Nikkei: Áp lực bởi thương chiến Mỹ – Trung, 23 công ty rời Trung Quốc tới Việt Nam
Hãng tin Nikkei Asian Review của Nhật mới đây cho biết, tính từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ đến tháng 10/2019, 33 công ty đã di dời khâu sản xuất khỏi Trung Quốc, trong đó có 23 công ty chuyển sang Việt Nam, phần còn lại chuyển sang các nước Malaysia, Thái Lan và Campuchia.
Theo Chỉ số Hiệu suất Công nghiệp Cạnh tranh của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng ở vị trí thấp hơn Indonesia. Tuy nhiên, theo Nikkei Asian Review, Jakarta lại có lịch sử không được thuận lợi trong việc kêu gọi trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI).
Đóng góp của FDI cho GDP của Indonesia trong năm 2018 chỉ đạt 1,8%, thấp hơn đáng kể so với các đối thủ trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thu nhập trung bình hàng tháng của cả lao động có trình độ trung bình và tay nghề thấp ở Indonesia thấp hơn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Nikkei Asian Review nhận định “chi phí nhân công rẻ hơn không khiến những gã khổng lồ công nghệ như Apple rời bỏ Việt Nam”.
Cũng theo thông tin từ Nikkei Asian Review, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 tới 4 triệu máy hoặc 30% số AirPods tại Việt Nam (không bao gồm AirPods Pro).
Hãng tin Nhật Bản ngày 9/6 cho biết Indonesia đang đàm phán với chính phủ Mỹ về việc di dời các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc sang nước này trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy nỗ lực rút chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc.
Luhut Panjaitan, Bộ trưởng điều phối của Indonesia về các vấn đề hàng hải và đầu tư, cho biết chính phủ của ông đang dành nhiều vị trí cho các doanh nghiệp Mỹ trong các khu công nghiệp, như khu công nghiệp ưu đãi thuế Kendal ở tỉnh Trung Java hay khu công nghiệp Brebes, một trong 89 dự án ưu tiên quốc gia.
Được biết ông Panjaitan trước đó đã có cuộc hội đàm trực tiếp với giám đốc điều hành của Tập đoàn phát triển tài chính quốc tế Mỹ, một cơ quan chính phủ Mỹ, sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói chuyện với người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Ông Widodo và ông Trump đã tiến hành cuộc điện đàm vào ngày 25/4. Khi đó, ông Trump đã thảo luận về kế hoạch mua máy thở của Indonesia và khả năng đầu tư vào nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm.
Theo ông Panjaitan, đã có khoảng 20 công ty Mỹ định rời khỏi Trung Quốc thể hiện sự quan tâm tới các đề nghị của Indonesia.
Ngân hàng Thế giới (WB) hồi năm ngoái đã cảnh báo Indonesia, nền kinh tế duy nhất của Đông Nam Á có mặt trong nhóm G20, đang bị các nước trong khu vực bỏ lại.
“Các doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc, nhưng không đến Indonesia vì các nước láng giềng có nhiều chính sách hấp dẫn hơn”, WB nhận định.
Theo các chuyên gia làm trong lĩnh vực tư vấn, Indonesia đang có nhiều sự không ổn định trong mắt các nhà đầu tư.
Các nhà kinh tế tại Citigroup thì cho rằng ngay cả khi đại dịch thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Indonesia vẫn có khả năng bỏ lỡ cơ hội.
“Các nền kinh tế nhiều khả năng được hưởng lợi là những bên có mức độ xuất khẩu cao tương tự như Trung Quốc và có sẵn chuỗi cung ứng”, báo cáo gần đây của Citigroup cho rằng Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan có thể là những nơi hưởng lợi ngắn hạn.
Các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ như Microsoft và Google cũng đang tăng cường nỗ lực di dời sản xuất từ Trung Quốc đến địa điểm tiềm năng ở Việt Nam và Thái Lan.
PV/VNF