+
Aa
-
like
comment

Những yếu tố khiến giá xăng dầu có thể tăng vọt sắp tới

22/03/2022 10:24

Giá xăng dầu có thể sắp tăng vọt sắp tới khi không chỉ tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine mà nhiều diễn biến mới đang khiến giá dầu tăng cao, trong khi còn đó nỗi lo về việc giá dầu thô tăng gần gấp đôi mức hiện tại. 

Rạng sáng nay (22.3, theo giờ VN), giá WTI tăng 6,78% lên mức 111,8 USD/thùng và dầu Brent tăng 7,36% lên mức 115,87 USD/thùng, theo Bloomberg.

Giá xăng dầu có thể sắp tăng cao. Ảnh minh họa.

Giá dầu đã tăng đột biến ngay trong ngày đầu tuần sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo đang xem xét việc cấm vận dầu mỏ và than của Nga khi quân đội nước này tiến hành đánh phá thành phố Mariupol của Ukraine.

Nếu việc cấm vận được thông qua, EU sẽ nối tiếp Mỹ trong việc ngừng nhập khẩu dầu từ Nga. Lệnh cấm vận còn có thể áp dụng đối với cả than, nhưng không thực thi đối với khí đốt từ Nga.

Không những vậy, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine chưa đạt tiến bộ khả quan dẫn đến sự lo ngại tăng cao trên thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, nguồn cung dầu mỏ không chỉ bị hạn chế từ phía Nga do chiến sự ở Ukraine mà còn bị tác động thêm một yếu tố quan trọng khác.

Cụ thể, cuối tuần qua, lực lượng vũ trang Houthi (Yemen) vừa tổ chức tấn công nhằm vào cơ sở liên doanh lọc dầu của Tập đoàn Saudi Aramco – tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới. Tập đoàn này được kiểm soát bởi chính quyền Ả Rập Xê Út – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 toàn cầu về sản lượng khai thác.

Sau vụ tấn công, Đài CBS dẫn thông báo từ Ả Rập Xê Út tuyên bố nước này sẽ không chịu trách nhiệm về sự thiếu hụt của nguồn cung cấp dầu khí toàn cầu. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh vương quốc này vẫn bế tắc trong việc đàm phán với các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng một số đối tác về vấn đề sản lượng khai thác.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ có dấu hiệu tăng trở lại khi Trung Quốc dần phục hồi sản xuất sau khi áp dụng biện pháp phong tỏa ở nhiều tỉnh thành của nước này để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan.

Hồi tuần trước, diễn biến phong tỏa ở Trung Quốc đại lục dẫn đến tạm ngưng nhiều hoạt động sản xuất đã giúp giảm nhẹ nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu, giúp giá dầu giảm đáng kể, thậm chí xuống dưới mức 100 USD/thùng.

Tổng hợp các diễn biến vừa nêu khiến cho thị trường năng lượng toàn cầu đứng trước nguy cơ giá xăng dầu sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, nhất là khi thời gian qua liên tục có nhiều dự báo ảm đạm về giá dầu.

Điển hình, Bloomberg vừa qua dẫn ý kiến một nhà kinh doanh dầu mỏ lo ngại giá dầu có thể cán mốc 200 USD/thùng trong năm nay, tức gần gấp đôi mức giá hiện tại.

Họa vô đơn chí, giá xăng dầu có thể sắp tăng cao - ảnh 1
Thị trường xăng dầu đang đứng trước nhiều diễn biến khó lường.

Trong khi đó, xăng dầu trong nước ngày 21/3 đã được Liên bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giảm hơn 600 đồng/ lít.

Theo liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới 10 ngày qua giảm. Như xăng RON92, loại dùng để pha chế E5 RON92 giảm hơn 7,8%; xăng RON95 giảm 7,3% một thùng, dầu diesel hạ trên 15,7% mỗi thùng… Nhưng giá dầu thế giới vài ngày qua tăng trở lại.

Để có dư địa điều hành trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, liên Bộ quyết định đưa ra mức giảm trên, đồng thời giảm chi sử dụng Quỹ bình ổn, thêm trích lập quỹ với một số mặt hàng. Việc này nhằm để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng thế giới và giảm áp lực cho Quỹ bình ổn vốn đã âm tại 13 doanh nghiệp.

Cụ thể kỳ này không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn, giảm 950 đồng mức trích quỹ bình ổn với xăng RON95 về còn 50 đồng một lít; mức trích với mỗi lít xăng E5 RON92 là 200 đồng, dầu hỏa 300 đồng, dầu diesel 400 đồng.

Thuế bảo vệ môi trường với xăng vẫn áp dụng ở mức 3.800- 4.000 đồng một lít; dầu là 1.000-2.000 đồng một lít, kg tuỳ loại. Dự kiến ngày 23/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp bàn, thảo luận đề xuất giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Chính phủ. Nếu được thông qua, mức giảm này sẽ có hiệu lực từ 1/4, nhờ vậy, mỗi lít xăng có thể giảm tương ứng 2.000 đồng và dầu là 1.000 đồng (chưa gồm thuế VAT).

Trước đó,  Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.

Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 04/TB-VPCP ngày 28/1/2022, số 36/TB-VPCP ngày 10/2/2022, số 07/TB-VPCP ngày 22/2/2022 và các văn bản có liên quan.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung, cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền, quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1086/VPCP-KTTH ngày 18/2/2022, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối xăng dầu, điều hành giá xăng dầu, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, đồng thời công khai các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, biện pháp xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự ổn định của thị trường xăng dầu.

Tùng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều