+
Aa
-
like
comment

Những tuyên bố trái ngược của Ba Lan và NATO đang phơi bày những rạn nứt mới

Hạnh Văn - 16/05/2024 08:02

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thư ký Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhấn mạnh không đưa quân đến Ukraine, Thủ tướng Ba Lan lại đưa ra những phát ngôn có phần trái chiều, dường như phản ánh những bất đồng nội khối.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Trong một cuộc trả lời báo chí ngày 9/5, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk dường như đã xác nhận có sự hiện diện của binh lính NATO ở Ukraine.

“NATO đang giúp đỡ Ukraine nhiều nhất có thể. Nếu không có sự hỗ trợ của NATO, Ukraine sẽ không thể tự vệ lâu như vậy. Một số binh sĩ NATO ở đó. Có một số người lính ở đó, các quan sát viên, các kỹ sư”, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói hôm 9/5.

Ông nói thêm: “Có một số binh lính ở đó, quan sát viên, kỹ sư. Họ đang giúp Ukraine”.

Trước đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng xác nhận, quân NATO đã có mặt ở Ukraine. “Quân đội NATO đã có mặt ở Ukraine. Và tôi xin chân thành cảm ơn đại diện của các nước thành viên đã chấp nhận rủi ro này”, nhà ngoại giao Ba Lan cho hay.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng nhiều lần đề cập đến khả năng gửi binh sĩ NATO tới Ukraine để chống Nga. Tuy nhiên, phát biểu của ông từng gây ra làn sóng chấn động khắp châu Âu và giữa các đồng minh. Nhiều quan chức và chính trị gia EU cảnh báo ông rằng bước đi như vậy sẽ là thảm họa.

Phát biểu vừa qua của ông Donald Tusk có thể đã không đáng bàn, bởi nhiều từ lâu đã có nhiều dấu hiệu và bằng chứng cho thấy bình lính NATO đã đến Ukraine chủ yếu để huấn luyện quân đội Ukraine. Thế nhưng, câu nói này lại được đưa ra chỉ vài tiếng sau khi Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tổ chức này không có kế hoạch triển khai quân đội trên lãnh thổ Ukraine.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra tuyên bố trên trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn ANSA (Italia), đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraine nhận được đầy đủ viện trợ quân sự.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Ông Stoltenberg cho rằng, sự chậm trễ của Mỹ và châu Âu trong cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đã giúp Nga đạt được tiến triển trên chiến trường.

Mặc dù tình hình hiện đang thay đổi, vẫn không có báo cáo nào về viện trợ “trên thực địa” – ám chỉ việc NATO đưa lực lượng đến Ukraine.

“NATO không có ý định gửi quân đến Ukraine. Kiev chỉ yêu cầu thêm viện trợ quân sự thay vì sự hiện diện của quân đội NATO”, ông Jens Stoltenberg nói.

Thậm chí, nhiều nhà quan sát tin chắc NATO sẽ đưa ra tuyên bố chính thức với nội dung phản đối ý tưởng điều động lực lượng đến Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington (Mỹ) trong tháng 7.

Do đó, phát ngôn của Thủ tướng Ba Lan dường như là một gáo nước lạnh vào những tuyên bố của ông Stoltenberg. Cho dù ông Tusks không tiết lộ có bao nhiêu binh lính NATO ở Ukraine hay họ đang làm nhiệm vụ gì, cũng như bất chấp thực tế được thừa nhận đương nhiên là các binh lính này nếu có cũng sẽ chỉ dùng ở việc huấn luyện, sự trái ngược trong phát ngôn giữa vẫn được xem là điều nhạy cảm và tế nhị.

Trong bối cảnh hiện tại, NATO đang gồng mình hỗ trợ Ukraine nhưng vẫn nơm nớp lo sợ khả năng Nga mở rộng quy mô sang các nước châu Âu khác, đặc biệt là vùng Baltic (trong đó có Ba Lan). Thực tế này khiến không chỉ NATO mà mỗi thành viên đều phải rất cẩn trọng trong các tuyên bố của mình. Điển hình như Đức, dù hỗ trợ Ukraine một số lượng không nhỏ các khí tài và đạn dược, luôn cẩn trọng để không đẩy mối quan hệ với Nga tồi tệ thêm.

Nhưng điều bất ngờ là Ba Lan, quốc gia hỗ trợ Ukraine nhiệt tình nhất, lại đưa ra phát ngôn như vậy, mà chỉ sau tuyên bố của Thư ký NATO vài giờ, đang hé lộ những rạn nứt trong khối.

Binh sĩ NATO.

Điều này dường như phản ánh sự chia rẽ giữa các thành viên của khối. Không phải mọi thành viên NATO đều “cuồng nhiệt” chống Nga, Hungary hay Thổ Nhĩ Kỳ vốn có quan hệ mật thiết với cường quốc Á-Âu này từ trước chiến sự, thường xuyên phản đối các hành động leo thang căng thẳng với Moskva.

Ngay cả NATO trên góc độ là một khối thống nhất, đến nay cũng đã tỏ ra dè chừng hơn và chỉ muốn cuộc xung đột dừng lại ở Ukraine. Tuyên bố vừa qua của ông Stoltenberg được xem như một nước cờ hoàn hảo, vừa không làm mích lòng “ông chủ Mỹ”, vừa không khiến Moskva thêm tức giận.

Đó là nếu như không có phát ngôn của ông Tusk.

Hành động của ông Tusk chỉ có thể được lý giải là một cách để khơi mào thêm “tinh thần chống Nga”, vốn đã rất mạnh ở vùng Baltic – các nước thuộc Liên Xô cũ. Nội bộ của NATO giờ đây giống như bị chia làm hai phái “chủ chiến” (gồm các nước Baltic và Tây Âu) và “chủ hòa” (gồm các nước tương đối thân thiện với Nga như Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ).

Trong tình cảnh hiện tại, khi Moskva đã thể hiện nhiều sự tức giận của mình, mà đỉnh điểm là việc Tổng thống Putin ra lệnh diễn tập vũ khí hạt nhân chiến lược, phe chủ hòa có vẻ đang có tiếng nói ngày càng lớn. Xét cả trên khía cạnh kinh tế và lợi ích an ninh, quan điểm không chọc giận Nga thêm nữa và tìm giải pháp hòa bình hấp dẫn hơn chủ trương dốc hết túi tiền để hậu thuẫn Ukraine.

Bởi lẽ, loạt thất bại liên tiếp trên chiến trường của Quân đội Ukraine đang khiến viễn cảnh chiến thắng ngày càng mờ mịt. Tính đến viễn cảnh xấu nhất ở Ukraine để dọn đường cho một tương lai tương đối hòa bình không nên được xem là xấu.

Nhưng với phe chủ chiến, đó là điều khó có thể chấp nhận. Nếu để cho phái chủ hòa lấn án, phe chủ chiến mà trụ cột là Pháp và Anh không khác nào nhận thua và rằng mình đã sai. Và hệ lụy sau đó nữa là sức ảnh hưởng trong NATO lẫn EU đều sẽ suy kiệt. Vai trò lãnh đạo châu Âu sẽ mất dần vào phe chủ hòa và cái đáng sợ hơn đối với họ là một nước Nga ổn định và dần lấn lướt EU.

Cho nên, phát ngôn của Thủ tướng Ba Lan vừa là phép thử tinh thần chống Nga, vừa là để nhắc nhở các thành viên rằng NATO sẽ không chủ hòa. Và theo đó, NATO sẽ phải có những hành động “khôn khéo” hơn là thẳng thừng tuyên bố không điều binh.

Tuy nhiên, chỉ có tương lai và kết quả của chiến sự mới trả lời cho câu hỏi ngày hôm này rằng phe chủ chiến đã đúng hay đã sai trong vấn đề Ukraine.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều