+
Aa
-
like
comment

Những yếu tố định hình nền thế giới năm 2023

Bảo Trâm - 06/01/2023 09:32

Mới đây, trang ABC News của Australia đã có bài viết của nhà báo chuyên về kinh tế Ian Verrender nhận định, sau gần nửa thế kỷ lạm phát và lãi suất luôn ở mức thấp, thế giới đột nhiên bị “rung lắc” và “các bánh xe lãi suất bắt đầu lăn tới một chu kỳ thắt chặt tiền tệ mới”.

Tác giả nhấn mạnh 50 năm vừa qua là thời kỳ mở ra sự tăng trưởng vượt bậc, hợp tác và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, đi kèm với chúng là các khoản nợ chồng chất và bất bình đẳng gia tăng.

Vào đầu năm nay, hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà điều hành chính sách vĩ mô đều tin rằng lạm phát tăng đột biến sẽ chỉ xuất hiện trong quãng thời gian ngắn – một phản ứng nhất thời sau khi thế giới lâm vào tình trạng phong tỏa kéo dài vì đại dịch COVID-19. Nhưng trước thềm năm mới 2023, thế giới dường như không có nhiều sự thay đổi và lạm phát vẫn tiếp tục tăng ở hầu hết các nền kinh tế lớn.

Vậy hình thái kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ như thế nào, theo tác giả có 5 yếu tố gây ảnh hưởng tới hình thái của nền kinh tế thế giới trong năm sau.

Kìm hãm chu kỳ tăng lãi suất 

Chỉ trong vòng 7 tháng gần đây, thế giới đã chứng kiến tỷ lệ lãi suất cao chưa từng thấy ở hầu hết các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tốc độ tăng chóng mặt của lãi suất có thể chậm đi trong năm tới, nhưng nếu lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn, thì việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Lãi suất cao không nhất thiết là một “điều xấu”, nhưng chúng thường được coi là sự báo động, cảnh báo người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu áp lực chi tiêu lớn hơn, các khoản phải trả ngày càng “phình to” và các thị trường trở nên nhạy cảm hơn. Khi lãi suất tăng, thế giới sẽ ngập trong nợ nần nhiều hơn.

Fed tăng lãi suất khi lo ngại suy thoái gia tăng

Trong suốt 50 năm qua, lãi suất ngày càng giảm và cuối cùng là hình thành mức lãi suất cực thấp (gần bằng 0). Chính hiện tượng này đã bóp méo các quyết định đầu tư, tạo ra bong bóng giá tài sản và khuyến khích nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng mạnh trên khắp thế giới phát triển.

Cùng với việc bãi bỏ các quy định tài chính, lãi suất thấp đã thúc đẩy tăng trưởng và giúp chuyển đổi cán cân thu nhập từ những người làm công ăn lương sang các nhà đầu tư. Tăng trưởng lợi nhuận dễ dàng vượt xa tiền lương. Khi cơn “sóng thần” lạm phát càn quét thế giới vào thời điểm này của năm ngoái, người lao động ở các quốc gia phát triển đã đòi hỏi “tái cân bằng” thu nhập (tăng lương) để bù đắp cho việc giá cả tăng vọt khiến thu nhập thực tế của họ bị sụt giảm.

Sang năm 2023, nếu một cuộc suy thoái toàn cầu mới xuất hiện, lãi suất có thể sẽ ổn định hơn và thậm chí giảm xuống, trong cả trường hợp lạm phát vẫn nằm trên mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Nhưng, đó có thể sẽ chỉ là hiện tượng tạm thời.

Suy thoái tại Trung Quốc

Trong các năm vừa qua, Trung Quốc đã dần vươn lên vị trí tốp đầu của nền kinh tế thế giới. Thật không quá khi nói rằng, chính quốc gia lớn nhất châu Á đã cứu các nước phương Tây thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng chính dịch COVID-19 và chính sách đối phó có phần “hà khắc” đã đẩy quốc gia này vào bờ vực của suy thoái kinh tế. Bong bóng bất động sản của Trung Quốc, yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện đang bị “xì hơi”, trong khi dân số nước này già đi nhanh chóng.

Làn sóng thất nghiệp và suy thoái tại Trung Quốc là vô cùng lớn. (Nguồn: CNN)

Tác động của Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là lạm phát, là vô cùng lớn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng phi thường mà quốc gia này duy trì được liên tục từ những năm 1980 đã khiến Trung Quốc trở thành lực lượng thống trị trong lĩnh vực thương mại toàn cầu, nhưng mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc ra thế giới không phải là quần áo, đồ điện tử hay máy móc và công nghiệp nặng, mà chính là lạm phát luôn ở mức thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển.

Nhờ lạm phát thấp dẫn đến chi phí thấp và Trung Quốc đã trở thành “công xưởng thế giới”. Quy mô khổng lồ của các nhà máy tại đây cho phép các “đại gia” công nghiệp toàn cầu có thể sản xuất hàng hóa rẻ hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Vì vậy, trong khi các quốc gia phương Tây tự tán thưởng mình vì đã quản lý kinh tế một cách hoàn hảo và kiểm soát lạm phát thông qua chính sách tiền tệ được áp dụng xuất sắc, thì chính Trung Quốc đang gánh vác tất cả những công việc nặng nhọc đó của thế giới.

Tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm dần.

Tuy nhiên, mọi chuyện đang dần thay đổi. Áp lực giảm giá liên tục sẽ chậm lại và Trung Quốc, mặc dù vẫn là một cường quốc kinh tế lớn, nhưng có khả năng sẽ phải đối mặt với con số lạm phát ngày càng tăng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới, trừ khi một quốc gia có quy mô dân số và diện tích lớn khác, như Ấn Độ trải qua quá trình chuyển đổi giống Trung Quốc, trở thành một “công xưởng giá rẻ” của thế giới.

Từ chủ nghĩa toàn cầu đến phi toàn cầu hóa

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng bị coi là “kẻ thù” của chủ nghĩa toàn cầu, nhưng ngay cả khi nhiệm kỳ của ông Trump đã kết thúc, thì tình trạng bất ổn tại các quốc gia phát triển vẫn tiếp diễn.

Khi các ngành công nghiệp đóng cửa hàng loạt nhà máy trên khắp các quốc gia phát triển và chuyển chúng sang Trung Quốc, tình trạng thất nghiệp, mức lương thực tế thấp hơn so với lạm phát đã gây ra sự bất mãn trong xã hội. Sự thay đổi tư duy chính trị theo hướng cực đoan xuất hiện ở cả cánh tả và cánh hữu.

Đại dịch đã khiến toàn cầu hóa lâm vào tình trạng “đóng băng” khi giao thương xuyên quốc gia bị đình trệ, dẫn đến gián đoạn thương mại, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và hàng hóa trầm trọng. Sau đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine một lần nữa đã phá vỡ nỗ lực của các nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc “hàn gắn” thế giới bằng thương mại.

Xung đột giữa Nga- Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại

Giờ đây thế giới đang chuyển sang phi toàn cầu hóa, nhưng việc thúc đẩy các công ty quay trở lại sản xuất trong nước cũng tạo ra các tác động tiêu cực. Chi phí nhân công tăng lên có nghĩa là người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa, và cuối cùng giá cả cao hơn sẽ gây áp lực cho lạm phát và thúc đẩy một mặt bằng lãi suất cao hơn.

Từ góc độ toàn cầu, kết quả cuối cùng là chúng ta khó có thể chứng kiến một lần nữa phép màu kinh tế ở Trung Quốc, nơi hàng tỷ người đã thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ.

Khủng hoảng năng lượng và hệ quả

Cuộc khủng hoảng năng lượng mới nhất đã dẫn đến một đợt bùng phát lạm phát mới. Điểm đáng lưu ý là cuộc khủng hoảng này diễn ra trùng với thời điểm kết thúc chủ nghĩa tiền tệ, hay có thể lý giải là vào lúc các chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn.

Các chính phủ, đặc biệt là ở châu Âu, đã bắt đầu đóng vai trò lãnh đạo trong quản lý kinh tế. Họ can thiệp vào thị trường năng lượng, đánh thuế cao hơn đối với các nhà sản xuất và phân phối số tiền thu được cho người tiêu dùng. Ngay cả Vương quốc Anh cũng đã có động thái tương tự.

Khủng hoảng năng lượng khiến châu Âu phải quay trở lại với than đá. (Nguồn: AP)

Hệ quả là một sự thay đổi bắt đầu bởi Liên minh châu Âu (EU) vào 6 năm trước, cộng hưởng với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, đã dẫn đến các hành động chính sách như áp đặt giá trần hay can thiệp trực tiếp vào thị trường hàng hóa năng lượng. Đó có thể được coi là phản đề của một thị trường tự do.

“Cuộc đua” chuyển đổi năng lượng

Một yếu tố cuối cùng không thể không nhắc tới, có khả năng định hình nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 và các năm sau nữa, đó là chuyển đổi năng lượng.

Thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt từ rất lâu, trước khi có sự thay đổi bất ngờ vừa diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu. Đến nay, vấn đề chống biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách hơn nữa.

Chuyển đổi năng lượng xanh là cách duy nhất giảm phát thải, lại gặp khó trước khủng hoảng nhiên liệu từ chiến sự Nga – Ukraine

Không chỉ có khí đốt, giá than – mặt hàng năng lượng truyền thống – cũng đã tăng lên mức kỷ lục, khiến giá điện tăng đột biến. Điều đó tạo ra cơ hội và thách thức. Mức giá cao hơn có khả năng đẩy nhanh việc chuyển đổi sang các dòng nhiên liệu sạch hơn. Một cuộc chạy đua đang diễn ra giữa các “đại gia” năng lượng để trở thành người dẫn đầu cho ngành công nghiệp hydro xanh hay nhà tiên phong phát triển lĩnh vực điện khí hóa do năng lượng Mặt Trời và gió tạo ra.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều