+
Aa
-
like
comment

Nikkei: Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan trở thành “công xưởng châu Á”

18/02/2021 20:01

Theo Nikkei, thành công trong công tác ngăn chặn dịch bệnh có thể mang lại những lợi thế nhất định cho Việt Nam về kinh tế, đặc biệt trong thế đối trọng với Thái Lan.

Ở Đông Nam Á, trước đây Việt Nam và Thái Lan đã thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Hai nước được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi là hình mẫu phòng chống dịch bệnh, nhưng bước vào năm 2021 bắt đầu có khoảng cách.

Ở Việt Nam, mỗi khi xảy ra trường hợp lây nhiễm đều được kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn, số ca nhiễm tích lũy chỉ là hơn 1.500 (tính đến ngày 3/2). Còn tại Thái Lan, ngày 19/12/2020, một vụ lây nhiễm theo cụm quy mô lớn đã xảy ra ở những công nhân Myanmar nhập cư làm việc tại chợ thủy sản ngoại ô Bangkok. Biến cố này mang tính bước ngoặt khiến dịch nhanh chóng lan rộng và số lượng ca lây nhiễm tăng vọt chỉ trong nửa tháng, đến ngày 9/1 đã hơn 10.000 người bị nhiễm COVID-19.

Nhưng so với dịch bệnh, có lẽ thực trạng phân hóa trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước rõ ràng hơn. Về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo dự báo gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2020 Việt Nam duy trì mức tăng trưởng dương 2,9%, trong khi thì Thái Lan dự kiến ​​sẽ giảm mạnh 7,8%.

Tín hiệu từ lựa chọn chuyển hoạt động sản xuất của Panasonic

Việt Nam đang nổi lên, trong khi Thái Lan có cảm giác chạm đỉnh. Điều này đã nổi lên từ vài năm trước và tình hình dịch bệnh hiện nay cho thấy khoảng cách có thể rút ngắn hơn. Điểm nhấn trong tình hình phát triển giữa hai nước có thể nhìn vào quyết định của Panasonic cách đây chưa lâu.

Tăng trưởng dương, thu hút đầu tư: Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan trở thành công xưởng châu Á? - Ảnh 1.
Nhà máy sản xuất ô tô ở Thái Lan. Ảnh minh họa

Trong thời gian khoảng tháng 9 – 10/2020, Panasonic đã ngừng sản xuất máy giặt và tủ lạnh tại Thái Lan, thuyên chuyển hoạt động sản xuất những mặt hàng điện gia dụng chủ chốt này sang Việt Nam. Panasonic có nền tảng sâu tại Thái Lan, sau Thế chiến thứ 2, Panasonic mở cơ sở sản xuất ở nước ngoài đầu tiên tại Thái Lan vào năm 1961. Năm 1963 người sáng lập Matsushita Kōnosuke đã đích thân giới thiệu nhà máy sản xuất tivi với cựu Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej khi ông đến thăm Nhật Bản. Mặc dù các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô và pin của Panasonic tại Thái Lan vẫn còn giữ lại, nhưng việc chuyển giao hàng điện gia dụng chủ chốt cho Việt Nam đã tác động tới Thái Lan.

Trong hoạt động sản xuất của Panasonic tại Việt Nam và Thái Lan, trước đây phân chia tồn tại với dòng máy dung lượng lớn ở Thái Lan còn dòng máy dung lượng tầm trung ở Việt Nam, hai nước là cơ sở xuất khẩu của Panasonic sang hơn 10 nước quanh châu Á và Trung Đông.

Nhưng đáng chú ý là thông tin cho rằng quyết định chuyển hoạt động sản xuất vào đầu năm 2020 của Panasonic không liên quan gì đến dịch bệnh.

Tại sao lại chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam?

Một là yếu tố thị trường. Theo số liệu từ công ty khảo sát Euromonitor International của Anh, xét về quy mô thị trường tủ lạnh và máy giặt năm 2019, Việt Nam là 2,8 triệu chiếc và 2,27 triệu chiếc, trong khi Thái Lan là 1,92 triệu chiếc và 1,75 triệu chiếc. Quy mô thị trường của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan. Còn xét từ góc độ tỷ lệ phổ cập hộ gia đình, Thái Lan là 92% và 70%, trong khi Việt Nam còn rất nhiều khoảng trống để tăng trưởng khi chỉ là 74% và 40%.

Hai là yếu tố sản xuất. Mặc dù những năm gần đây chi phí lao động ở Việt Nam đã tăng nhiều nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 60% của Thái Lan.

Akio Ota, cựu Chủ tịch Panasonic AP Việt Nam, cho biết: “Đối với hàng điện gia dụng chủ chốt, các nước đều có những sản phẩm bán chạy, vì vậy luôn bảo đảm ‘tiêu thụ tại nơi sản xuất’, nhưng toàn châu Á đang đô thị hóa, sản phẩm bán chạy dần tương tự nhau. Thị trường Thái Lan khó khăn tăng trưởng thêm, trong khi giá nhân công tương đối cao. Điều chỉnh lại sản xuất là lẽ tự nhiên”.

Từ những năm 1980, Thái Lan đã không ngừng phát triển thành “công xưởng châu Á”. Xu thế di chuyển sản xuất sang Việt Nam diễn ra từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dù hơi muộn nhưng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đã vượt Thái Lan vào năm 2014, đến năm 2018 giá trị xuất khẩu cũng vượt Thái Lan. Gần đây, Việt Nam càng trở nên là địa điểm hấp dẫn khi nhiều công ty chịu ảnh hưởng từ xung đột thương mại Trung-Mỹ và vấn đề dịch bệnh, ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận thấy triển vọng tương lai xem trọng Việt Nam hơn Thái Lan.

Nhưng nền kinh tế Thái Lan theo xu thế “Mekong hóa”

Về thực hư chuyện cạnh tranh vị thế “công xưởng châu Á” là như thế nào? Báo Nhật Bản cho rằng, cơ cấu nền kinh tế của hai nước cho thấy Thái Lan có hướng đi riêng.

Thứ nhất là xuất khẩu sản phẩm. 40% xuất khẩu của Việt Nam là vào châu Âu và Mỹ, còn 30% của Thái Lan là vào khu Đông Nam Á. Cần đặc biệt lưu ý, năm 2019 Thái Lan được cho là xuất siêu tới 13,9 tỷ USD tập trung vào các nước đang phát triển xung quanh lưu vực sông Mekong là CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Trong đó, xuất siêu của Thái Lan với Việt Nam là 6,7 tỷ USD, chiếm khoảng một nửa của CLMV.

Thứ hai là xuất khẩu dịch vụ. Năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, xuất siêu của Thái Lan là 23,3 tỷ USD, gấp gần 3 lần Việt Nam là 8,7 tỷ USD.

Sau làn sóng đầu tiên của dịch bệnh COVID-19 lắng xuống từ tháng 3 – 4/2020, Phó điều hành Mayuree Chirpromprasith của công ty Siam Piwat quản lý các trung tâm thương mại lớn nhất ở Đông Nam Á tại trung tâm Bangkok gồm Siam Paragon và ICONSIAM, kêu gọi “Nên ưu tiên bỏ lệnh cấm đối với du khách CLMV”.

Tuyên bố đó không phải chỉ vì thực trạng dịch bệnh COVID-19 trong nước của một số nước CLMV đã thuyên giảm. Tại trung tâm mua sắm Siam Piwat, 40% khách hàng thường vào cửa hàng là người nước ngoài, trong đó 30% là từ CLMV. Và như được biết đó đều là “khách hàng chất lượng”, những người chi tiêu trung bình 100.000 baht (khoảng 3320 USD) tại một thời điểm mua sắm. Tình hình này cho thấy sức mua của tầng lớp giàu có và trung lưu ở các nước láng giềng ngày càng càng mạnh.

Thứ ba là đầu tư. Thái Lan đứng sau Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng hiện nay Thái Lan đang hướng mạnh về đầu tư ra nước ngoài hơn. Tính đến năm 2019, trong 4 năm liên tiếp đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan đã cao hơn nguồn nước ngoài đầu tư vào Thái Lan (mức chênh là 6:4). Đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan cao hơn Malaysia tính theo hàng năm và theo tổng gộp, và ở Đông Nam Á chỉ đứng sau Singapore.

Đích đến của các dòng vốn đầu tư Thái Lan chính là Việt Nam. Những doanh nghiệp Thái Lan đã thúc đẩy đầu tư lớn thông qua hợp tác nhà đầu tư nước ngoài như hãng sản xuất bia Chang (Chang Beer) là Thai Beverage, doanh nghiệp bán lẻ Central Group, và xi măng Siam Cement Group.

Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong xuất khẩu và đầu tư vào hàng hóa và dịch vụ chính là CLMV, trong đó đặc biệt là “đối thủ cạnh tranh” Việt Nam. Nhà nghiên cứu Ryuichi Ushiyama, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, cho rằng: “Nền kinh tế Thái Lan đang xuất hiện một hiện tượng có liên quan mật thiết đến các nước thuộc lưu vực sông Mekong, được gọi là ‘Mekong hóa’”.

Nguồn gốc vấn đề có thể tính từ 30 năm trước. Năm 1988, Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là Chatichai Choonhavan đã đề xuất “biến bán đảo Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”, cuối cùng ngày nay đã thành hiện thực. Vòng tròn sông Mekong, bao gồm cả Thái Lan, có dân số 240 triệu người, tương đương dân số 267 triệu của Indonesia – nước có dân số lớn thứ 4 thế giới. Đáp ứng “nhu cầu nội tại khu vực” là hướng sinh tồn của Thái Lan chứ không nhất thiết vì mục đích cạnh tranh với Việt Nam ngôi vị “công xưởng châu Á”.

Nhật Tân

Bài mới
Đọc nhiều