+
Aa
-
like
comment

Những tình huống “quay xe” giữa phiên tòa!

Thành An - 11/04/2024 15:50

Thời gian qua, lợi dụng tâm lý của người nhà các bị can, phạm nhân đang bị giam giữ, muốn người thân được giảm án, sớm trở về với gia đình, nhiều đối tượng đã lừa đảo mình có nhiều mối quan hệ, có thể “chạy án” để chiếm đoạt tiền của bị hại. Chỉ vì sự cả tin, không ít nạn nhân đã bị lừa từ vài trăm triệu đến hàng chục tỉ đồng.

Thái độ quanh co không thể che dấu được hành vi phạm tội

Sáng ngày 11/4, trong phiên tòa xét xử vụ án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, phần thẩm vấn tiếp tục diễn ra. Trả lời câu hỏi từ luật sư, ông Đỗ Hữu Ca thú nhận rằng sau một đêm suy nghĩ, ông nhận ra những sai lầm của mình khi chiếm đoạt 35 tỉ đồng của vợ chồng Trương Xuân Đước và xin nhận tội theo cáo trạng đã truy tố, mong muốn được tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Đỗ Hữu Ca.

Trước đó, trong phiên thẩm vấn vào ngày 10/4, cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đã phủ nhận các cáo buộc về việc hứa hẹn “chạy án”. Ông đã thừa nhận đã nhận tổng cộng 35 tỉ đồng, với mục đích “giúp đỡ người em” bằng cách giúp giải quyết hậu quả.

Trong lời giải thích về việc nhận 35 tỉ đồng, ông Đỗ Hữu Ca đã lập luận rằng việc cứu giúp Đước dựa trên cơ sở của luật pháp, với nguyên tắc rằng nếu đã vi phạm luật pháp thì cần phải bồi thường để hưởng sự khoan hồng. Ông cũng tuyên bố rằng ông không chấp nhận hành vi gian lận. Đó là những lời ông đã nói tại tòa trong phiên thẩm vấn trước đó.

Tuy nhiên, trước đối chất với ông Đỗ Hữu Ca, cả hai vợ chồng bị cáo Đước đã khẳng định rằng việc họ đưa 35 tỉ đồng cho ông Ca là để nhờ ông “chạy án”. Được hỏi, bị cáo Đước đã nói rằng họ có một “mối quan hệ đặc biệt với gia đình ông Ca” và họ coi ông như “người thân trong gia đình”.

Bị cáo Đước đã khai rõ rằng họ đã đưa tiền “theo yêu cầu của anh Ca, vì nếu muốn giải quyết vấn đề này thì cần phải có tiền”.

Theo cáo trạng, ông Đỗ Hữu Ca, mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát khỏi việc bị xử lý tội mua bán hóa đơn trái phép, nhưng ông đã lừa dối và hứa hẹn sẽ giúp đỡ, nhận 35 tỉ đồng.

Việc “quay xe”, bất ngờ nhận tội của ông Đỗ Hữu Ca chỉ sau một ngày chắc chắn không thể giúp ông thoát được bản án nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng phần nào cũng cho thấy thái độ ăn năn, dám nhận lỗi và chấp nhận hình phạt của pháp luật.

Hơn nữa, việc nhanh chóng nhận tội của ông Ca cũng cho thấy được sự chặt chẽ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trước các chứng cứ không thể chối tội thì việc nhanh chóng nhận tội của bị cáo không những có thể giúp phiên tòa kết thúc nhanh chóng mà chính bản thân bị cáo cũng sẽ được hưởng phần nào sự khoan hồng của pháp luật khi đã thành khẩn nhận tội.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử đại án “Chuyến bay giải cứu”, dư luận cũng một phen “nóng” lên với phần buộc tội và “chối tội” của bị cáo Hoàng Văn Hưng.

Trước đó, cấp sơ thẩm tuyên bị cáo bản án chung thân. Trong vụ án, Hưng bị quy kết lừa đảo hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn (là Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) “chạy án” sau đó chiếm đoạt 800.000 USD thông qua cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.

Trái ngược với thái độ “quanh co chối tội” tới cùng tại phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, Hoàng Văn Hưng đã thành khẩn nhận tội trước những bằng chứng không thể chối cãi. Tòa phúc thẩm đánh giá, sau khi nhận tội, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã tác động người thân, bạn bè, khắc phục toàn bộ hậu quả. Từ đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) mức án 20 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lừa đảo “chạy án” – cái bẫy dễ mắc

Thời gian qua, các cơ quan điều tra đã tích cực phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo “chạy án” của các đối tượng phạm tội. Các đối tượng có hành vi lừa đảo có thể là người trực tiếp liên quan đến việc xử lý vụ án (như trường hợp của Hoàng Văn Hưng) hoặc có thể là người không có bất cứ sự liên quan gì (như trường hợp của ông Đỗ Hữu Ca). Từ đó, các đối tượng nhận số tiền của những nạn nhân với cam kết sẽ tác động đến những người tiến hành tố tụng để giải quyết vụ án theo hướng có lợi nhất cho đương sự.

Trước hết, với trường hợp của Hoàng Văn Hưng là cán bộ điều tra, lại đang trực tiếp phân công xử lý vụ án (giai đoạn đầu), đây hoàn toàn là sự thật. Do đó, nếu đối tượng này dùng chính những chức danh trên để chứng minh cho những người đang trong vòng tố tụng tin tưởng rằng mình có thể xử lý được các vụ “chạy án” thì việc người dân bị lừa là khó tránh khỏi.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng.

Những người dân bình thường, nhận thức pháp luật có giới hạn, sẽ khó phân biệt được vị trí, chức danh làm việc của người này hay người kia, thẩm quyền của họ, có thật sự giải quyết được việc mà họ nhờ cậy hay không.

Do đó, chuyện không ít người lợi dụng việc mình công tác trong các cơ quan pháp luật, hoặc chứng tỏ bản thân có mối quan hệ thân thiết với những người tiến hàng tố tụng để thông qua đó nhận thực hiện các vụ “chạy án” trên thực tế không hề ít. Nhiều người vì gia đình đang đứng trước một vụ tranh chấp tài sản, sợ mất nhà, mất đất; hoặc bị can, bị cáo sắp phải lâm vào cảnh tù tội thường lo sợ, mất đi lý trí sáng suốt, dễ bị dẫn dắt và sập bẫy.

Trước vòng tố tụng, nhiều người gần như bế tắc, nhất là khi vụ việc của họ không nắm chắc phần thắng, họ thường tìm cách để vững tin. Họ luôn là người chủ động để tìm kiếm những người quen biết, qua giới thiệu có thể ảnh hưởng hay tác động được tới các vụ án. Đây cũng là tâm lý khiến lừa đảo “chạy án” vẫn luôn là cái bẫy mà nhiều người dễ mắc. Thiết nghĩ, ngay cả khi bản thân và gia đình đang trong vòng tố tụng, cũng cần có hiểu biết pháp luật tốt. Cần hỗ trợ pháp lý thì nên đến những tổ chức hành nghề tư vấn, luật sư, hoặc trợ giúp pháp lý có uy tín; tránh tìm đến con đường chạy án vì nó vừa bất hợp pháp, có khi tiền mất tật mang (nếu đối phương lừa đảo) còn không thì có thể bị truy tố về hành vi “đưa hối lộ” nếu đúng người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền “chạy án”.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều