Những vũ khí phi sát thương nguy hiểm mà cảnh sát Mỹ dùng với người biểu tình
Những vũ khí như đạn cao su, lựu đạn gây choáng hay hơi cay dù được gọi là phi sát thương nhưng cũng có thể gây nguy hiểm đáng kể.
Theo tờ Vox, cả ba loại vũ khí tiêu chuẩn dùng để kiểm soát đám đông nói trên đang được cảnh sát Mỹ sử dụng để đối phó với người biểu tình, kể cả lực lượng báo chí.
Mặc dù cảnh sát và nhà sản xuất đều nói các vũ khí kiểm soát bạo loạn này là phi sát thương hoặc ít sát thương, nhưng chúng vẫn có thể gây nguy hiểm. Trong một số trường hợp, vũ khí này có thể gây chết người hoặc gây tàn tật vĩnh viễn.
Bà Rohini Haar, bác sĩ cấp cứu nghiên cứu về ảnh hưởng của vũ khí kiểm soát đám đông, nói: “Những vũ khí này thường chỉ được sử dụng làm biện pháp cuối cùng nếu tình trạng bạo lực thực sự không thể kiểm soát nổi và đe dọa an toàn công cộng. Nếu không tới mức đó thì không thể biện minh cho việc sử dụng các vũ khí này chống dân thường không có vũ khí”.
Khi biểu tình lan ra khắp nước Mỹ sau khi cảnh sát gây ra cái chết của người da màu George Floyd, có nhiều thông tin về việc người biểu tình bị thương nặng do cảnh sát dùng các vũ khí trên. Các chuyên gia y tế và bác sĩ lo rằng sẽ có nhiều người bị thương hơn khi các vũ khí này được sử dụng tràn lan.
Đạn cao su
Đạn cao su không phải lúc nào cũng làm bằng cao su. Về mặt kỹ thuật, đạn cao su được gọi là vật thể bắn gây ảnh hưởng động lực học. Một số loại làm bằng mút xốp cứng hoặc nhựa cứng. Một số loại có lõi kim loại. Có những loại được bắn ra từ súng trường. Đạn gỗ cũng nằm trong nhóm này và cũng nguy hiểm. Cảnh sát cũng dùng loại đạn này để chống người biểu tình ở Mỹ những ngày gần đây.
Cho dù thành phần là gì thì những loại đạn này đều được bắn từ súng với tốc độ tương đương đạn thông thường. Khi đạn trúng mục tiêu, chúng có thể làm bị thương, gây mù mắt hoặc gây chết người. Đạn cao su không phi sát thương như người ta nghĩ.
Năm 2017, bà Haar và nhóm Bác sĩ vì Nhân quyền và Mạng lưới Quốc tế Tổ chức Tự do Dân sự đã đăng bài nghiên cứu trên tạp chí BMJ về ảnh hưởng của các loại đạn nói trên với cơ thể người. Họ kết luận các vũ khí này có khả năng gây vết thương nặng hoặc gây chết người.
Nhóm đã tìm hiểu 26 nghiên cứu về việc sử dụng đạn cao su trên thế giới và ghi chép thông tin về 1.984 vụ gây thương tích. 15% trong số đó gây tàn tật vĩnh viễn, 3% gây tử vong. Khi các vết thương nằm ở mắt, 84,2% trường hợp bị mù.
Các vũ khí này cũng có thể gây chảy máu trong ở khu vực bụng, gây chấn động hoặc làm bị thương vùng đầu và cổ, làm tổn thương da và mô mềm. Ngoài ra, các vũ khí này khó dùng và khó ngắm vào mục tiêu cụ thể.
Bà Haar nói: “Ở tầm gần, đạn cao su bắn ra nhanh như đạn thật. Chúng có thể làm gãy xương, rạn sọ. Nếu trúng mặt, chúng có thể gây thương tổn và tàn tật vĩnh viễn. Ở tầm xa, chúng nẩy bật ra, có đường đi không đoán được, bay vô tội vạ. Vì thế họ không thể nhằm vào một cá nhân nào đó hoặc một bộ phận an toàn nào đó trên cơ thể người để bắn”.
Theo tờ USA Today, cảnh sát không phải ghi chép quá trình dùng đạn cao su nên không có dữ liệu về tần suất sử dụng, nhưng người bị thương vì đạn cao su ngày càng nhiều trong các cuộc biểu tình.
Một phóng viên ảnh bị mù một mắt sau khi trúng đạn cao su ở Minneapolis. Ở Los Angeles, một phóng viên bị đạn cao su làm bị thương ở cổ. Một cụ bà ở La Mesa bị bắn vào giữa hai mắt. Một thiếu niên ở Sacramento bị bắn vào mặt và phải phẫu thuật hàm.
Lựu đạn gây choáng
Ngoài đạn cao su, lựu đạn gây choáng là một công cụ nữa mà cảnh sát dùng. Lựu đạn này nổ và tạo ánh sáng chói lòa, gây tiếng động khủng khiếp để khiến mọi người tản ra khỏi khu vực. Âm thanh lên tới mức 160 đến 180 decibel.
Cường độ âm thanh này không an toàn dù chỉ nghe trong thời gian ngắn. Nó có thể làm tổn hại màng nhĩ và gây điếc tạm thời. Ánh sáng có thể gây mù tạm thời. Ngoài ra, các mảnh lựu đạn có thể bay ra và làm bị thương. Tòa án Tối cao Bắc Carolina còn gọi lựu đạn gây choáng là vũ khí hủy diệt và giết người hàng loạt.
Cảnh sát Mỹ đã ném lựu đạn gây choáng vào đám đông biểu tình ở Seattle, Virginia, Colorado và Washington D.C.
Hơi cay
Hơi cay là một loại chất kích thích hóa học ảnh hưởng đến mắt, mũi, miệng, phổi và da. Có một số loại hóa chất khác nằm trong nhóm hơi cay.
Các hóa chất này bị cấm dùng trong chiến tranh trên toàn thế giới nhưng lại được cảnh sát ở một số nước, trong đó có Mỹ, dùng hợp pháp để giải tán đám đông.
Hơi cay gây kích ứng ngay lập tức vùng mắt và phổi nhưng không nhiều người biết về ảnh hưởng lâu dài.
Bà Anna Feigenbaum, Giáo sư báo chí và là tác giả cuốn sách về lịch sử hơi cay, nói: “Ta vẫn chưa biết hơi cay có ảnh hưởng gì tới hô hấp. Chúng ta không thực sự biết chúng có ảnh hưởng gì tới các loại bệnh hen và phổi. Điều mà chúng ta biết đó là với người có bệnh sẵn, ở nơi bị xịt hơi cay là vô cùng nguy hiểm. Với trẻ nhỏ và người già, nguy hiểm còn nhiều hơn”.
Theo bà Haar, các vũ khí kiểm soát đám đông khác nhau ngày càng được sử dụng kết hợp nhiều hơn. Hơi cay có thể được cho vào dụng cụ để bắn. Lựu đạn gây choáng cũng có thể giải phóng chất kích thích hóa học. Bà nói: “Tất cả những vũ khí này gây lo ngại sâu sắc. Một hộp hơi cay có thể gây thương tích như đạn cao su nếu được bắn ra từ vật phóng”.
Sáng 3/5, một người ở Washington DC đã tìm thấy một quả lựu đạn gây choáng chưa nổ. Mẫu này là thiết bị có hiệu quả tối đa khi tạo ra bốn thứ tác động tới tâm lý và sinh lý gồm đạn cao su, ánh sáng, âm thanh và oleoresin capsicum (như hơi cay).
Các chất hóa học từ hơi cây gây kích ứng phổi. Khi đang có dịch COVID-19, người dính hơi cay ho có thể phát tán virus ở khu vực biểu tình. Theo bà Haar, quá trình phổ biến các vũ khí kiểm soát đám đông này là một phần trong vấn đề cảnh sát dùng bạo lực tràn lan.
Thái Dương/TT