+
Aa
-
like
comment

Những tổng thống Mỹ từng che giấu bệnh tình

Thành Nhân - 06/10/2020 08:40

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy từng phải uống 8 loại thuốc mỗi ngày, còn Woodrow Wilson lại giấu chuyện bị nhiễm cúm.

Trong trường hợp nhiễm nCov của tổng thống Mỹ Donald Trump, ban đầu Nhà Trắng thông báo ông “xuất hiện triệu chứng nhẹ”. Đến tối 2/10, ông được đưa tới Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed.

Sau cuộc họp báo với đội ngũ y tế của tổng thống, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hôm 3/10 cho biết Trump đã “cực kỳ lo lắng” hôm 2/10 và 48 giờ tiếp theo sẽ là giai đoạn điều trị quyết định. Tới 4/10, bác sĩ Sean Conley của Nhà Trắng thừa nhận đã che giấu việc Tổng thống Mỹ phải thở oxy trước khi được đưa tới Walter Reed.

Tổng thống Woodrow Wilson năm 1918, năm đại dịch cúm hoành hành khắp thế giới. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Woodrow Wilson năm 1918, năm đại dịch cúm hoành hành khắp thế giới. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Trước Trump, đại dịch từng đeo đuổi nhiệm kỳ tổng thống của Woodrow Wilson. Mỗi đại dịch đều mang theo loại virus giết chết hàng trăm nghìn người Mỹ. Cả hai tổng thống đều nhiễm bệnh và mỗi người đều phải quyết định sẽ tiết lộ bao nhiêu phần trăm sự thật với công chúng.

Giống nhiều chính quyền trước, Nhà Trắng thời Wilson đã cố che giấu sự thật về bệnh tình của ông. Wilson ngã bệnh vào tháng 9/1919 khi đang tham dự đàm phán kết thúc Thế Chiến I ở Paris. Các triệu chứng nghiêm trọng và xuất hiện bất ngờ tới nỗi bác sĩ riêng của ông, Cary Grayson, nghĩ rằng ông đã bị đầu độc. Sau cả đêm thức trắng chăm sóc cho Wilson, Grayson đã viết thư gửi cho Nhà Trắng ở Washington để báo cáo tổng thống đang ốm nặng.

Hơn 100 năm sau, trong một bài đăng trên Twitter lúc nửa đêm ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói cho cả thế giới biết mình và đệ nhất phu nhân Melania Trump dương tính với nCoV.

Nhà Trắng ban đầu chia sẻ rất ít thông tin về bệnh tình của ông. Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho hay nhiều giờ sau khi “thận trọng” cân nhắc, ông đã được đưa tới Walter Reed.

Dù Tổng thống có bệnh hay không, nhưng những phát ngôn của ông về Covid-19 luôn khiến người ta ngạc nhiên khi gần như ngày nào Trump cũng tuyên bố đất nước đã thay đổi được cục diện của đại dịch đã khiến 209.000 người Mỹ tử vong.

Trump cho hay đã nói giảm về đại dịch để không gây hoảng loạn, nhưng các nhà quan sát cho rằng chính trị cũng là nguyên nhân khiến ông làm vậy. Trump đang muốn tại vị thêm 4 năm nữa ở Nhà Trắng và không muốn kinh tế Mỹ suy thoái trước ngày bầu cử 3/11.

“Chính quyền của Wilson, vì một lý doa khác, đã giấu giếm đại dịch”, John Barry, giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Tulane, người viết quyển “Đại dịch cúm” năm 1918-1919 đã khiến Wilson đổ bệnh và 675.000 người Mỹ chết, nhận xét.

“Wilson lo rằng bất kỳ tin tức tiêu cực nào cũng làm giảm giá trị những nỗ lực trong chiến tranh của Mỹ, giảm đi nhiệt huyết mà người ta dành cho tin chiến thắng. Trường hợp này mang nhiều suy tính lợi ích chính trị hơn”, Barry nói.

William Howell, giáo sư về chính trị Mỹ tại Đại học Chicago, tự hỏi Nhà Trắng sẽ minh bạch cỡ nào về bệnh tình của Trump.

“Rõ ràng ông ấy háo hức muốn quay lại chặng đua tranh cử”, Howell nói. “Ông ấy hội tụ đủ mọi động cơ báo hiệu sức lực và mong muốn quay lại. Nhưng đây là một tổng thống mà trong suốt nhiệm kỳ rất ít khi thẳng thắn về tất cả các vấn đề thực tế. Do đó, ông ấy có đáng tin hay không mới là điều mà người ta thực sự lo ngại”.

Howell cho rằng bệnh lý mà Covid-19 và đại dịch cúm 1918 gây ra “rất giống nhau và điều này thật đáng sợ”.

Lịch sử có rất nhiều ví dụ về việc các tổng thống đã che giấu người dân về bệnh tật và tình trạng sức khỏe của họ như thế nào. Tổng thống Grover Cleveland lo sợ sức khỏe kém sẽ trở thành điểm yếu chính trị, đã bí mật thực hiện một cuộc phẫu thuật miệng vào ban đêm trên du thuyền tư nhân ở Long Island Sound. Còn tổng thống Lyndon B.Johnson đã bí mật phẫu thuật cắt bỏ một tổn thương da trên bàn tay năm 1967.

Sau khi lãnh đạo đất nước vượt qua một thập kỷ chiến tranh và trầm cảm, Franklin D. Roosevelt năm 1944 được chẩn đoán sớm bệnh huyết áp cao, tim do tăng huyết áp, suy tim và viêm phế quản cấp tính. Roosevelt thực hiện chế độ ăn kiêng ít muối và bị yêu cầu cai thuốc. Nhưng trước cuộc bầu cử sắp diễn ra, Roosevelt và đội ngũ nhân viên Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố rằng tình hình ít nghiêm trọng hơn nhiều.

“Trong thời gian bầu cử, chuyện sức khỏe ông ấy không tốt là có thể hiểu được, nhưng chúng không đúng sự thật” bác sĩ của Roosevelt nói.

Các nhà sử học bây giờ tin rằng đội ngũ y tế của Roosevelt đã che giấu sự thật cả với ông và công chúng. Roosevelt đắc cử nhưng vài tháng sau, vào 12/4/1945, ông qua đời.

Theo nhà sử học Robert Dallek, Tổng thống John F. Kennedy phải chịu nhiều đau đớn và bệnh tật hơn mọi người tưởng. Ông uống tới 8 loại thuốc mỗi ngày, gồm thuốc giảm đau, thuốc kích thích, thuốc ngủ và hormone. Dallek, người từng viết một cuốn tiểu sử về Kennedy, đã xem xét hồ sơ y tế của cựu tổng thống Mỹ suốt 8 năm cuối đời trước khi ông bị ám sát.

Đau lưng chỉ là một trong số những căn bệnh mạn tính đeo bám tổng thống Kennedy suốt nhiều năm. Trong ảnh, ông chống nạng để lên du thuyền tổng thống vào tháng 6/1961 để đón tiếp thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: AP.
Đau lưng chỉ là một trong số những căn bệnh mạn tính đeo bám tổng thống Kennedy suốt nhiều năm. Trong ảnh, ông chống nạng để lên du thuyền tổng thống vào tháng 6/1961 để đón tiếp thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: AP.

Tổng thống Dwight D. Eisenhower lên cơn đau tim năm 1955, khi đang đi nghỉ ở Colorado. Ông phải nằm viện 6 tuần. Thay vì khuyên Eisenhower không tranh cử nhiệm kỳ hai, bác sĩ đã khuyến nghị rằng thêm thời gian ở Nhà Trắng sẽ giúp ông hồi phục.

Năm 1841, William Henry Harrison bị ốm mà bác sĩ cho là viêm phổi do nhiễm lạnh vì cưỡi ngựa trong lễ nhậm chức. Nhà Trắng không thông báo với người dân rằng Harrison bị ốm. Sau 9 ngày khởi bệnh và chỉ một tháng sau khi nhậm chức, ông qua đời.

Sau khi nhiều phóng viên bắt đầu đưa tin sát sao hơn về mỗi khoảnh khắc mà một tổng thống xuất hiện nơi công cộng, việc giữ kín tình trạng sức khỏe của các tổng tư lệnh nước Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Trường hợp đáng nhớ đầu tiên là khi James A.Garfield bị bắn năm 1881. Khi đó, Franklin Trusdell, phóng viên có thẻ sự kiện của AP, đã ngồi ngay ngoài phòng bệnh của tổng thống, lắng nghe nhịp thở của ông và chia sẻ thông tin với những phóng viên khác.

“Anh lắng nghe mọi âm thanh”, Trusdell viết cho vợ, kể lại đêm thức dõi theo Garfield trong Nhà Trắng. “Có tiếng chó sủa ở phía xa. Tiếng đài phun nước bắn lên bãi cỏ. Trong biệt thự không một tiếng bước chân. Tổng thống thì đang ngủ”.

Thành Nhân/CSMonitor

Bài mới
Đọc nhiều