Những sai phạm hàng chục nghìn tỷ ở Thủ Thiêm
TP.HCM chấp nhận cho nhà đầu tư làm dự án khi chưa đánh giá năng lực; giao đất mà chưa tính phí và chưa thu tiền thu tiền sử dụng đất.
TP.HCM đã thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời, không lập dự án theo thứ tự ưu tiên dẫn đến việc đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng quản lý, chậm triển khai đầu tư xây dựng.
Về sai phạm liên quan nhà đầu tư, đối với dự án 4 tuyến đường chính (đại lộ Vòng cung R1, đường ven hồ trung tâm R2, đường ven sông Sài Gòn R3, đường Châu thổ trên cao R4), UBND TP.HCM có sai phạm khi chấp nhận cho Công ty Đại Quang Minh làm nhà đầu tư khi chưa yêu cầu doanh nghiệp này lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm, chưa đánh giá năng lực tài chính…
Đối với dự án BT cầu Thủ Thiêm 2, UBND TP được Thủ tướng chấp thuận cho chỉ định nhà đầu tư. TP.HCM đã chọn Vinaconex nhưng sau đó lại giao cho Đại Quang Minh.
Còn dự án đối ứng với BT, cơ quan thanh tra phát hiện UBND TP ký hợp đồng BT với Đại Quang Minh, xác định giá trị các khu sử dụng đất đối ứng để thanh toán hợp đồng là 12.490 tỷ đồng trong khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị sử dụng đất của TP.
Về chi phí dự án, TP.HCM đã phê chuẩn mức đầu tư của dự án 4 tuyến đường chính là 12.182 tỷ đồng khi chưa làm rõ ý kiến của sở, ngành liên quan là không đúng quy định. Qua thanh tra, phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm được TP.HCM chỉ định bổ sung 2 dự án vào hợp đồng gồm quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và khu lâm viên sinh thái thuộc vùng châu thổ phía nam; đồng thời TP giao, phê duyệt tiền sử dụng 7 lô đất, ký hợp đồng BT bổ sung giá trị 1.999 tỷ đồng khi chưa có dự án phê duyệt là sai quy định.
Dự án BT cầu Thủ Thiêm 2 được thay đổi quy mô cầu từ 4 sang 6 làn xe nhưng không báo cáo Thủ tướng.
Đối với dự án giao đất có thu tiền, UBND TP chỉ định nhà đầu tư mà không đấu giá sử dụng đất ở Khu phức hợp Tháp quan sát (Empire City) và Khu phức hợp Sóng Việt (The Metropole Thủ Thiêm). TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương chỉ định 2 nhà đầu tư là Tập đoàn Lotte cho dự án Eco-Smart City Thủ Thiêm và Tập đoàn Vingroup cho dự án khu phức hợp thể thao giải trí; đến nay chưa tính và thu tiền sử dụng đất của hai nhà đầu tư này.
Với khu tái định cư 38,4 ha, trong 4 dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư có 3 dự án được các nhà đầu tư xây dựng hoàn thành, bàn giao và thanh toán với UBND TP để bố trí tái định cư. Hiện, do chưa bố trí tái định cư, UBND TP tiếp tục cho đấu giá để chuyển sang nhà ở thương mại.
Còn lại một dự án 1.330 căn hộ đã được nhà đầu tư thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng 1.122/1.228 căn hộ. UBND TP đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng về việc giao đất là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Theo báo cáo của UBND TP về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết quả thanh tra, tổng chi phí phải trả là hơn 83.330 tỷ đồng (gồm hơn 72.800 tỷ đồng chi phí đầu tư và hơn 10.500 tỷ đồng lãi tạm ứng từ ngân sách). Trong khi đó tổng thu dự kiến đến nay là hơn 74.600 tỷ đồng.
Như vậy, việc đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng hơn 8.730 tỷ đồng.
Theo kết luận của cơ quan thanh tra, những sai phạm trên đã gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của Nhà nước với giá trị lớn.
UBND TP.HCM phải thu hồi và hoàn trả ngay 26.300 tỷ đồng đã tạm ứng không đúng quy định từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến ngày 30/9/2018; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm là hơn 4.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND TP phải thu hồi cho ngân sách Nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là hơn 1.800 tỷ đồng lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay.
Từ hàng loạt sai phạm được chỉ ra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, UBND TP.HCM chấn chỉnh việc quản lý và cơ chế chính sách.
“Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước trước ngày 31/12 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
(Theo Zing News)