Những thủ đoạn “ăn chặn” trắng trợn của cặp vợ chồng Đường “Nhuệ”
Công an tỉnh Thái Bình đang rà soát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay, thống kê hơn 5.000 trường hợp bị ăn chặn tiền mai táng.
Liên quan đến vụ bắt giam vợ chồng đại gia Đường “Nhuệ”, CQĐT công an tỉnh Thái Bình cho biết đang điều tra mở rộng tra vụ án. Trong đó ngoài hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan Công an đang xác minh làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đường “Nhuệ” thông qua việc “làm luật” các công ty làm dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Cùng với đó, Cơ quan CSĐT, công an tỉnh Thái Bình đang điều tra các hành vi liên quan đến việc tham gia các cuộc đấu giá đất tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh Thái Bình của cặp vợ chồng này. Theo đó, với thủ đoạn dùng nhiều cách thức để trúng đấu giá với số lượng lớn, sau đó bán sang tay. Tại mỗi một cuộc đấu giá thành công, vợ chồng Nguyễn Thị Dương thu lời hàng trăm triệu đồng. Đây là một nguồn thu quan trọng của Công ty Bất động sản Đường Dương do vợ chồng Đường Nhuệ làm chủ.
Từ 2017 thống kê hơn 5000 trường hợp bị ăn chặn
Liên quan đến việc làm luật các công ty dịch vụ làm tang lễ, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết, CQĐT Công an tỉnh đang yêu cầu rà soát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ năm 2017 đến nay, thống kê hơn 5.000 trường hợp. Với số tiền 500.000 đồng/ca hỏa táng, Công ty Dương Đường thu phế hàng tỷ đồng…
Được biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 23-25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mai táng, nhưng chưa có dịch vụ hỏa táng. Trong khi đó, mỗi một tháng, trung bình Thái Bình có 300 – 400 ca hỏa táng. Các trường hợp gia đình có người chết tại Thái Bình sẽ lựa chọn việc đưa người thân đi hỏa thiêu tại Đài hóa thân ở tỉnh Nam Định hoặc Hải Phòng. Tuy nhiên, dù đưa đi hỏa thiêu tại đâu thì các doanh nghiệp mai táng cũng phải nộp khoản tiền “phế” là 500.000 đồng/người cho băng nhóm Đường “Nhuệ”, nếu muốn yên ổn để làm ăn.
Anh Quách Việt Cường (nhân viên công ty Vĩnh Hằng hoạt động tại Nam Định có văn phòng tại Thái Bình) cho biết, công ty anh nhiều lần bị o ép, khống chế; trực tiếp anh đã phải “báo ca” thu tiền các ca hỏa táng, sau đó nộp theo tháng cho Nguyễn Xuân Đường.
“Thời điểm cuối 2017, ở Thái Bình có 23 dịch vụ. Có 1 cuộc họp cách đây 2 năm, lúc đó anh Đường mời hết các văn phòng lên, đưa ra một văn bản là các dịch vụ phải ký kết thông qua “Hiệp hội tang lễ Thái Bình” do Công ty Đường Dương lập ra. Các dịch vụ phải báo qua Đường Dương sau đó mới được về Đài hỏa táng. Nếu các dịch vụ không báo mà vẫn làm thì “bỏ kèn đi” tức là không thể làm nữa” – anh Cường kể.
Việc ăn chặn dịch vụ hỏa táng của công ty Đường Dương khiến nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực này uất ức. Anh Cường cho biết, công ty Vĩnh Hằng của anh đã từng gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình, tuy nhiên, khi đi lấy chữ ký của các văn phòng kinh doanh (23 văn phòng thời điểm năm 2018), không văn phòng nào dám ký vào đơn vì sợ bị trả thù.
Theo anh Cường, với mỗi công ty như anh, trung bình mỗi tháng, phải nộp cho Đường 45 – 50 triệu tiền phế. Với những trường hợp chống đối, bất hợp tác, ngoài việc không cho xe tang lễ chở về Đài hỏa táng ở Nam Định, Nguyễn Xuân Đường bắt phải đưa sang hỏa táng tại Hải Phòng, với những trường hợp chống đối thì những “sự cố” như đập vỡ của kính xe, đập phá văn phòng…đã từng xảy ra.
Đưa đàn em đi tham gia đấu giá đất
Ngoài việc “làm luật” các công ty làm dịch vụ tang lễ, Nguyễn Xuân Đường tham gia các cuộc đấu giá đất tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo đó, vợ chồng này thường tham gia các cuộc đấu giá đất chuyển đổi tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh, sau đó “bán lúa non” lấy tiền chênh lệch mỗi một lô đất trúng đấu giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Tại những cuộc đấu giá đất, như đất giãn dân, đất chuyển đổi mục đích, vợ chồng Nguyễn Thị Dương – Nguyễn Xuân Đường thường đưa nhiều “đàn em” xăm trổ bặm trợn đi theo. Có những cuộc đấu giá đất công khai, Dương cho “nhân viên” lên ngồi cùng đấu giá, thực chất là “kèm” những người mua hồ sơ, ép không cho người đấu giá bỏ giá, hoặc đứng ra đàm phán để họ bỏ giá thấp…để không còn đối thủ cạnh tranh.
Với mỗi cuộc đấu giá như thế, Dương thường đấu trúng số lượng lớn, sau đó bán chênh kiếm lời hàng trăm triệu đồng. Việc đưa người về tham gia các cuộc đấu giá khiến tình hình an ninh trật tự của các địa phương thêm phức tạp, nhiều cuộc đấu giá phải hủy do đấu giá không thành, tất cả người tham dự đều bỏ không dám đấu giá.
Liên quan đến vụ việc này, CQĐT công an tỉnh Thái Bình đang mở rộng điều tra vụ án, trong đó có liên quan đến việc Nguyễn Thị Dương cùng “nhân viên” sử dụng các hành vi đe dọa, ép những người tham gia đấu giá phải bỏ đấu giá nhằm đấu giá trúng, sau đó bán chênh lệch kiếm lời.
Ngọc Đan/VOV