Những thách thức và cơ hội ‘hồi sinh’ của ngành vận tải hàng không

Trong 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và ngành vận tải hàng không nói riêng. Sự tàn phá của dịch bệnh đã làm gián đoạn hoàn toàn việc lưu thông vào trao đổi giữa các quốc gia, gây ra sự suy giảm trầm trọng về tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới.

Dù là một quốc gia tiêu biểu với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, nhưng những thách thức to lớn đối với ngành vận tải hàng không Việt Nam là điều đương nhiên không thể né tránh. Có thể nói rằng, trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện tại, ngành hàng không vận tải đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy các lĩnh vực kinh doanh, du lịch, và thương mại phát triển. Bên cạnh đó, nó còn được xem như một sợi dây liên kết vững chắc trong hoạt động giao thương giữa các quốc gia, là chìa khóa cho cánh cửa mở đến với diễn đàn quốc tế. Vì vậy, sự vực dậy đối với ngành vận tải hàng không sau đại dịch là điều không dễ dàng, nhưng đó cũng là mục tiêu tiên quyết đối với quốc gia trong kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế nhanh chóng nhất trong dài hạn.

Là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, vận tải hàng không đối mặt không ít những thách thức trong công tác phục hồi sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch.

Trước hết, công tác phòng chống dịch bệnh của Nhà nước buộc ngành hàng không phải đóng cửa trong một thời gian dài, khi sự di chuyển và giao thương gần như là điều không được phép để đảm bảo sự an toàn tối đa cho sức khỏe và an sinh của xã hội. Tuy nhiên, tính kéo dài của thời gian diễn ra đại dịch và sự nguy hiểm khó lường của các biến thể đã hình thành một rào cản tâm lý lớn đối với người tiêu dùng. Cụ thể, mọi người sẽ có xu hướng dè chừng hơn trong quyết định đi đến những nơi đông người, cũng như sử dụng các phương tiện dành cho tập thể, cộng đồng. Nói cách khác, người dùng sẽ có ý thức và yêu cầu về đảm bảo sức khẻ cao hơn so với trong điều kiện bình thường, tác động trực tiếp đến nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không. Trên thực tế, điều này được minh chứng rõ, mọi người dễ dàng xảy ra tâm lý hoang mang, lo sợ khi các chuyến bay của mình có một hay một số cá nhân bị nhiễm bệnh, họ không dễ dàng chấp nhận thông tin bằng một thái độ lạc quan khi tình hình dịch bệnh là vô cùng phức tạp. Từ đó, nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải hàng không cũng sụt giảm rất nhiều.

Chính xu hướng này đặt ra thách thức rất lớn về mặt chi phí đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không. Dù nhu cầu di chuyển giảm, nhưng hoạt động vận tải này vẫn buộc phải duy trì với một lượng hành khách vô cùng hạn chế. Điều này tạo ra sự tổn thất chi phí đáng kể, đặc biệt đối với vận tải hành khách quốc tế, khi các chặng đường di chuyển là khá xa giữa các quốc gia. Cụ thể, với tình trạng nguồn nhân lực dư thừa, các chi phí vận hành hàng không là cố định với một nguồn doanh thu hạn chế, ngành vận tải hành khách quốc tế đang phải đối mặt với những khoản nợ tài chính khổng lồ để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong điều kiện bình thường mới, ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng được nâng cao cũng yêu cầu sự đầu tư đáng kể của các doanh nghiệp hàng không để đảm bảo an toàn an sinh và giảm thiểu rủi ro tâm lý dịch bệnh của khách hàng. Nếu kế hoạch phục hồi không bao gồm yếu tố này, thì sự trở lại trên thị trường hàng không sẽ không dễ khiến khách hàng lựa chọn tiêu dùng.

Không chỉ vậy, sự ảnh hưởng của đại dịch cũng làm gián đoạn các hoạt động có vốn đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực hàng không. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trên toàn thế giới bị suy giảm khiến viẹc đầu tư vào ngành vận tải đường hàng không không thể diễn ra như theo tiến độ bình thường ở hiện tại, có thể vẫn sẽ là tình trạng như vậy trong cả tương lai ngắn hạn. Khi các nền kinh tế phát triển cũng đang loay hoay trong việc kiểm soát dịch bệnh và phục hồi lại quốc gia, thì vấn đề duy trì tài chính tạm thời sẽ là bài toán khá khó đối với các doanh nghiệp vận tải hàng không.

Tuy nhiên, với những dấu hiệu phục hồi khả quan sau đại dịch tại Việt Nam, ngành hàng không có những điểm vô cùng tích cực về tiềm năng vực dậy sự phát triển trong điều kiện bình thường mới. Trên thực tế, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, hoạt động giao lưu và trao đổi thương mại được dự đoán tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu dịch chuyển và tần suất đi lại giữa các quốc gia sẽ được gia tăng với mức độ vô cùng triển vọng. Dưới sự cấp bách và hoạt động xúc tiến của công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 được thúc đẩy tại hầu hết các quốc gia, yếu tố tâm lý về rủi ro an sinh, sức khỏe của người tiêu dùng sẽ được giảm về mức tối thiểu, thêm vào đó, sau 2 năm trì trệ trong lĩnh vực kinh tế, mọi người rất kì vọng về sự trở lại và phục hồi tài chính về lại thời kì phát triển thịnh vượng của nó. Đây cũng là lời giải thích cho xu hướng gia tăng đột biến trong nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải hàng không giữa các quốc gia sau đại dịch.

Bên cạnh đó, là mục tiêu hàng đầu trong kế hoạc phục hồi thương mại với điều kiện hội nhập quốc tế, ngành vận tải hành khách bằng đường hàng không nhận được những cơ hội hồi sinh vô cùng tích cực từ những chính sách và chủ trương mới của Chính phủ. Các doanh nghiệp hàng không được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ bình đẳng thông qua việc giảm thuế vận tải, miễn trừ các chi phí hoạt động trong vận hành hàng không. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với sức chịu đựng áp lực tài chính và thời gian phục hồi đối với các doanh nghiệp hàng không. Nhờ những gói hỗ trợ kịp thời và chính sách bảo hộ của Chính phủ, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng đường hàng không tránh được việc phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Ngoài ra, bằng những thành quả tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng hiệu quả, đặc biệt trong công tác xử lí và ngăn ngừa dịch bệnh thuộc lĩnh vực hàng không quốc tế, Việt Nam dễ dàng thành công trong xây dựng ánh nhìn thiện cảm từ các nhà đầu tư nước ngoài hậu đại dịch. Đây là điểm sáng đầy triển vọng trong công tác phục hồi ngành kinh tế quan trọng này.

Nhìn chung, trong ngắn hạn, sự hồi sinh của lĩnh vực vận tải hàng không quốc tế chắc chắn phải đối mặt với những thách thức tương đối lớn trong giai đoạn đầu khi mở của nền kinh tế trở lại. Trong điều kiện bình thường mới, các doanh nghiệp kinh doanh hàng không đều phải ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, dựa trên thành tố cơ bản đó mới có thể gợi dậy những nhu cầu di chuyển và vận tải của khách hàng một cách thành công. Điều này buộc các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải tập trung vào vấn đề kiểm soát nguồn tài chính có hạn của mình dưới những hệ quả để lại của dịch bệnh. Bên cạnh đó, chính những áp lực này cũng được xem như một cơ hội tốt để các doanh nghiệp hàng không tăng sức bền và năng lực chịu đựng của mình, cẩn trọng đưa ra những chiến lược dài hạn tối ưu nhằm thích nghi hiệu quả với những điều kiện khắc nghiệt và các biến động khó lường của thị trường.

Thực hiện: La Hoàng

Đồ họa: M.N.