+
Aa
-
like
comment

Những rào cản của Ấn Độ trên đường vượt qua nền kinh tế Mỹ

Tuệ Ngô - 19/07/2023 10:37

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) vừa đưa ra dự đoán rằng, Ấn Độ đang trong quá trình vượt qua Mỹ để trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, quốc gia Nam Á này cần vượt qua một số rào cản quan trọng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái)

Trong một báo cáo gần đây của Goldman Sachs, Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2075, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, trong khi nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục là nền kinh tế dẫn đầu toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được hỗ trợ bởi các yếu tố như nguồn lực lao động phong phú, tiến bộ công nghệ và đầu tư vốn đang phát triển. Các chuyên gia thị trường đánh giá cao Ấn Độ là “cơ hội đầu tư lớn nhất tiếp theo” và biểu lộ sự lạc quan về triển vọng của quốc gia này.

Tuy nhiên, hành trình tiến lên của Ấn Độ không tránh khỏi những thách thức. Nhóm chuyên gia của Goldman Sachs lưu ý rằng một rủi ro lớn mà đất nước này phải đối mặt là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đang giảm trong 15 năm qua và chưa có dấu hiệu đảo ngược.

Trong 15 năm qua, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động tại Ấn Độ đã giảm, đặc biệt là tỷ lệ tham gia của phụ nữ, thấp hơn đáng kể so với nam giới. Theo báo cáo mới của Goldman Sachs công bố vào tháng 6 vừa qua, chỉ có 20% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ có việc làm. Ngân hàng này cho biết rằng tỷ lệ thấp này có thể bởi vì phụ nữ chủ yếu tham gia vào các công việc không được tính là tuyển dụng chính thức. Ngoài ra, xuất khẩu ròng cũng là một rào cản đối với sự tăng trưởng của Ấn Độ, bởi vì nước này đang phải đối mặt với thâm hụt tài khoản vãng lai.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, gặp phải nạn quan liêu, thuế quan cao và các rào cản trong việc thâm nhập thị trường Ấn Độ, chẳng hạn như tỷ phú Elon Musk và Apple. Những yếu tố này có thể làm chậm dòng vốn và tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Ấn Độ.

Trong khi đó, Tỷ phú Elon Musk và nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đang gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Ấn Độ, do sự phức tạp trong quy định, thuế quan cao và nỗ lực của Ấn Độ nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa. Apple cũng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nhập khẩu sản phẩm vào Ấn Độ, với hy vọng giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất chip chính của mình. Những yếu tố này đóng vai trò như những rào cản có khả năng làm chậm dòng vốn và tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ trong tương lai.

Ngoài ra, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có cơ hội để tăng cường quan hệ kinh tế với nhau thông qua việc sử dụng lợi thế “nearshoring” – một mô hình mà các quốc gia đưa chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng đến các quốc gia lân cận về mặt địa lý và chính trị. Như cái cách mà Mỹ đã thực hiện với Mexico. Bằng cách tận dụng sự gần gũi và giảm chi phí vận chuyển qua Thái Bình Dương, cả hai cường quốc châu Á này có thể xây dựng mạng lưới thương mại khu vực hiệu quả hơn.

Tuy nhiên theo Insider, việc hình thành một liên minh như vậy sẽ đối diện với những thách thức nghiêm trọng. Ấn Độ và Trung Quốc đã từng có lịch sử xung đột tại biên giới chung và quan hệ giữa hai nước vẫn còn căng thẳng, đặc biệt về vấn đề quân sự. Mặc dù vậy, việc hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng tích cực tới tương lai của khu vực trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với hậu quả sau đại dịch COVID-19.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều