Những vụ ngộ độc botulinum khủng khiếp trên thế giới
Vi khuẩn clostridium botulinum và độc tố của nó botulinum là độc tố tự nhiên khủng khiếp, gây ra nhiều vụ ngộ độc trên thế giới khổng chỉ ở con người mà cả động vật.
Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, có thể xâm nhập vào các tế bào thần kinh, ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.
Botulinum được xem là độc tố nguy hiểm nhất thế giới, chỉ cần 1kg là đủ giết chết cả tỷ người. Loại độc tố này trong lịch sử đã gây ra các vụ ngộ độc nổi tiếng trên thế giới, không chỉ đối với người mà còn đối với cả động vật.
Hơn 17.000 con chim ở hồ Sambhar chết
Theo báo cáo điều của Viện Nghiên cứu Thú y Ấn Độ (IVRI), nguyên nhân gây ra thương vong hàng loạt cho các loài chim tại hồ Sambhar ở Rajasthan, gây rúng động cả nước vào tháng 11/2019, là do độc tố ‘Botulinum’. Theo báo cáo, chất độc này đã dẫn đến căn bệnh bại liệt ở gia cầm, gây ra cái chết hàng loạt của các loài chim di cư.
Sambhar là hồ nước mặn nội địa lớn nhất của Ấn Độ, nằm ở quận Jaipur của Rajasthan, trải rộng từ 190 đến 230 km2. Hồ luôn thu hút rất nhiều loài chim di cư từ nhiều nơi khác nhau trên toàn cầu. Chính phủ Ấn Độ đã quảng bá đây là địa điểm thu hút khách du lịch sinh thái, nhờ vẻ đẹp và sự phong phú của các loài gia cầm.
Tuy nhiên, kể từ ngày 10/11/2019, địa điểm này đã bị chuyển thành nghĩa địa với hơn 17.000 trường hợp chim chết được báo cáo trong vòng 10 ngày. Xác của nhiều loài đã được tìm thấy bao gồm chim ăn thịt, chim bìm bịp, chim sẻ cánh đen và chim chích chòe… Vụ việc chim chết hàng loạt như vậy được cho là lần đầu tiên xảy ra ở Ấn Độ.
Avian Botulism được coi là nguyên nhân hàng đầu gây chết cho các loài chim hoang dã kể từ thế kỷ trước. Căn bệnh này do một loại protein độc hại thần kinh tạo ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Clostridium botulinum. Sự lây nhiễm được cho là đã lan rộng trên một khu vực rộng lớn khoảng 65 km2 ở hồ Sambhar.
“Các loài động vật ăn tạp và ăn sâu bọ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thảm kịch gia cầm đã ảnh hưởng đến các loài chim ở mọi lứa tuổi. Chúng được tìm thấy bị liệt cánh và chân, có biểu hiện hội chứng rụt cổ”, báo cáo điều tra của IVRI cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu không được xử lý thích hợp, vi khuẩn chịu nhiệt này có thể thịnh hành trong khu vực và gây ra các sự cố nghiêm trọng một lần nữa vào những năm tiếp theo. Trao đổi với The Times of India, nhà vi sinh vật học A K Kataria, người đã tiến hành khám nghiệm tử thi gia cầm, nói rằng vi khuẩn có thể bùng phát trở lại vào năm tới.
Các đánh giá sâu hơn đang được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Thú y Ấn Độ (IVRI) – ở Bareilly, Viện Động vật hoang dã Ấn Độ (WII) – ở Dehradun, Trung tâm Lịch sử tự nhiên và Đai học Sálim Ali (SACON), Hiệp hội Lịch sử tự nhiên Coimbatore và Bombay (BNHS), ở Mumbai.
Ngộ độc botulinum ở Florida
Năm 2004, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết, 4 cư dân Florida (Mỹ) đã bị ngộ độc sau khi tiêm một liều lượng lớn độc tố botulinum không được phép sử dụng trên người.
Theo đó, một bác sĩ bị đình chỉ làm việc tại một phòng khám ở Oakland Park, Florida đã tiêm cho mình và 3 người khác độc tố botulinum. Vị bác sĩ này đã sử dụng độc tố botulinum như Botox, một loại thuốc được cấp phép, chứ không nghĩ đó là độc tố mạnh hơn nhiều. Botox được sử dụng để làm phẳng các nếp nhăn trên khuôn mặt và điều trị các rối loạn cơ nhất định.
Bốn bệnh nhân “hầu như bị tê liệt trong tình trạng nguy kịch” sau khi tiêm một liều lượng lớn độc tố botulinum. Các bệnh nhân được xác định là Bach McComb và Alma “AJ” Hall, nhập viện ở Bayonne, N.J; và Eric và Bonnie Kaplan, nhập viện ở Palm Beach Gardens, Florida. Trong đó, McComb là bác sĩ.
Theo các thông tin truyền thông, phòng khám có tên Trung tâm Y tế tích hợp nâng cao (Advanced Integrated Medical Center) đã mua chất độc botulinum từ phòng thí nghiệm sinh học List ở Campbell, California. Sau đó, FDA đã công bố thông tin vụ việc, đề xuất lên tòa án liên bang xin lệnh khám xét, kiểm định về sinh học đối với loại độc tố này.
FDA cho biết, độc tố botulinum do phòng thí nghiệm sinh học List ở Campbell phân phối không được cấp phép hoặc bán hợp pháp cho mọi người dùng. FDA cũng đã khám xét doanh nghiệp sản xuất và cung cấp độc tố này vào ngày 9/12/2004.
Allergan Inc., nhà sản xuất Botox vào tháng 12/2004, ước tính rằng lọ độc tố do phòng khám ở Florida đặt hàng có thể chứa tới 10 triệu đơn vị, so với 100 đơn vị độc tố botulinum trong một lọ Botox.
Bốn bệnh nhân được tiêm thuốc để điều trị nếp nhăn tại Phòng khám Florida vào ngày 23 và 24/11 và ngã bệnh vài ngày sau đó. Ban đầu, Botox được cho là nguyên nhân gây bệnh.
Sau đó, Phó Chủ tịch điều hành và cố vấn của Allergan, Douglas Ingram, cho biết tài liệu của FDA đã xác nhận kết luận, Botox không đóng vai trò gì trong các trường hợp bị ngộ độc và khẳng định đây là một sản phẩm an toàn.
13 người chết tại bữa tiệc gia đình
Vào năm 1931, gia đình Edward và Delphine Hein tại Mỹ đã tổ chức một bữa tiệc tối tại trang trại của mình. Trong vòng vài ngày, 13 người đổ bệnh và chết, trong đó có vợ chồng Edward và Delphine Hein và 3 trong số 6 người con của họ.
Các nhà chức trách xác định đậu Hà Lan là nguyên nhân. Họ bị ô nhiễm bởi chất độc do vi khuẩn clostridium botulinum tạo ra, gây ngộ độc.
May mắn thay, 3 người con còn lại của gia đình nhà Edward và Delphine là Richard “Dick”, Marvin “Bud” và Wilfred “Bill”, còn quá nhỏ để tham gia bữa tiệc và dành cả buổi tối trong phòng của chúng, nên đã thoát cửa gọi của tử thần.
Dick Hein, sống ở Detroit Laes, kể lại: “Đó là một sự may mắn cho chúng tôi”.
Trang nhất tờ Walsh County Record ngày 5/2/1931 mô tả vụ việc 13 người chết do vi khuẩn clostridium botulinum là thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử của North Dakota.
Julie Garden-Robinson, một chuyên gia dinh dưỡng và thực phẩm của Cơ quan Khuyến nông tại Đại học bang North Dakota, cho biết đáng buồn thay đây không phải là một sự cố cá biệt.
Julie Garden-Robinson cho hay, điều tương tự đã xảy ra ở Nam Dakota cùng thời gian đó. Bốn người tại South Dakota cũng đã chết vì ngộ độc botulinum sau khi ăn đậu xanh, giống như đậu Hà Lan, có hàm lượng axit thấp.
“Thực phẩm có hàm lượng axit thấp như rau và thịt nên được đóng hộp bằng cách sử dụng máy đóng hộp áp lực, có thể đạt được nhiệt độ cần thiết để tiêu diệt các bào tử nguy hiểm”, Garden-Robinson nói,
Garden-Robinson cho biết, trong điều kiện thích hợp, các bào tử của vi khuẩn clostridium botulinum nảy mầm thành các tế bào nhanh chóng phát triển và chết đi, sản sinh ra chất độc thần kinh gây chết người. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12 đến 72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm.
Theo Garden-Robinson, nước sôi sẽ giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, cần làm sạch thực phẩm trước khi nấu hoặc chế biến. Điều này không loại bỏ tất cả vi khuẩn những sẽ làm giảm tác hại của vi khuẩn.
Thông tin về các vụ ngộ độc trên thế giới
Mỹ
Ở Mỹ trung bình có 145 trường hợp ngộ độc được báo cáo mỗi năm. Trong số này, khoảng 65% là ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh. Chứng ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh không liên quan đến dịch bệnh, nhưng có sự khác biệt lớn về mặt địa lý. Từ năm 1974 đến năm 1996, 47% tổng số trường hợp ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh được báo cáo ở Mỹ xảy ra ở California.
Từ năm 1990 đến năm 2000, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã báo cáo 263 trường hợp nhiễm độc thực phẩm, trong đó có 160 trường hợp ngộ độc botulism với tỷ lệ chết là 4%. 39% (103 trường hợp) xảy ra ở Alaska, tất cả đều là do ăn thực phẩm truyền thống của thổ dân Alaska.
Anh
Đợt bùng phát ngộ độc thực phẩm lớn nhất được ghi nhận ở Anh xảy ra vào tháng 6/1989. Tổng cộng 27 bệnh nhân bị ảnh hưởng; một bệnh nhân chết. 25 bệnh nhân sử dụng sản phẩm sữa chua trước khi bắt đầu các triệu chứng. Các biện pháp kiểm soát bao gồm ngừng sản xuất sữa chua của nhà sản xuất liên quan, thu hồi sữa chua của công ty và đưa ra lời khuyên cho công chúng để tránh tiêu thụ sản phẩm này.
Trung Quốc
Từ năm 1958–1983, đã có 986 đợt bùng phát bệnh ngộ độc ở Trung Quốc liên quan đến 4.377 người với 548 trường hợp thiệt mạng.
Canada
Từ năm 1985-2015, đã có 91 trường hợp được xác nhận mắc bệnh ngộ độc thực phẩm ở Canada, 85% trong số đó là ở các cộng đồng Inuit, đặc biệt là Nunavik và First Nations ở bờ biển British Columbia do ăn các sản phẩm cá và động vật có vú được chế biến theo cách truyền thống.
Ukraine
Năm 2017, có 70 trường hợp ngộ độc botulism với 8 trường hợp chết ở Ukraine. Năm trước có 115 trường hợp mắc với 12 trường hợp thiệt mạng.
PV/VTC