Những rủi ro khi nhập viện vì COVID-19 ở trẻ em chưa được tiêm chủng là gì?
Nhiều bậc cha mẹ ngần ngại cho con mình tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19. Vậy những rủi ro khi nhập viện vì COVID-19 ở trẻ em chưa được tiêm chủng là gì?
Theo một đánh giá ngắn do INSPQ công bố vào tháng 11, trước Omicron, trong số trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tuyên bố dương tính với covid thì tỷ lệ nhập viện là 0,2% (tức là một trẻ em nhập viện trên 500 trẻ em bị nhiễm bệnh). Trong một báo cáo khác của INSPQ được công bố vào giữa tháng 12, đã báo cáo rằng 13% trẻ em nhập viện vì Covid đã được đưa vào cơ sở chăm sóc đặc biệt, tỉ lệ này chiếm khoảng 1 trong số 4.000 trẻ em bị nhiễm bệnh.
INSPQ sau đó báo cáo rằng 34.410 trường hợp COVID đã được khai báo ở trẻ 5-11 tuổi, tương ứng với 5% trẻ em trong độ tuổi này. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm này chỉ bao gồm các trường hợp được báo cáo và chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các ca nhiễm. Do đó, nguy cơ nhập viện khi mắc covid ở trẻ từ 5 – 11 tuổi thực sự thấp hơn. Mặt khác, do biến thể omicron dễ lây lan hơn nên sự xuất hiện của nó đã làm tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm này.
Đối với trường hợp tử vong do Covid, tính đến giữa tháng 12, không có trường hợp nào được báo cáo ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Những rủi ro của COVID kéo dài và hội chứng viêm đa hệ thống là gì?
Tuy nhiên, cũng trong một bài đánh giá và dữ liệu dịch tễ học trong tỉnh đối với trẻ em dưới 18 tuổi, vào giữa tháng 12, INSPQ đã đề cập rằng 0,7 đến 4,6% trẻ em bị nhiễm bệnh dưới 18 tuổi sẽ bị ảnh hưởng bởi triệu chứng Covid kéo dài. Sự khác biệt lớn giữa triệu chứng Covid kéo dài và hội chứng viêm đa hệ thống phản ánh khó khăn mà các nhà nghiên cứu vẫn gặp phải trong việc xác định các triệu chứng của COVID kéo dài.
Đối với hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em, có thể phát triển sau khi tiếp xúc với vi rút, 5,9 trong số 100.000 trẻ em đã phải nhập viện vì lý do này ở Canada.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, khoảng 1/20 số trẻ em nhập viện do Covid-19 có thể bị suy giảm chức năng não hoặc bị các biến chứng thần kinh kéo dài.
CDC Mỹ và các đối tác đang điều tra một tình trạng y tế hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến Covid-19 ở trẻ em được gọi là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Với hội chứng này, trẻ cảm giác mệt mỏi, choáng váng, mất mùi; phát ban, đỏ mắt, sốt kéo dài, thậm chí mất hoặc thay đổi vị giác…
Không ít trẻ có tâm lý mặc cảm, tự ti sau mắc bệnh. Đặc biệt một biểu hiện khác ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng là khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu… Toàn bộ các biểu hiện này rất cần được theo dõi, đánh giá sớm và can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
Tiến sĩ Jagdish Kathwate một chuyên Nhi khoa tại Bệnh viện Motherhood Hospital Kharadi Pune (Ấn Độ) cho biết, “Covid-19 có thể gây ra tình trạng “loạn khứu giác” vì virus có thể làm tổn thương tạm thời các thụ thể và dây thần kinh liên quan đến khứu giác. Điều này làm cho trẻ bị thay đổi khứu giác và vị giác dẫn đến tình trạng một số trẻ trở nên ‘kén ăn’.
Tình trạng “loạn khứu giác” làm ảnh hưởng đến việc cảm thụ mùi vị của trẻ với thức ăn, thay vì ngửi thấy mùi socola trẻ có thể ngửi thấy mùi xăng, mùi rác thải thậm chí là mùi trứng thối. Do vậy, một số trẻ em có thể sẽ cảm thấy không còn hứng thú với những món ăn mà bé từng rất thích trước đó.
Vắc xin có hiệu quả như thế nào trong việc ngăn ngừa?
Theo dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin dành cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi của công ty Pfizer-BioNTech, được đệ trình vào tháng 10 với các cơ quan chức năng Mỹ, hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm sẽ là 91%. Nếu chúng ta so sánh tỷ lệ phần trăm này với tỷ lệ nhiễm bệnh nêu trên là 5% ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ giảm xuống khoảng 0,5% sau khi tiêm chủng.
Tuy nhiên, những dữ liệu này được thu thập trong thời kỳ mà biến thể Delta chiếm ưu thế. Hiệu quả của vắc-xin được biết là thấp hơn so với biến thể Omicron, đồng thời các nghiên cứu được công bố trong những tháng gần đây về sự suy giảm hiệu quả của vắc-xin sau vài tháng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đang gây bối rối, ngay cả khi khả năng bảo vệ để ngăn ngừa nhập viện hoặc tử vong vẫn còn cao.
Những nguy cơ biến chứng khi tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là gì?
Trong các thử nghiệm lâm sàng của Pfizer, tác dụng phụ thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm, được 74% trẻ em báo cáo sau lần tiêm đầu tiên. Sau đó, 39% cho biết đã cảm thấy mệt mỏi và 28% trẻ em cảm thấy đau đầu sau liều thứ hai. Các tác dụng khác được đề cập bao gồm sưng và kích ứng da tại vị trí tiêm, đau nhức cơ, ớn lạnh và sốt. Hầu hết các tác dụng phụ này đều gặp phải trong vòng hai ngày sau khi tiêm chủng.
Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng này. Tuy nhiên, số lượng người tham gia không đủ cao để phát hiện các tác dụng phụ hiếm gặp, tức là những tác dụng phụ xảy ra ít hơn một lần trên 20.000 tiêm. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa (CDC) kết luận rằng chỉ có 4249 báo cáo về tác dụng phụ được ghi nhận trên 8 triệu liều ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi và trong 97,6% trường hợp không quan sát thấy phản ứng nghiêm trọng.
Nói cách khác, các tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo trong 2,4% trong số 4.249 báo cáo về tác dụng phụ, hoặc khoảng 100 trường hợp trong số 8 triệu liều. Để so sánh, chúng ta hãy nhớ những gì đã nói ở trên: trong trường hợp nhiễm Covid, INSPQ ước tính rằng một trong số 500 trẻ em bị nhiễm bệnh phải nhập viện. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ nhập viện do COVID sẽ cao hơn 150 lần.
Còn bệnh viêm cơ tim thì sao?
Có lẽ tác dụng phụ được nhắc đến nhiều nhất của vắc-xin là nguy cơ viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim, tức là viêm màng hoặc cơ tim. Tuy nhiên tình trạng này rất hiếm. Trong phân tích của họ, CDC đã báo cáo rằng trong số hàng trăm tác dụng được gọi là “nghiêm trọng”, có 11 trường hợp viêm cơ tim trên 8 triệu liều được sử dụng, tương đương với rủi ro là 0,0001%.
Tuy nhiên, không nên quên rằng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim cũng có thể xảy ra sau khi nhiễm virus COVID. Theo một nghiên cứu được CDC công bố vào tháng 9, nguy cơ viêm cơ tim ở trẻ em dưới 16 tuổi bị nhiễm COVID-19 là 0,13% (hoặc 1,3 trên 1000, hoặc 1300 trên triệu).
Ngoài ra, một nghiên cứu của Hoa Kỳ được công bố trước vào tháng 10 kết luận rằng viêm cơ tim do vắc xin có liên quan đến nguy cơ suy tim thấp hơn và phục hồi nhanh hơn so với viêm cơ tim do vi rút.
Kết luận
Ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi, nguy cơ biến chứng khi nhiễm COVID-19 là rất thấp. Mặt khác, với vắc-xin, nguy cơ biến chứng thấp hơn ít nhất 150 lần.
Hồng Ngọc (Theo INSPQ)