+
Aa
-
like
comment

Những vấn đề nóng sẽ còn kéo dài sang 2023

Bảo Trâm - 30/12/2022 11:34

Năm 2022 được đánh giá là “một năm lịch sử” khi chứng kiến nhiều sự kiện có một không hai. Nhiều vấn đề toàn cầu trong số đó vẫn còn bỏ ngỏ, đặt ra kỳ vọng trong năm 2023, các bên liên quan sẽ tìm ra lời giải thích hợp.

Theo Reuters, năm 2022 ghi nhận nhiều vấn đề lớn và có tác động lâu dài đối với chính trị và kinh tế thế giới. Với nhiều diễn biến khó đoán định, dưới đây là một số vấn đề còn tồn đọng được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2023.

Nổ ra từ ngày 24/2, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một trong những sự kiện lớn và thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của dư luận quốc tế trong năm qua. Hơn 10 tháng giao tranh ác liệt ở khắp các mặt trận trên lãnh thổ Ukraine, lời giải cho cuộc xung đột vẫn còn bỏ ngỏ.

Hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột sẽ kết thúc sớm, khi mà Mỹ và đồng minh liên tục gửi vũ khí cho Ukraine – điều mà Nga cảnh báo sẽ chỉ khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Để đáp trả các cuộc phản công của Ukraine, thời gian gần đây Nga đã nhiều lần phóng tên lửa vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của nước láng giềng, bao gồm thủ đô Kiev và các thành phố lớn, khiến hàng triệu người dân Ukraine lâm vào tình cảnh mất điện và nước sinh hoạt, theo Reuters.

Các diễn biến mới trên chiến trường ngày càng khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa hai nước và khiến viễn cảnh hai bên ngồi vào bàn đàm phán sẽ không thể sớm xảy ra. Tình hình ngày càng trở nên khó giải quyết hơn sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, và chính quyền Kiev khẳng định sẽ không đàm phán nếu Nga không rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ mình.

Tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine không chỉ dừng lại ở thiệt hại về quân sự của 2 bên trên chiến trường. Cuộc xung đột kéo dài 10 tháng đã kéo theo hàng loạt vấn đề lớn khác, ở nhiều khía cạnh, bao gồm khủng hoảng hạt nhân, năng lượng và lương thực, và lạm phát tăng cao.

Vấn đề hạt nhân

Nga giành được quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhia) ngay từ những ngày đầu xung đột. Kể từ đó, Ukraine liên tục cáo buộc các lực lượng Nga cố thủ trong nhà máy này và dùng địa điểm này để tấn công các mục tiêu bên ngoài. Đáp lại, phía Moscow cũng tố ngược lại phía Ukraine nhiều lần nhắm bắn vào nhà máy này, làm tăng nguy cơ rò rỉ hạt nhân, theo TASS.

Kể từ đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã vào cuộc, đề xuất thiết lập một vùng đảm bảo an toàn xung quanh nhà máy, bởi lẽ, nếu một vụ nổ hạt nhân xảy ra, một phần lớn lục địa già có nguy cơ bị xóa sổ. Ngoài ra, câu hỏi liệu các bên có sử dụng vũ khí hạt nhân để giải quyết xung đột hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Khủng hoảng năng lượng

Nhằm ủng hộ Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên Nga. Để đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga đã cắt giảm nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu – nơi sinh hoạt của người dân và các ngành công nghiệp chủ chốt phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng Nga. Điều này đã khiến các nước châu Âu phải đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn dự trữ và tìm các nguồn cung có giá thành cao hơn để vượt qua mùa đông khắc nghiệt, theo trang AP News.

Hiện chưa biết khi nào cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc. Nguy cơ mùa đông năm sau khắc nghiệt mùa đông năm trước vẫn đang hiện hữu, trong khi nền công nghiệp châu Âu cũng đứng trước nhiều thách thức lớn.

Khủng hoảng kinh tế

Các lệnh trừng phạt từ phương Tây và các biện pháp đáp trả “ăn miếng trả miếng” của Nga đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Giá năng lượng tăng kéo theo giá của các mặt hàng thiết yếu khác tăng phi mã, dẫn đến lạm phát lan rộng. Lạm phát ở Mỹ đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6, khiến Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải nhiều lần tăng lãi suất để ổn định thị trường, theo Reuters.

Việc Ukraine đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Nga đã giúp bình ổn giá thị trường. Tuy nhiên, trên trang Asia Times, Giáo sư Robert Huish – phó giáo sư về nghiên cứu phát triển quốc tế tại đại học Dalhousie (Canada) nhận định quyết định của phương Tây trong việc áp giá trần lên dầu mỏ và khí đốt của Nga được cho là tiềm ẩn nguy cơ làm bùng lên một cuộc khủng hoảng giá cả mới. Lý do là việc áp đặt mức giá trần có thể khiến Nga đáp trả bằng cách ngừng bán dầu ra thị trường, dẫn đến tình trạng khan hiếm năng lượng và tạo điều kiện cho các hoạt động buôn lậu.

Căng thẳng Mỹ – Trung

Căng thẳng Mỹ – Trung Quốc trên hàng loạt vấn đề đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương sẽ hạ nhiệt trong tương lai gần, ít nhất là trong năm 2023.

Nổi bật nhất là vào tháng 10, thông qua Đạo luật Khoa học và Chips, Mỹ đã cấm các doanh nghiệp xuất khẩu thiết bị và linh kiện cần thiết để sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao của Bắc Kinh. Đây cũng là bước đi cứng rắn nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm làm suy yếu quá trình hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh.

Ngày 24/12, Tổng thống Joe Biden ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài khóa mới, cho phép Mỹ tài trợ tới 10 tỉ USD trong 5 năm tới để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan – hòn đảo TQ nhiều lần tuyên bố là một phần không thể tách rời với đại lục. Động thái này được dự báo có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang và khoét sâu thêm rạn nứt giữa TQ và Mỹ, theo SCMP.

Đại dịch COVID-19

Ở nhiều quốc gia, tình hình đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, ở TQ, số ca nhiễm vừa qua bất ngờ tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nước này nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sau 3 năm kiên trì với chính sách zero-COVID, theo SCMP.

Việc chưa thể xóa sổ hoàn toàn COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 có thêm thời gian để phát triển các biến thể mới, đe dọa hệ thống y tế công cộng vốn đã chịu sức ép lớn từ 3 năm đại dịch vừa qua.

Leo thang hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên

Thời gian gần đây, bán đảo Triều Tiên trở thành điểm nóng quân sự sau khi Triều Tiên tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo và các loại tên lửa khác với tần suất cao kỷ lục – động thái mà Hàn Quốc và Nhật nhiều lần lên án.

Nổi bật nhất trong số các tên lửa Triều Tiên thử nghiệm trong năm nay là mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 vào hôm 18/11. Theo phía Hàn Quốc và Nhật, tên lửa này có tầm bắn vươn tới lục địa Mỹ.

Trước các vụ thử của Bình Nhưỡng, ngày 23/12, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết quân đội nước này tăng cường giám sát và cảnh giác trong các tình huống, cũng như duy trì tư thế sẵn sàng và hợp tác chặt chẽ với Mỹ, theo hãng thông tấn Yonhap.

Trước đó, ngày 16/12, Tokyo đã lên kế hoạch chi khủng 320 tỉ USD để xây dựng quân đội. Kế hoạch bao gồm việc mua tên lửa và sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài. Nhật cũng cho biết nước này sẽ không loại trừ khả năng tấn công các căn cứ quân sự của đối thủ trong trường hợp khẩn cấp, theo Kyodo News.

Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế – ông Andrey Kortunov nhận định diễn biến trên bán đảo Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào tình hình địa chính trị chung. Theo ông, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc càng gay gắt thì các bước đi của Triều Tiên sẽ càng chủ động và quyết đoán hơn. Ông không loại trừ khả năng bán đảo Triều Tiên có thể bước vào giai đoạn đối đầu vào năm 2023, TASS đưa tin.

Thực hiện: Bảo Trâm

Đồ họa: M.N

Bài mới
Đọc nhiều