+
Aa
-
like
comment

Niềm tin và khát vọng

26/01/2020 08:49

Một năm khởi đầu từ mùa xuân và trong tràn ngập sắc xuân của dân tộc Việt Nam luôn có sắc cờ hồng của Ðảng. Kể từ mùa Xuân năm 1930 khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cho tới ngày hôm nay, trong tâm trí của những chiến sĩ cách mạng năm xưa hay lớp thanh xuân hôm nay được hưởng những trái ngọt của hòa bình chưa bao giờ ký ức về ngày lịch sử 3-2-1930 nhạt phai trong dòng chảy suy nghĩ của họ.

Ngược dòng thời gian về với những hoài niệm cũ, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi đất nước Việt Nam chìm trong đêm dài nô lệ, các phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra mạnh mẽ, tràn đầy khí phách và sáng ngời tinh thần yêu nước, nhưng tất cả đều chưa thành công vì thiếu một đường lối đúng đắn. Ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ðảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập, đây cũng chính là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc máu đỏ, da vàng.

Cũng từ đây, niềm tin và khát vọng về: “Một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhiều thế hệ đảng viên tiếp nối thực hiện như lời khẳng định niềm tin bất diệt của những người cộng sản kiên trung: Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cách mạng sẽ thành công.

Phòng Bảo vệ Trung ương Ðảng và Quốc hội – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ – Bộ Công an dâng hương tại Ðài Tưởng niệm.

Trải qua 15 năm trường kỳ đấu tranh gian khổ (1930 – 1945), cách mạng Việt Nam đã hái trái ngọt vinh quang. Nhà nước Việt Nam độc lập ra đời và khắc ghi trong sử vàng dân tộc như một dấu son rực rỡ, biểu tượng của khát vọng hòa bình, tự do. Nhưng để có được thành quả vĩ đại đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, đã phải đổ bao xương máu, gánh chịu biết bao hy sinh.

Nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Ðảng như: Nguyễn Ðức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… bị bắt, giam trong các nhà tù như: Hỏa Lò, Côn Ðảo, Sơn La, Phú Quốc… Bị đọa đày nơi ngục tù tăm tối, dù phải hy sinh tính mệnh, những người chiến sĩ ấy vẫn hiên ngang bất chấp cả tính mạng, máu đào của họ đã tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc. Tinh thần và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng chính là tấm gương để lớp đảng viên trẻ ngày hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Ra đi ở tuổi 24 tràn đầy nhiệt huyết nhưng trong những ngày cuối cùng tại xà lim án chém, Nhà tù Hỏa Lò, người tử tù có bí danh Bé Con ấy vẫn nỗ lực hết mình, viết nên tác phẩm: “Công nhân vận động” để báo cáo với Ðảng về tình hình công nhân và những kinh nghiệm vận động, chỉ đạo đấu tranh. Ðồng chí Trần Phú, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng Cộng sản Ðông Dương khi mới chỉ 26 tuổi.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng ở “địa ngục trần gian” Nhà tù Côn Ðảo, đồng chí Lê Hồng Phong còn gửi lại niềm tin son sắt: “Nhờ các đồng chí nói với Ðảng rằng, đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Ðồng chí Hà Huy Tập hy sinh anh dũng ở tuổi 35 với lời nhắn gửi: “Hãy xem tôi như người còn sống!”…

Những nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng đã anh dũng hy sinh khi chưa kịp chứng kiến thắng lợi của cách mạng theo con đường các đồng chí vạch ra. Nhưng niềm tin các đồng chí dày công xây đắp đã thôi thúc quần chúng yêu nước biến thành hành động, thành khát vọng, tạo nên nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, giúp người chiến sỹ vượt lên những ngày tháng “nếm mật nằm gai” nơi ngục tù lạnh lẽo và cho dù thể xác mất đi nhưng niềm tin vẫn sáng mãi, giúp truyền thêm ý chí, động lực để các đồng chí ở lại sẽ điệp trùng xông lên.

Hơn một thế kỷ đấu tranh giành hòa bình dân tộc, tinh thần của những đảng viên kiên trung vẫn luôn được khẳng định trong trận chiến với quân thù như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Như đứa trẻ sinh ra nằm trên cỏ/Không quê hương sương gió tơi bời/Ðảng ta sinh ở trên đời/Một hòn máu đỏ nên người hôm nay”.

Trung đoàn 30 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động – Bộ Công an tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Lớp người đi trước ngã xuống, lớp người đi sau lại tiếp bước chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân Việt Nam đã tiếp tục viết tiếp những khúc khải hoàn, từ mùa thu nắng tỏa Ba Ðình (tháng 8-1945) đến mốc son Ðiện Biên lịch sử (tháng 5-1954), có một Hà Nội ngày trở về rợp trời sắc đỏ (tháng 10-1954) và đất nước trọn niềm vui trong Ðại thắng mùa xuân (tháng 4-1975).

Sau Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Ðảng (tháng 12-1986), cả dân tộc Việt Nam chuyển mình, tiến bước trên con đường đổi mới. Nền kinh tế xã hội đạt được nhiều thành tích tự hào, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Một mùa xuân mới đã về, với bản lĩnh chính trị được rèn luyện 90 năm qua, với sức sáng tạo luôn tươi mới như chồi non, lộc biếc, Ðảng Cộng sản Việt Nam sẽ lãnh đạo đất nước, làm nên nhiều mùa Xuân sáng tươi.

Những người tù bị địch bắt, giam năm xưa dù nay đã ở lứa tuổi bách niên nhưng nhiệt huyết của người Ðảng viên vẫn mãi sáng ngời với những mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nơi ngục tù năm xưa, giờ đây đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho nhân dân, cho thế hệ đảng viên trẻ. Một trong những địa điểm góp phần thắp lửa niềm tin ấy là Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, với những gì đã và đang làm được, “Hỏa Lò” ngày hôm nay vẫn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, xứng đáng là “Trường học lịch sử” – nơi nhiều đơn vị lựa chọn là điểm đến để giáo dục, rèn luyện về chính trị, lý tưởng cách mạng cho lớp đảng viên, đoàn viên trẻ tuổi. Ngày hôm nay, chiến tranh đã lùi xa, nhân dân Việt Nam đang sống trong hòa bình và được hưởng những trái ngọt, những mùa xuân hạnh phúc. Những người được sống trong hòa bình, được lớn lên trong hòa bình, được sinh ra trong hòa bình, được ước mơ và biến những ước mơ đó thành sự thực, thậm chí vươn tầm ra biển lớn luôn trân trọng và ý thức về giá trị của hai tiếng hòa bình.

Mùa Xuân là biểu tượng của đoàn viên, của sự sum vầy và hạnh phúc. Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa Xuân năm 1930 và đã mang lại cho nhân dân những mùa xuân tràn đầy hạnh phúc và ước vọng. Theo dòng chảy của lịch sử, ngọn lửa nhiệt huyết niềm tin theo Ðảng vẫn được thắp lên, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, vẹn nguyên hào khí thuở nào.

Phạm Hoàng My/CAND

Bài mới
Đọc nhiều