+
Aa
-
like
comment

Những quyết sách kịp thời, nhân văn của TP.HCM trong đại dịch vừa qua

19/11/2021 08:48

Trong đại dịch vừa qua, TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch thứ 4, nhưng Thành phố vẫn ra sức chăm lo cho gia đình mất người thân, thông qua các quyết sách kịp thời, nhân văn. 

Những ngày này, TP HCM dần trở lại cuộc sống bình thường mới sau những ngày tháng quay cuồng trong dịch bệnh. Nhớ lại những ngày đầu và giữa tháng 8, nhiều gia đình có người thân qua đời vì Covid-19 không khỏi cảm thấy ấm lòng và xúc động trước quyết định hỗ trợ mai táng của chính quyền thành phố.

Những quyết sách kịp thời, nhân văn - Ảnh 1.
Bộ đội đến tận nhà giao tro cốt người mất vì Covid-19 cho gia đình nạn nhân.

Lo cho người ra đi

Chị Nguyễn Thị Biết – ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân – kể những ngày đầu tháng 8, khi có người trong xóm chẳng may qua đời vì Covid-19 tại gia vô cùng khốn khổ về việc mai táng, chị nghĩ những người ở trọ như gia đình chị nếu “dính” Covid-19 thì chẳng biết xử lý ra sao.

“Nỗi lo sợ rồi cũng đến, khi ông xã tôi mắc Covid-19 và nhanh chóng qua đời. Nhìn thi thể chồng nằm trong căn gác trọ, phía dưới là 3 đứa nhỏ, tôi tưởng mọi thứ đã bế tắc. Khi liên hệ địa phương thì được biết thành phố vừa có chính sách hỗ trợ cho người qua đời vì Covid-19. Lúc này, mọi căng thẳng mới được giải tỏa. Nói thật, nếu không có sự hỗ trợ của thành phố thì bản thân tôi khi đó không biết lấy đâu ra tiền lo hậu sự cho chồng” – chị Biết nhớ lại.

Chính sách mà chị Biết nhắc đến chính là “sự kiện” ngày 7-8, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, thông tin trên phương tiện truyền thông rằng thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng đối với bệnh nhân tử vong do Covid-19. Chế độ, thủ tục hỏa táng cho mỗi bệnh nhân Covid-19 tử vong dù có người thân hay không đều được thực hiện đúng theo các quy định.

Theo đó, mức hỗ trợ trên sẽ được trích từ ngân sách với số tiền 17 triệu đồng cho mỗi ca tử vong để thực hiện toàn bộ chi phí hậu sự, từ tẩm liệm, vận chuyển, hỏa thiêu đến việc giao tro cốt cho người thân. Vào thời điểm ấy, ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ việc có người thân qua đời là chuyện đau buồn đối với mọi gia đình. Trên tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”, thành phố cố gắng lo công tác này chu toàn và trang nghiêm nhất cho người dân.

Và quả thật, đến nay những gia đình chẳng may có người thân mất vì Covid-19 khó có thể quên hình ảnh bộ đội đến tận nhà trao tro cốt một cách nghiêm cẩn.

Ðể làm được việc này, TP HCM đã giao cho Bộ Tư lệnh thành phố tiếp nhận tro cốt của người dân đã mất do dịch Covid-19 từ nơi hỏa táng đưa về Nhà Tang lễ TP HCM thắp hương. Sau đó, bàn giao cho các Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện và TP Thủ Ðức để trao đến từng gia đình của người đã mất. Việc làm này được bộ đội thực thi không chỉ là bổn phận, là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người lính đối với nhân dân.

Những quyết sách kịp thời, nhân văn - Ảnh 2.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thăm gia đình em L.H.H.T (quận 8), cha em T. mất vì Covid-19.

Yêu thương luôn bên trẻ mồ côi

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, tính đến cuối tháng 10-2021, toàn TP HCM có 2.151 trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo quy định của Luật Trẻ em 2016 và một số nghị định của Chính phủ, trẻ mồ côi cả cha mẹ được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân; cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phố; nhận nuôi con nuôi; đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Ngoài quy định trên, ngay từ những ngày đợt dịch lần thứ 4 diễn biến căng thẳng với nhiều người ra đi bỏ lại con thơ, chính quyền TP HCM đã lập tức ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người khó khăn, trong đó đáng lưu ý nhất là hỗ trợ trẻ em có cha – mẹ qua đời vì Covid-19.

Ðến ngày 30-9-2021, Trung tâm An sinh TP HCM đã chuyển 2.234.267 túi an sinh đến 22 quận, huyện, TP Thủ Ðức để hỗ trợ người dân khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19”.

Theo đó, các trường hợp trẻ em mồ côi cả cha mẹ do Covid-19 sẽ được xét trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp trẻ dưới 4 tuổi; hệ số 1,5 đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên… Ðặc biệt, để chăm lo thêm cho trẻ mồ côi, các quận, huyện và TP Thủ Ðức đã và đang vận động chăm sóc, hỗ trợ mỗi trẻ từ 3-5 triệu đồng kèm gạo, sữa… Ngoài ra, trẻ còn được các tổ chức đoàn thể, MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên… quan tâm với nhiều chương trình học bổng hỗ trợ học tập.

Là địa phương có hàng trăm trẻ mồ côi do dịch Covid-19, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết trong những ngày thực hiện giãn cách, ngoài việc hỗ trợ từ 2-3,5 triệu đồng/trẻ, khi có nguồn thực phẩm, quà từ nhà hảo tâm, địa phương đều ưu tiên trao cho các em.

Trong khi đó, bà Ðặng Trần Trúc Dao, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hóc Môn, cho biết ngay từ cuối tháng 8, khi thống kê trường hợp các trẻ mồ côi, đoàn công tác do Thường trực Huyện ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm trưởng đoàn, cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, lãnh đạo địa phương, hội phụ nữ xã – thị trấn đã nhanh chóng đến thăm hỏi, động viên gia đình, gửi tặng các phần quà.

Mỗi phần quà trị giá hơn 500.000 đồng (gồm tã, sữa, bánh, nhu yếu phẩm) và 500.000 đồng tiền mặt (kinh phí chăm lo do Trung tâm An sinh xã hội huyện hỗ trợ). Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục vận động các nhà hảo tâm gửi thêm những phần quà cho các cháu mồ côi.

Chia sẻ nỗi đau, mất mát với các em, TP HCM đã tổ chức nhiều đoàn lãnh đạo thành phố đến thăm và động viên. Vừa qua, đến thăm trẻ em mồ côi cha mẹ vì Covid-19 trên địa bàn quận 8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã gửi lời chia buồn với nỗi đau mất người thân của gia đình; ân cần thăm hỏi đời sống sinh hoạt, việc học tập của các em trong tình hình dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Nên động viên, mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau mất người thân và chăm sóc tốt các em; mong các em sớm vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực cố gắng trong học tập.

Đặc biệt, TP HCM cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ và chăm lo cho các em. Dự kiến, thành phố sẽ xây dựng 4 nhóm chính sách gắn liền với 4 nhóm nguyện vọng từ gia đình, người thân các em. Cụ thể 4 nhóm gồm: gia đình tự nuôi dưỡng; gửi Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em, mái ấm tình thương quận, huyện và TP Thủ Đức; gửi đến các tổ chức có tâm nguyện nuôi dưỡng; nguyện vọng khác.

“Dù ở nhóm nguyện vọng nào, thành phố cũng sẽ đồng hành và có những chính sách phù hợp. TP HCM sẽ vận dụng tất cả các quy định pháp luật để tạo điều kiện chăm sóc cơ bản cho các cháu từ trẻ sơ sinh đến ít nhất 18 tuổi” – Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM Lê Minh Tấn nói.

Cũng theo ông Lê Minh Tấn, quy định hiện nay là chỉ có trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được nhận trợ cấp hằng tháng theo mức trẻ dưới 4 tuổi là 900.000 đồng, ngoài độ tuổi này là 540.000 đồng. Do đó, thành phố đang vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giúp đỡ cho tất cả, bao gồm trẻ mồ côi một bề. Đối với các em muốn học nghề, các trường cao đẳng, trung cấp nghề do Sở LĐ-TB-XH quản lý sẽ tiếp nhận và miễn tất cả học phí. Các trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc sở cũng sẽ chủ động phối hợp để tìm việc cho các em sau khi ra trường.

Mới đây nhất, Sở LĐ-TB-XH vừa có tờ trình gửi UBND thành phố đề xuất chính sách chăm lo, hỗ trợ của thành phố cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. Theo đó, TP HCM cũng cấp thẻ miễn phí: khi đi lại bằng phương tiện cộng cộng, vé vào cửa các khu vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ; tham gia các câu lạc bộ, thể dục thể thao, các lớp năng khiếu và các dịch vụ có thu phí…

Chi hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng

Về các gói hỗ trợ, theo báo cáo của HÐND TP HCM đến ngày 10-11, đã có 22/22 đơn vị triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 124.862/125.557 người, đạt tỉ lệ 99,45% với số tiền hỗ trợ hơn 258,8 tỉ đồng. 22/22 đơn vị triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số lượng 197/197 người, đạt tỉ lệ 100% với số tiền hỗ trợ hơn 400 triệu đồng.

Ðối với việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, đợt 1 có 22/22 đơn vị, 370.581/371.053 người, đạt tỉ lệ 99,87% với tổng số tiền hơn 555,8 tỉ đồng.

Đợt 2 có 22/22 đơn vị, 651.368/656.498 người, đạt tỉ lệ 99,22% với tổng số tiền hơn 1.281 tỉ đồng. Ðợt 3 có 22/22 đơn vị triển khai thực hiện với số lượng 6.105.623/7.524.447 người, đạt tỉ lệ 81% với tổng số tiền hơn 6.105 tỉ đồng.

Ngọc Anh 

Bài mới
Đọc nhiều