Những tín hiệu rực rỡ ngay từ đầu năm cho kinh tế Việt

Hai tháng đầu năm 2022 đã trôi qua, nhiều tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đều cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt, đi kèm với đà tăng trưởng cao của Việt Nam trong năm nay. Đặc biệt, dựa theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2/2022 nêu rõ, bức tranh kinh tế tiếp tục duy trì đà hồi phục, bước đầu có khởi sắc, thu hút đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng không ngừng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mặc dù sản xuất công nghiệp tháng 2/2022 ước giảm 12,4% so với tháng trước, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần phần lớn tập trung trong tháng 2. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 2/2022 tiếp tục khởi sắc với mức tăng 8,5%; tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với 2 tháng đầu năm 2021. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%…

Cùng chỉ số này, số DN gia nhập và quay trở lại thị trường trong 2 tháng đầu năm đã tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tháng 2, cả nước có 7.284 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 85,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 72,6 nghìn lao động. Tính chung 2 tháng, cả nước có gần 20,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 277,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 149,7 nghìn lao động, tăng 11,9% về số doanh nghiệp, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 13,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 22,3 nghìn DN quay trở lại hoạt động (tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2022 lên 42,6 nghìn DN, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo đó, ước tính nhập siêu 937 triệu USD trong 2 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ 2021 xuất siêu tới 1,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.

Trong giai đoạn, cả nước có 32,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 8,9 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và gần 3,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trong khi, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 42,6 nghìn.

Đặc biệt nhất, lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020 và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu da giày. Số liệu này vừa được Hiệp hội Da giày Bồ Đào Nha APICCAPS công bố trong Niên giám Da giày thế giới năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2022 ước đạt 22,95 tỷ USD, giảm 25,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,65 tỷ USD, giảm 34,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,3 tỷ USD, giảm 22,1%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 tăng 13,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,1%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,8 tỷ USD. Ngoài ra, xuất siêu sang EU ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 566 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, nhập siêu 237 triệu USD).

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 2/2022 ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tiếp tục khẳng định các nhà đầu tư FDI đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 8% và tăng 13,6%), gồm có: vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch năm và tăng 10,1%; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 39,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9,3% kế hoạch năm và tăng 10,4%.

Hầu hết các tổ chức kinh tế lớn như WorldBank, FitchRating…cùng các chuyên gia kinh tế trên thế giới đều cho rằng, với những tín hiệu tích cực từ những tháng đầu năm cùng với tín hiệu lạc quan, tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư FDI cho thấy mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Vị thế của Việt Nam trong thu hút vốn FDI hiện nay đã khác. Với định hướng thu hút vốn FDI thế hệ mới, hướng đến các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, tác động lan tỏa tới kinh tế-xã hội, những năm gần đây, nhiều địa phương đã nói không với các dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu, trang Wall Street Journal viết.

Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn đem dự án đi “mặc cả” ở nhiều tỉnh, thành phố để so bì ưu đãi. Có rất nhiều dự án nếu địa phương “gật đầu”, nhà đầu tư sẵn sàng vào rất nhanh như dệt may, da giày nhưng đã không được lựa chọn vì không đáp ứng được các yêu cầu của “bộ lọc” mới. Đến nay, Việt Nam đã ký và thực thi hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, giúp Việt Nam liên tục đạt kỷ lục mới về xuất nhập khẩu và lọt vào danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, theo CNA.

Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N