+
Aa
-
like
comment

Nikkei: Sự bứt phá ngoạn mục của Việt Nam trong đại dịch Covid-19

22/01/2021 06:31

Các hoạt động kinh tế, tất cả các lĩnh vực khác nhau vẫn hoạt động, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2020.

Báo điện tử Nikkei của Nhật Bản ngày 20/1 có bài đánh giá về câu chuyện bứt phá ngoạn mục của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành trên toàn cầu.

Theo bài viết, điều đáng ngạc nhiên là Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt dù có biên giới chung với Trung Quốc, nơi khởi phát virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các hoạt động kinh tế, tất cả các lĩnh vực khác nhau vẫn hoạt động, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, ngay cả khi các nước láng giềng vẫn phải vật lộn với suy thoái do đại dịch.

Năm 2020 là năm Việt Nam tham gia 3 thỏa thuận thương mại tự do (FTA), tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, có thêm một hãng hàng không và vươn lên vị trí thứ 6 (từ vị trí thứ 7) ở Đông Nam Á theo thu nhập bình quân đầu người.

Giám đốc điều hành VinaCapital Don Lam nhớ lại: “Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức khác dự báo thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất vì xuất khẩu đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra ngược lại. Sự cởi mở đối với thương mại của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế.”

Bài báo nhận định nhờ thành tích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam nắm bắt được cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Bao Nikkei: Su but pha ngoan muc cua Viet Nam trong dai dich COVID-19 hinh anh 2
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2020, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới, ở mức 2,9% và dự kiến đạt mục tiêu 6,5% vào năm 2021. Nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế tăng cao.

Việt Nam cũng giành thêm thị phần do các nước láng giềng châu Á tiếp tục phong tỏa do đại dịch. Các nhà đầu tư xem Việt Nam là một trong số ít quốc gia có triển vọng trong thời điểm hiện nay.

Theo báo cáo mới đây của Euromonitor về chỉ số đầu tư mua bán và sáp nhập (M&A), Việt Nam được dự báo là một trong những thị trường có hoạt động M&A sôi động, tiềm năng nhất toàn cầu năm nay, chỉ đứng sau Mỹ.

Ông Trương Quang, đối tác điều hành của công ty YKVN, cho biết: “Việt Nam là thị trường duy nhất có thể thực hiện các giao dịch.”

Năm 2020, Việt Nam tham gia ba FTA là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), và FTA Việt Nam-Anh (UKVFTA).

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 10/2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines.

Và xét tuyệt đối, GDP của Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia, lần đầu tiên đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.

Với nguy cơ đại dịch COVID-19 thấp hơn, giới chức Việt Nam đã tập trung vào phát triển kinh tế. Việt Nam đặt trọng tâm vào lĩnh vực công nghệ để có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025.

Vì vậy, năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận một số khoản đầu tư lớn từ nhà cung cấp cho Apple và Samsung có tên là Pegatron đến tập đoàn LG Electronics.

Cuối năm 2020, gần như tất cả nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực có kế hoạch hoặc đã mở xưởng tại Việt Nam.

Bao Nikkei: Su but pha ngoan muc cua Viet Nam trong dai dich COVID-19 hinh anh 1
Công dân về từ Pháp rửa tay sát khuẩn tại khu cách ly tập trung.

Trong khi đó, các công ty ở Việt Nam đã tận dụng khoảng thời gian gián đoạn do đại dịch để nâng cao năng lực của nhân viên trong nước.

Nhiều công ty cho biết nhân viên trong nước đang tham gia nhiều việc hơn trong khi các đồng nghiệp nước ngoài không thể nhập cảnh.

Theo khảo sát do công ty nhân sự Adecco công bố vào tháng 8/2020, hơn một nửa (56%) các nhà quản lý nhân sự cho biết sẽ ưu tiên đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng trong quý tới.

Du lịch nội địa hầu như không suy giảm, tạo điều kiện cho hãng hàng không Vietravel Airlines cất cánh vào tháng 12/2020 và trở thành hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam.

Tuy nhiên, vì không có các chuyến bay quốc tế nên doanh thu của các hãng hàng không sụt giảm, khiến họ phải tìm kiếm các gói cứu trợ từ nhà nước.

Để tăng tốc độ phục hồi, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt khoản cứu trợ 2,7 tỷ USD. Chính phủ cũng cắt giảm thuế và phí, cung cấp các khoản vay và tăng chi tiêu công, bao gồm cả cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Theo bài báo, Việt Nam minh bạch trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Chính phủ đã chia sẻ thông tin cập nhật liên tục về biện pháp chống lại dịch, thông tin chi tiết về lịch sử di chuyển của bệnh nhân và cách chính quyền xác định liệu việc tử vong có liên quan đến dịch hay không.

Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen nói: “Tôi tin rằng các bài học kinh nghiệm từ thành công này về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội sẽ giúp chính phủ đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.”

Tác giả bài báo cho biết với cơ sở hạ tầng và khả năng quản trị được cải thiện và người lao động và các nhà cung cấp được trang bị tốt hơn, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam có thể sẽ đạt được nhiều thành tựu.

Đồng sáng lập Do Ventures Vy Le cho rằng Việt Nam phải tận dụng thời điểm này. Theo bà Vy Le, một mặt, lệnh phong tỏa xã hội, dù ngắn, nhưng đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng và thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán số.

Mặt khác, việc dỡ bỏ phong tỏa cho phép người dân trở lại các cửa hàng, văn phòng và nhà máy. Cả hai diễn biến này đều mở ra cơ hội cho các công ty.

Bà Vy Le nói: “Việt Nam có lợi thế vì mọi người có thể đi lại thoải mái trên đường phố, có thể gặp gỡ những người buôn bán. Chắc chắn, đây là cơ hội để Việt Nam tiến lên phía trước”.

(Theo Nikkei)

Bài mới
Đọc nhiều