+
Aa
-
like
comment

Nikkei: Việt Nam sẽ là “át chủ bài”, nhân tố định hình tương lai của châu Á

Bảo Trâm - 02/12/2021 08:51

Trang Nikkei Asia Review đã có bài viết với tiêu đề “India and Vietnam will define the future of Asia: Kurt Campbell” (Kurt Campbell: Ấn Độ và Việt Nam sẽ là nhân tố định hình tương lai của châu Á), với nhận định Việt Nam và Ấn Độ sẽ trở thành ‘át chủ bài’, điểm tựa trong chính sách định hình tương lai Châu Á.

Trang Nikkei trích lời ông Kurt Campbell, điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đánh giá, Việt Nam và Ấn Độ là những quốc gia “địa chiến” mà Mỹ cần phải tăng cường quan hệ.

Thực tế, hiện chính quyền Biden coi Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia ưu tiên hàng đầu trong phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, quốc phòng của Mỹ ở khu vực Indo-Pacific, nhất là trong Đối thoại Bộ tứ QUAD (Bộ tứ Kim cương).

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến trung tuần tháng 11 vừa qua, điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell nói Việt Nam và Ấn Độ sẽ định hình tương lai châu Á.

Ông Kurt Campbell, điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ông Kurt Campbell, nhà ngoại giao kỳ cựu vô cùng am hiểu về châu Á, người từng làm trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương dưới thời Barack Obama, tuyên bố tại sự kiện do Viện Hòa bình Mỹ (U.S. Institute of Peace) tổ chức rằng: “Việt Nam, Ấn Độ cùng một số nước khác đứng đầu danh sách những quốc gia quan trọng sẽ xác định tương lai của châu Á”.

Theo đó, theo ông Campbell, với vị thế đặc biệt quan trọng của Việt Nam và Ấn Độ, ông Kurt Campbell cho rằng, dù ai làm ông chủ Nhà Trắng, ngồi trên ghế Tổng thống Mỹ cũng đều phải chú ý vào trọng tâm quan hệ với Việt Nam và Ấn Độ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Tôi tin rằng bất cứ ai đang nắm quyền ở Mỹ, bất kể chủ nhân tương lai nào khác của Nhà Trắng thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, cũng đều sẽ làm những công tác cần thiết để giúp xây dựng mối quan hệ với Việt Nam và Ấn Độ”, ông Kurt Campbell tuyên bố.

Về phần Việt Nam, trang Nikkei đưa ra đánh giá đây là quốc gia có vị thế “địa chiến”. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có vị thế đặc biệt quan trọng ở Indo-Pacific với tiềm năng vô cùng dồi dào, là nhân tố vô cùng bí ẩn và có địa thế chính trị vô cùng lớn trên trường quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris

Điều này cũng được nước Mỹ nhìn thấy rõ qua những hành động ngoại giao ngay từ thời Tổng thống Obama. “Việt Nam là một nước có chính sách ngoại giao trung dung ở khu vực và đang có sự tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực công nghệ”, ông Kurt Campbell nói với Nikkei.

Ông Campbell cũng nêu rõ, sự tăng trưởng đáng nể của Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ đang thu hút sự chú ý của nước ngoài. Cụ thể, ông Kurt Campbell khẳng định hiện nhiều công ty sản xuất và công nghệ cao đang tìm đến quốc gia Việt Nam và mở rộng đầu tư sản xuất để đa dạng hóa cổ phần, dây chuyền sản xuất, mô hình thương mại, kinh doanh ở châu Á.

“Việt Nam đang nâng tầm vị thế ngoại giao của mình,” ông Campbell nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Campbell cho rằng dù hệ thống chính trị giữa Mỹ và Việt Nam khác nhau nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ và Việt Nam cần gần gũi nhau hơn và tăng cường hợp tác thực chất trong tương lai, hướng tới chia sẻ mục tiêu chiến lược song phương.

Ông Campbell khẳng định đây sẽ là một trạng thái xoay chuyển quan trọng, không chỉ về mặt chiến lược mà còn về mặt thương mại và công nghệ: “Mặc dù Mỹ và Việt Nam duy trì thể chế chính trị khác nhau, nhiều giá trị tổng hòa khác nhau, nhưng về cơ bản, tôi tin rằng khả năng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam sẽ có tính quyết định đối với Mỹ trong tương lai”.

Theo Nikkei, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ Việt Nam – Mỹ đã ghi nhận nhiều biến chuyển sâu sắc, từ “cựu thù” trở thành bạn, đối tác đặc biệt quan trọng của nhau. Mỹ và Việt Nam không ngừng thúc đẩy hợp tác song phương bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại COP26.

Bằng chứng rõ nhất là Mỹ chính là một trong những quốc gia hàng đầu hỗ trợ vaccine Covid-19 nhiều nhất cho Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ, trong khi nước này cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Ngoài kinh tế thương mại, đầu tư, chính trị ngoại giao, tiếp xúc song phương cấp cao, hợp tác an ninh – quốc phòng Việt – Mỹ cũng là một trong những nội dung đáng chú ý. Mỹ liên tiếp chuyển các tàu tuần tra cho Việt Nam.

Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng nhận thấy hai bên còn nhiều tiềm năng để tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, thương mại quốc phòng.

Theo Nikkei, vị thế và tầm quan trọng của Việt Nam với Mỹ cũng được thể hiện rõ nhất qua chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 7.

Trong chuyến đi này, bà Kamala Harris nhấn mạnh chuyến đi khẳng định sự khởi đầu cho chương tiếp theo trong quan hệ Việt – Mỹ”. Việt Nam và Mỹ còn nhiều dư địa để tăng cường quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Đại diện lãnh đạo Nhà Trắng cũng nhấn mạnh Đông Nam Á là trung tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Việt Nam có tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt đối với Mỹ”, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố.

Những yếu tố về chính trị, xã hội, ngoại giao… đều cho thấy rõ việc Việt Nam và Ấn Độ sẽ trở thành ‘át chủ bài’, điểm tựa trong chính sách cạnh tranh đối trọng với Trung Quốc của Mỹ trong tương lai, trang Nikkei nhận định.

Bảo Trâm (Theo Nikkei Asia Review) 

Bài mới
Đọc nhiều