đạt 26,7 tỷ USD, Bộ Công thương ước tính kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể tăng từ 3% đến 4%.

Việt Nam tiếp tục là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng dương năm nay.

Hệ thống cảng biển của Việt Nam phát triển mạnh đã giúp cho việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các nước tăng lên, nó giúp giảm chi phí vận tải, rút ngắn thời gian vận chuyển và khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam tăng lên.
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã hưởng lợi cho thương mại Việt Nam nhờ vào làn sóng nhiều doanh nghiệp sản xuất chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc nhằm tránh thuế của Mỹ.

Cả các công ty đa quốc gia và công ty Trung Quốc đã chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế chi phí thấp nhân công giỏi. Tập đoàn Samsung Electronics đã sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam trong hơn 1 thập kỷ qua, đồng thời Samsung cũng đang có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất máy tính cá nhân sang Việt Nam sau khi đóng cửa nhà máy tại trung Quốc. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã công bố hơn 1.300 trường hợp lây nhiễm Covid-19, tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 được giảm thiểu ở mức tối đa. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng quy định giãn cách xã hội trong vòng 3 tuần trong tháng 4/2020, hoạt động sản xuất bình thường tại Việt Nam đã được khởi động trở lại trong khu vực. Thiệt hại việc làm được hạn chế phần nào, tiêu dùng người dân, hiện vốn chiếm khoảng 70% GDP khu vực, hiện vẫn đang vững vàng.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế khác tại Đông Nam Á vẫn còn đang rất khó khăn. IMF dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 1,6%, trong năm 2020, tuy nhiên dự báo này với GDP Singapore và Malaysia là âm 6%, Thái Lan âm 7,1%. Kinh tế Malaysia tăng trưởng âm 2,7% trong quý 3/2020, ngành dịch vụ tăng trưởng âm 4% trong khi ngành dịch vụ đóng góp gần 60% GDP.

Các ngành liên quan đến du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Công suất phòng tại các khách sạn ở Malaysia đã giảm xuống còn 20% trong tuần cuối cùng của tháng 10/2020 trong bối cảnh số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng cao, theo Hiệp hội Khách sạn Malaysia. Giới chức ngành khách sạn Malaysia cảnh báo rằng nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, các doanh nghiệp du lịch có thể sẽ bị buộc phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn để có thể tồn tại được. Trong ngày thứ Hai, chính phủ Thái Lan đã công bố số liệu kinh tế, GDP Thái Lan tăng trưởng âm 6,4% và như vậy có quý tăng trưởng âm thứ 3 liên tiếp.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện ước tính khoảng 3.500USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 58.500USD của Singapore và 10.200USD của Malaysia. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi trật tự kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Số lượng các ca nhiễm Covid-19 lập những mức cao mới tại Indonesia – đất nước có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Malaysia trong khi đó chật vật với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Khi mà tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tiếp tục ở mức cao, hoạt động kinh tế sẽ vẫn tiếp tục trì trệ bởi người tiêu dùng hạn chế ra ngoài.

Dù rằng nền kinh tế nhóm các nước Đông Nam Á sẽ vẫn hồi phục mạnh vào năm sau, Việt Nam có thể là nền kinh tế duy nhất trong khu vực tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng đương đầu với không ít rủi ro. Nếu Tổng thống được bầu Joe Biden vẫn duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc nhưng bỏ đi các mức thuế trừng phạt với hàng hóa nước này, việc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sẽ chậm lại.

Hoàng Đan/Bizlive

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều