Nikkei: Việt Nam nhảy vọt, giữ vị trí bất ngờ trên BXH phục hồi
Mới đây, trang Nikkei Asia Review vừa công bố Chỉ số phục hồi sau đại dịch Covid-19 (Covid-19 Recovery Index) tháng 5/2022. Trong đó nhận định rõ, Việt Nam và Philippines là hai quốc gia có những bước tiến nhảy vọt trên BXH nhờ vào các nỗ lực phục hồi kinh tế, du lịch.
Theo dữ liệu của Nikkei, chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 thế giới.
Công bố ngày 3/6 của Nikkei nêu rõ, với hơn 80% dân số được tiêm chủng ngừa Covid-19 đầy đủ và 60% dân số đã được tiêm mũi tăng cường, Việt Nam nhận được 27/30 điểm về mức độ bao phủ vaccine.
Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số các loại vaccine ngừa Covid-19 được triển khai ở Việt Nam tính đến ngày 8/5, có 46% là vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) và Moderna (Mỹ), 28% là vaccine của AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) và 23% là vaccine của nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm.
Nikkei cũng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.
Chỉ số Phục hồi sau đại dịch Covid-19 đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ trong ứng phó với lây nhiễm, triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 và điều kiện di chuyển trong xã hội.
Xếp hạng càng cao, quốc gia và vùng lãnh thổ đó càng gần với khả năng phục hồi. Đặc trưng của chỉ số này là tỉ lệ lây nhiễm, tử vong thấp, mức độ bao phủ tiêm chủng lớn và khả năng di chuyển cao hơn.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, cùng với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, trong tháng 5-2022, các sự kiện và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực đều sôi động, khởi sắc hơn. Đây được xem là một trong những tín hiệu vô cùng đáng mừng, giúp Việt Nam từng bước quay lại trạng thái bình thường mới, phát triển kinh tế vượt trội sau những đau thương mất mát mà Covid-19 đã đem đến.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, trước hết phải nắm chắc tình hình dịch COVID-19. Đồng thời nắm bắt tình hình cạnh tranh chiến lược; diễn biến giá cả đầu vào, năng lượng, rủi ro lạm phát; nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế của khu vực và quốc tế… để có giải pháp ứng phó hiệu quả. Xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi.
Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản… Bảo đảm cung cầu, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả, điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Ngoài Việt Nam, Philippines cũng tăng 40 bậc trong bảng xếp hạng, lên vị trí thứ 33 nhờ mức độ lây nhiễm Covid-19 giảm đáng kể. Số ca mắc Covid-19 ghi nhận theo ngày ở nước ngày giảm xuống dưới mức 200 ca trong tuần qua, không có thêm ca tử vong nào.
Theo chỉ số mà Nikkeivừa công bố, Campuchia và Hàn Quốc lần lượt dẫn đầu các quốc gia châu Á khi ở vị trí thứ 2 và 8 trong Chỉ số phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Bảo Trâm (Theo Nikkei Asia Review)