+
Aa
-
like
comment

Những tấm lòng bồ tát của người dân miền Trung

Thanh Trúc - 27/10/2020 17:19

Những ngày qua, tâm trạng của người dân trên cả nước như chùng lại khi khúc ruột miền Trung phải oằn mình chịu đựng thiên tai liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chưa bao giờ chúng ta đón năm cơn bão trong vòng một tháng, mất cùng lúc hai vị Tướng – trong số 30 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và vẫn còn những sinh mạng vùi sâu trong lòng đất chưa tìm thấy. Mất mát chất chồng đau thương nhưng trong hoàn cảnh nào, người dân nơi rốn lũ cũng không đơn độc, hàng chục triệu tấm lòng nhân dân cả nước hướng về, cán bộ chiến sĩ sát cánh trên từng điểm lũ.

Bão lũ triền miên, trước cảnh ngàn cân treo sợi tóc, lúc khó khăn cùng cực, người dân miền Trung luôn cầu nguyện sự xuất hiện của Bồ tát giúp họ vượt qua ách nạn. Cán bộ, chiến sĩ và mạnh thường quân chính là những vị Bồ tát sống của người dân nơi rốn lũ.

Hàng loạt những đợt bão, lụt, sạt lở đất núi ập đến khiến hàng chục vạn người lâm vào cảnh khốn khó. Nhiều địa phương tại Huế, Quảng Trị và Quảng Bình bị cô lập, nước lũ vượt đỉnh lũ các năm trong quá khứ. Thiên tai ập đến, không ít người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, không ít gia đình bỗng ly tán mãi mãi chỉ sau một đêm. Giữa mênh mông sóng nước, hình ảnh những người cán bộ chiến sĩ trầm mình trong lũ quét để cứu dân, họ dấn thân vào trong vùng hiểm nguy để cứu nạn cho người dân mình, những hình ảnh từ hiện trường khi truyền tải đến người dân cả nước đều vỡ òa.

Trong tận cùng hiểm nguy, đoàn cứu hộ gồm 13 quân nhân, cán bộ đã vào Thủy điện Rào Trăng 3 tại Thừa Thiên Huế để cứu công nhân, rồi gặp nạn hôm 13-10, ra đi mãi mãi đã khiến không ít người bàng hoàng. Khi nỗi đau chưa dứt, thì đêm 17-10, thêm một vụ sạt lở núi nghiêm trọng xảy ra ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến 22 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 337 đóng quân tại đây bị vùi trong đất đá. Cùng với đó, nhiều người dân đã chết, mất tích và bị thương vì lũ dữ. Lần đầu tiên từ trước đến nay, nhiều người dân trình bày nguyện vọng mong quốc tang, tưởng nhớ sự hy sinh của các đồng chí, thì cũng hiểu được tận cùng của sự hy sinh và gam màu tang tóc.

Những nỗi đau khi đồng đội mình ngã xuống thấm sâu vào xương tủy của người cán bộ, người lính nhưng nuốt nước mắt vào trong, tất cả gác lại phía sau, họ lại tiếp tục thực hiện sứ mệnh với dân, và làm thay nhiệm vụ mà đồng đội mình còn dang dở. Trên từng cây số, trên từng địa bàn ngập sâu, cán bộ chiến sĩ chèo ghe, lội nước, ngâm mình nhiều giờ liền để đến với bà con bị chia cắt, cứu nạn, cứu hộ và cứu trợ chuyển cho bà con từng chai nước, gói mì tôm, áo cứu hộ.

Nước mắt Rào Trăng 3 – Nơi 13 thi thể cán bộ chiến sĩ bị vùi sâu trong lòng đất được tìm thấy

Hình ảnh người dân nơi rốn lũ được cán bộ chiến sĩ truyền về, đăng tải trên truyền thông, làm lay động trái tim hàng triệu người. Chính vào những thời điểm khó ngặt ấy, người ta mới thấm được câu nói của cha ông: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, rồi nhiều tấm lòng của đồng bào cả nước, các đoàn công tác được liên tục cử đến những điểm chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai; những chuyến cứu trợ được những nghệ sĩ, doanh nhân trực tiếp thực hiện; nhiều hội nhóm từ thiện, các nhà hảo tâm đã liên tục chuyển nhu yếu phẩm cần thiết đến bà con vùng lũ. Giữa khi tiếng khóc, tiếng kêu thương tâm của người dân vang vọng trong mênh mông nước bạc, những cánh tay nhân ái, những tấm lòng trượng nghĩa sẽ góp phần xoa dịu phần nào nỗi khổ trước mắt.

Thật đáng quý và trân trọng những tấm lòng hảo tâm, tinh thần nhường cơm sẻ áo của các bà con cả nước dốc sức về miền Trung. Tuy nhiên, không phải ai đến với miền Trung cũng chân thành từ cái tâm trong sáng, không toan tính, vụ lợi và chỉ biết cho đi. Mà đã có không ít đoàn mang danh từ thiện tự phát, tự làm theo ý mình đem đến không biết bao bài toán khó, trút thêm gánh nặng cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã và đang mệt nhoài chống lũ.

Vùng cô lập, nước ngập sâu, bộ đội không đồng ý cho đoàn từ thiện vào, vì hiểm nguy, nhưng có đoàn vẫn bất chấp, bỏ ngoài tai và làm theo ý mình. Trong tình cảnh mọi nguồn lực chính quyền địa phương phân bổ khắp nơi để cứu nạn, cứu hộ người dân, ông chủ tịch xã phải bơi trong dòng nước siết cùng công an, quân đội cứu người dân đang ngập trong lũ. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, vừa chống lũ, cứu nạn, cứu hộ rồi cứu trợ cho dân, trăm công nghìn việc, vậy mà chính quyền địa phương còn phải dành nhân lực và thời gian để đi cứu ngược các đoàn cứu trợ tự phát, tự ý đi vào vùng nước sâu.

Cô Tiên và nhiều mạnh thường quân đến với người dân miền Trung bằng tất cả tấm lòng

Cần mẫn, nhẫn nhịn và lấy tiêu chí phục vụ nhân dân là kim chỉ nam là vậy, nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn không làm hài lòng tất cả. Một số đoàn từ thiện không được bộ đội đáp ứng nhu cầu lấy ca nô, tàu thuyền cứu nạn khẩn cấp để chở vào vùng sâu, vùng xa phát quà được cho người dân, liền quay sang chửi đổng, các cán bộ chiến sĩ vẫn ráng nghe mà xót xa. Hàng loạt lời khép tội “thuyền để cả đống nhưng không cho mượn”, rồi thì nhiều đối tượng chống phá xuyên tạc như tát nước “chính quyền không hỗ trợ đoàn từ thiện”, “không cho vào vùng nước ngập sâu để trao quà đến dân, ra sức làm khó”. Những người không lý lẽ nào biết, nơi mà những đoàn từ thiện “bề trên” kia đòi chính quyền đưa đến phát quà là những nơi ngập sâu, đầy nguy hiểm; và ca nô, tàu thuyền của bộ đội cần sử dụng cho cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp, chứ nào phục vụ cho cái thú đam mê của một số đoàn từ thiện thiếu từ tâm, yêu sách chính quyền phải cắt cử người tháp tùng vào nơi nước sâu nhất để phát quà, cho cái gọi là từ thiện. Thế mới thấy, bên cạnh hàng triệu lời động viên, ngợi khen, tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ thì bên cạnh đó cũng không thiếu những lời cay đắng, xót xa.

Giữa muôn trùng hiểm nguy, mênh mông biển nước, các cán bộ chiến sĩ từ công an, đến quân đội trực chiến 24/24 giúp dân, thực hiện sứ mệnh của người công bọc của dân, không có thời gian để ngủ nghỉ. Thì trớ trêu thay vẫn có nhan nhản kẻ ngồi xa, ngồi nhà trùm mền và hỏi công an làm gì sao không giúp dân vì “chả thấy livestream trên facebook”, ác tâm hơn còn gáng cho chiến sĩ “ở nhà ngủ, bỏ dân bơ vơ tự sanh tự diệt”. Thế nhưng, dù phía trước có khó khăn thế nào, hiểm nguy ra sao, những người lính vẫn mang trên mình sứ mạng cao cả, sống chết cùng dân nơi bão tố, nơi thiên nhiên cuồng phong và không biết hy sinh lúc nào. Đối diện với tử thần, trước lằng ranh mong manh của sự sống và cái chết, cái tâm, tấm lòng bồ tát dấn thân cứu khổ, cứu nạn cho nhân dân vẫn rực sáng, không gì có thể vùi lấp, hay làm nhòe đi ánh sáng rực của những ngôi sao – các chiến binh cảm tử.

Thanh Trúc

Bài mới
Đọc nhiều