+
Aa
-
like
comment

Những quyết sách chưa có tiền lệ trong thành quả kiểm soát dịch Covid-19

04/10/2021 07:58

Một thông tin tích cực đáng mừng với người dân cả nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào ngày 2/10.

“Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, ngay cả tại những tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca mắc, tử vong ngày càng giảm sâu” – Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là một điểm sáng, kết quả đáng mừng trong quý 3 và sau khi 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Nhìn lại quá trình phòng chống dịch kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4 đến thời điểm này dù chưa thể thở phào nhẹ nhõm với biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn, nguy hiểm khôn lường nhưng điều đó đã phần nào cho thấy kết quả từ sự vào cuộc, nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp… trong thời gian qua.

Diễn biến dịch bệnh đòi hỏi các quyết sách, phương châm chống dịch linh hoạt, sáng tạo, thích ứng với từng thời điểm. Trong sự vào cuộc, nỗ lực chung đó không thể thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự quyết liệt Chính phủ, Thủ tướng cũng như sự đồng hành của Quốc hội.

Từ cuộc họp của Bộ Chính trị đến lời kêu gọi đoàn kết chống dịch

Khi đỉnh dịch Bắc Giang, Bắc Ninh bắt đầu “hạ nhiệt”, tình hình dịch tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam bắt đầu bùng phát và diễn biến phức tạp.

Ngay từ những ngày đầu TP.HCM “trở bệnh” và có dấu hiệu khó lường, ngày 11/6, Bộ Chính trị đã họp và ra thông báo kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Chính trị yêu cầu, toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Bộ Chính trị lưu ý, chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được; sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công tác phòng chống dịch, thăm hỏi, động viên người dân trong vùng cách ly phong tỏa, ở TP. Thủ Đức, TPHCM

Trước sự lây lan nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường ở khá nhiều địa phương, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đời sống, sức khỏe của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngày 21/7, Thường trực Ban Bí thư đã Điện Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Cùng với yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý, triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp…

Một tuần sau, ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lời kết gọi đến đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Trong đó, Tổng Bí thư nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Tổng Bí thư tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

TP.HCM tăng tốc tiêm vắc xin phòng Covid-19 để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Đến tháng 8 tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam vẫn trong tình trạng “báo động đỏ”, một cuộc họp các lãnh đạo chủ chốt đã diễn ra vào ngày 24/8 với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Trong các nội dung quan trọng được kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh đến việc “hoàn thiện các phương án, kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, ngăn chặn không để dịch lan rộng”.

Cùng với đó là khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vắc xin, đặc biệt là việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát mạnh, như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An….

“Sớm thực hiện tiêm vắc xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Các lãnh đạo chủ chốt cũng thống nhất chủ trương với các kiến nghị của Chính phủ về các giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch…

Chỉ thị 16, rồi 16+

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng chống dịch Covid-19 trở nên dày đặc, bất kể là thứ 7 hay Chủ nhật. Có thời điểm gần như ngày nào Thủ tướng cũng chủ trì họp, hôm thì họp Thường trực Chính phủ, lúc thì với các bộ ngành; khi thì trực tuyến với các tâm dịch địa phương, lúc xuống thực địa…Khi biểu dương địa phương, cách làm này, lúc lại phê bình lãnh đạo địa phương khác…

Vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, đã có những thời điểm, không ít lần Thủ tướng phải đưa ra những quyết định vô cùng khó khăn.

Những quyết định bước ngoặt trong kiểm soát dịch Covid-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình đời sống của người dân tại khu nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Định ở TP. Thủ Đức.

Đó là khi, Thủ tướng đồng ý áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM từ 0h ngày 9/7. Đó là lúc, người đứng đầu Chính phủ đặt bút ký Công văn ngày 17/7 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương.

Cùng với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện giãn cách, Thủ tướng đồng ý bổ sung thêm một số tỉnh thành: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Tiếp theo sau đó là những quyết định không ai mong muốn nhưng bắt buộc phải làm – gia hạn và nâng cấp độ giãn cách xã hội.

Công điện 1063 về phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng ban hành ngày 31/7 yêu cầu 19 tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày.

Thủ tướng yêu cầu 19 địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Lúc này yêu cầu xét nghiệm diện rộng được chỉ đạo và thực hiện. Thủ tướng nói rõ:“Tất cả các giác quan của chúng ta, mắt nhìn, mũi ngửi, lưỡi nếm, tai nghe, tay sờ đều không phát hiện được virus, khám lâm sàng cũng không phát hiện được sớm. Vậy thì cách duy nhất để tìm ra virus là xét nghiệm”.

Ông nói thẳng tại một cuộc họp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phải chịu trách nhiệm về việc này. Số lượng ca mắc ngoài cộng đồng được phát hiện cùng với việc các địa phương tập trung tối đa bóc tách F0 khỏi cộng đồng, có những biện pháp điều trị phù hợp, thích ứng tốt hơn với diễn tiến đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

TP.HCM những ngày siết chặt giãn cách xã hội.

Cùng với việc kiểm soát nghiêm ngặt, người đứng đầu Chính phủ lưu ý thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. “Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách”, có cách thức đón dân về quê một cách chủ động, nhân văn, có kiểm soát.

Hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội, dịch bệnh có chiều hướng giảm tại 13/23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.

Vì vậy, để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1102 ngày 23/8 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.

Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. “Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”.

Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16. Đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16, Thủ tướng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn.

Chuyển hướng chống dịch

Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, người đứng đầu Chính phủ đã không ngại ngần đi thẳng vào tâm dịch để “chỉ huy”. Từ Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM đến Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Thủ tướng đều có mặt trực tiếp kiểm tra tình hình, từ đó đưa ra những chỉ đạo, điều hành chống dịch hiệu quả hơn.

Những cuộc gọi lúc nửa đêm, những chuyến vi hành xuống tận cơ sở, những câu hỏi truy vấn bất ngờ đến lãnh đạo địa phương của người đứng đầu Chính phủ đã giúp cho công tác phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương không thể lơ là, chủ quan.

Thủ tướng kiểm tra điểm nóng dịch Covid-19 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vào ngày 1/9

Sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp cấp bách, quyết liệt, đến nay, tình hình dịch trên cả nước vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực như số ca mắc trong cộng đồng và số ca tử vong liên tiếp giảm.

Đến ngày 1/10, TP.HCM cùng với hàng loạt các tỉnh thành tháo gỡ thực hiện giãn cách xã hội. Tình dịch bệnh đã cơ bản kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc.

Vì vậy, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi.

Thủ tướng nêu rõ: “Đạt “zero Covid” sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể”.

Nhận định này là chỉ dấu cho việc thay đổi phương châm chống dịch từ “Zezo Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Từ đây, việc phong tỏa diện hẹp được thực hiện. Tại cuộc họp ngày 25/9, Thủ tướng nói rõ về trường hợp tỉnh Hà Nam: “ Chỉ còn một tiếng nữa là tỉnh thực hiện giãn cách xã i tại Phủ Lý. Tôi gọi điện cho lãnh đạo tỉnh. Phủ Lý có gần 200 nghìn dân cùng với 250 nghìn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, đảm bảo an sinh xã hội cho gần 500 nghìn người trong hai tuần không? Tỉnh đã điều chỉnh kịp thời và hai ngày qua êm ả. Thay vì phải giãn cách 500 nghìn người thì chỉ giãn cách vài trăm người”. Không chỉ riêng Hà Nam, nhiều tỉnh, thành khác có dịch đã nhanh chóng thực hiện chỉ đạo này và hiệu quả thực tiễn đã rõ ràng trong những ngày qua.

Sự linh hoạt của quyết định này nhìn nhận một cách sâu xa thì chính là dựa trên sức mạnh Việt Nam. Đó là chia nhỏ ra mà đánh, khoanh nhỏ lại mà đánh và khi đã chia nhỏ ra thì sức mạnh Việt Nam là nhanh, là linh hoạt, là thích ứng, là cơ động, là tiết kiệm, là lấy yếu thắng mạnh sẽ được phát huy hiệu quả.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh 6 nguyên tắc: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế; nghiên cứu sớm có chính sách kích thích kinh tế có hiệu quả, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.

Những quyết sách chưa từng có tiền lệ

Việc chống dịch thời gian qua là chưa có tiền lệ, vì vậy công tác phòng chống dịch phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần. Trong quá trình đó, có những vấn đề cấp bách thực tiễn đặt chưa có trong các quy định của pháp luật.

Đồng hành cùng Chính phủ và cả nước phòng Chống dịch, các ĐBQH đã bấm nút thông qua Nghị quyết 30 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội tháo, mở nhiều nút thắt của pháp luật, trao quyền mạnh hơn, chưa từng có tiền lệ cho Thủ tướng, Chính phủ trong chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ,

Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.

Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan đã khẩn trương bắt tay xây dựng nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Chỉ trong vài ngày, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những nội dung khác với quy định của luật. Trong vòng vẻn vẹn hơn một ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp khẩn cho ý kiến, thông qua và Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết 268 ngay trong đêm 6/8.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 để thực hiện nghị quyết số 30 ngày 28/7 của Quốc hội khóa 15 với hàng loạt giải pháp cấp bách; các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”.

Nghị quyết nêu rõ, kể từ ngày bắt đầu giãn cách trong thời hạn 14 ngày, các địa phương phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất…

Chiều 24/9, lần thứ hai Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã ra đời ngay trong tối đó.

Tiếp đó, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng từ Quỹ này.

Người dân TP.HCM được nhận tiền gói hỗ trợ đợt 3

Theo đó, người lao động thất nghiệp do Covid-19 được hưởng từ 1,8 – 3,3 triệu đồng tùy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong gói 30.000 tỷ đồng kết dư Quỹ. Còn người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Ngày 1/10, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Nghị quyết cho phép bổ sung 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch…

Đây cũng là những chính sách chưa từng có nhằm hỗ trợ kịp thời đến người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, thể hiện tấm lòng “một miếng khi đói bằng một gói khi no” trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước.

Gia Nguyên 

Từ khóa:
Bài mới
Đọc nhiều