Những phi vụ mờ ám của địa ốc Alibaba do ông Nguyễn Thái Luyện đứng đầu
Địa ốc Alibaba là doanh nghiệp tai tiếng có nhiều sai phạm, liên tục bị cơ quan chức năng “tuýt còi” nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động với nhiều phi vụ mờ ám.
Chiều 18/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp Công an TP.HCM kiểm tra, khám xét tại trụ sở Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba; trụ sở tại quận Thủ Đức, TP.HCM). Đồng thời lực lượng chức năng cũng thực hiện các thủ tục bắt ông Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch công ty và ông Nguyễn Thái Lĩnh – Giám đốc công ty.
Công ty cổ phần địa ốc Alibaba là doanh nghiệp tai tiếng có nhiều sai phạm, liên tục bị cơ quan chức năng “tuýt còi” nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động với nhiều phi vụ mờ ám.
Rao bán dự án “ma” ở Bình Thuận
Ngày 25/6, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết chưa hề chấp thuận đầu tư đối với dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) mà địa ốc Alibaba quảng cáo rầm rộ.
Theo quảng cáo của địa ốc Alibaba, dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City được ví là “đất nước Singapore thu nhỏ”. Dự án có quy mô 35 ha, với hơn 1.804 nền, giá bán “cực sốc” chỉ 190 triệu/nền, sau một năm thu về 38% lợi nhuận khiến nhiều người bất ngờ.
Để thu hút khách hàng, doanh nghiệp tai tiếng này còn tổ chức lễ công bố dự án và mở bán dự án dẫn khách hàng đến rừng keo tràm trên đất nông nghiệp để xem đất, sau đó thu tiền cọc của rất nhiều khách hàng.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, khu vực địa ốc Aliaba dẫn khách hàng đến xem là đất nông nghiệp trồng cây thuộc sở hữu của một công dân. Sở sẽ sớm ban hành công văn cảnh báo người dân cũng như đề nghị các xã, phường siết chặt việc quản lý đất đai trên địa bàn.
Bị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu “điểm mặt” vì làm ăn gian dối
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn gửi các sở, ban ngành về việc một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có dấu hiệu huy động vốn trái phép, quảng cáo, giới thiệu các dự án trái với quy định của pháp luật nhằm lừa đảo khách hàng, nhà đầu tư.
Tại văn bản này, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đích danh địa ốc Alibaba là doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản; gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng như: Tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định; chưa thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn theo quy định.
Ngoài ra, địa ốc Alibaba còn thực hiện việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong dự án không đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; huy động vốn, sử dụng vốn huy động chưa công khai, minh bạch, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, chính xác.
Trên website của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba hiện đang quảng cáo mở bán hàng nghìn đất nền của các dự án như Alibaba Tân Thành Center City 1 đến Alibaba Tân Thành Center City 6 (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với những lời quảng cáo “có cánh” nhằm huy động vốn của khách hàng.
Trả lời VTC News, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, trên địa bàn tỉnh không có bất kì dự án nào của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Vị này cũng khuyến cáo người dân, khách hàng cần thận trọng khi mua đất nền do Công ty cổ phần địa ốc Alibaba chào bán.
Quảng cáo sai sự thật tại Đồng Nai
UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp báo, khẳng định chính quyền không có quyết định giao đất cho địa ốc Alibaba tại huyện Long Thành.
Tại cuộc họp, ông Võ Văn Chánh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, địa ốc Alibaba đã thực hiện việc quảng cáo trên mạng sai sự thật, kéo khách hàng mua bán tại địa bàn huyện Long Thành gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trước tình hình này, tỉnh Đồng Nai phải công bố kết quả xác minh để người dân hiểu về các dự án của công ty này, để tránh bị thiệt hại.
Qua rà soát, chính quyền Đồng Nai xác định có 19 khu đất với diện tích khoảng 75 ha nằm ở 6 xã Phước Bình, An Phước, Long Phước, Phước Thái, Bàu Cạn, Tân Hiệp. Trong 19 khu đất này, có 11 khu đất do ông Nguyễn Thái Lĩnh – giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba – đứng tên là người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 3 khu đất đứng tên vợ ông Lĩnh và em ông Lĩnh.
Hiện chính quyền đã phát hiện tại 6 khu đất do ông Lĩnh và người thân đứng tên đã tự ý đổ đá làm đường giao thông trên đất nông nghiệp, gắn biển quảng cáo phân lô, bán nền.
Các hành vi của địa ốc Alibaba bị xử lý vi phạm hành chính chuyển mục đích sử dụng đất trái phép như tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp, tự ý san ủi làm đường giao thông trên đất nông nghiệp khi chưa được phép.
Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc địa ốc Alibaba tự đo vẽ bản đồ, phân lô, bán nền không đúng hiện trạng đất và cam kết ra sổ đỏ với khách hàng là sai quy định, có biểu hiện vi phạm quy định về sử dụng đất đai và có biểu hiện lừa đảo khách hàng.
Hiện Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để tiếp tục làm việc với các cá nhân, tổ chức có liên quan để xác minh, xử lý vụ việc.
Nhiều sai phạm tại dự án Ali Mega Xuân Lộc
UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã có công văn gửi các cơ quan đơn vị, chủ tịch UBND các xã, thị trấn thông báo về việc địa ốc Alibaba rao bán đất nền tại dự án có tên gọi là Ali Mega Xuân Lộc không đúng sự thật.
Cụ thể, văn bản ghi rõ, qua phản ánh của người dân và rà soát thông tin trên các trang rao bán bất động sản, cơ quan chức năng phát hiện địa ốc Alibaba đang quảng cáo rao bán nền đất tại địa bàn xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Cụ thể là “siêu” dự án Ali Mega Xuân Lộc với quy mô được rao lên đến 85ha chia thành 2000 nền đất.
Dự án được quảng cáo là một siêu phẩm với mức giá siêu rẻ, chỉ từ 400 – 450 triệu đồng/nền 500m2 (đã có sổ riêng), nhà phố diện 100m2 chỉ có giá 240 triệu đồng.
Tuy nhiên, UBND huyện Xuân Lộc khẳng định, hiện nay huyện Xuân Lộc chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với dự án Ali Mega Xuân Lộc tại xã Xuân Hưng.
Đến nay tỉnh Đồng Nai chưa ban hành quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chấp thuận đầu tư cho địa ốc Alibaba thuê đất để thực hiện dự án Ali Mega Xuân Lộc và dự án đất ở tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Xuân Lộc.
Do đó, để tránh thiệt hại và đảm bảo quyền lợi của người dân, huyện Xuân Lộc yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức biết việc địa ốc Alibaba quảng cáo trên mạng về bán đất nền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Xuân Lộc là sai sự thật.
Cản trở, đập phá phương tiện của đoàn cưỡng chế
Ngày 13/6, UBND thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) phối hợp với các phường, xã đồng loạt tổ chức cưỡng chế, buộc tháo dỡ đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Cụ thể, tại xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ), UBND xã này ra quân tháo dỡ, phục hồi hiện trạng khu đất nông nghiệp rộng hơn 4ha được xây dựng đường nội bộ, phân lô bán nền ở khu phố 4 (phường Hắc Dịch), các khu đất tại xã Tóc Tiên, xã Mỹ Xuân…
Đáng nói, trong lúc thực hiện việc cưỡng chế tại xã Tóc Tiên, gần 100 nhân viên địa ốc Alibaba có hành vi ngăn chặn, chống đối bằng cách dùng gạch, đá đập phá xe cuốc, xe cẩu của đoàn cưỡng chế.
Trước sự chống đối của gần 100 nhân viên địa ốc Alibaba, chính quyền phải yêu cầu bổ sung thêm lực lượng, với khoảng 20 chiến sĩ cảnh sát cơ động linh hoạt phối hợp với lực lượng công an địa phương trấn áp, nhằm đảm bảo an ninh trật tự khu vực.
Chiều cùng ngày, Công an thị xã Phú Mỹ đã tạm giữ 10 nhân viên của địa ốc Alibaba để làm rõ về hành vi huỷ hoại tài sản, chống người thi hành công vụ khi lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế các dự án phân lô bán nền đất nông nghiệp trên địa bàn.
Lộng ngôn, xúc phạm cán bộ nhà nước
Ngày 24/6, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại hình ảnh một người đàn ông có lời lẽ xúc phạm công an, cán bộ cơ quan Nhà nước khiến nhiều người bức xúc.
“Tôi hỏi anh chị là học cái gì để ra làm công an xã, học cái gì, học ngu ra làm công an xã. Các anh chị để ý mấy thằng quậy phá làng, phá xóm không làm cái gì thì kêu vô làm công an xã. Học cái gì ra làm chủ tịch xã, học làm côn đồ.
Mấy người làm công an xã, chủ tịch xã thì chạy chọt rồi lên vị trí, không học hành, không trình độ gì hết”, người này nói.
Qua xác minh, người có những lời lẽ ngông cuồng này là ông Nguyễn Thái Luyện – Tổng Giám đốc địa ốc Alibaba. Phát ngôn khiến nhiều người bức xúc này được ông Luyện chia sẻ tại buổi toạ đàm với nhân viên ở trụ sở công ty (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào ngày 17/6/2019.
Được biết, lý do khiến ông Luyện có những lời lẽ xúc phạm cán bộ nhà nước là do trước đó, công ty này đã bị chính quyền thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) cưỡng chế do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Mở văn phòng trái phép tại Đồng Nai
Dù chưa được cấp phép mở chi nhánh văn phòng tại Biên Hòa (Đồng Nai) nhưng Công ty Địa ốc Alibaba vẫn tổ chức khai trương rầm rộ sáng 8/9. Văn phòng chi nhánh mới này được mở tại số 96B Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa.
Khi phát hiện Alibaba tổ chức lễ khai trương rầm rộ, Tổ kiểm tra liên ngành phường Tân Tiến đã đến nơi để làm rõ tình hình.
Qua kiểm tra, địa điểm số 96B Nguyễn Ái Quốc được đăng ký trên giấy phép kinh doanh của Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển 108, người đứng đầu chi nhánh là bà Phạm Thị Ánh Hoan.
Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển 108 có trụ sở chính tại tổ 1, ấp 3, xã Phước Thái (huyện Long Thành).
Ông Bùi Văn Âu, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tiến, cho biết tại thời điểm khai trương, đoàn kiểm tra ghi nhận biển hiệu trước trụ sở có ghi “Tập đoàn địa ốc Alibaba” khổ chữ lớn và phía dưới có dòng chữ nhỏ “Chi nhánh Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển 108”.
Cơ quan chức năng yêu cầu chi nhánh Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển 108 tháo dỡ ngay biển hiệu liên quan đến Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Hữu Nguyên, cho biết đơn vị chỉ cấp phép địa điểm trên thuộc Chi nhánh Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển 108, không có liên quan đến Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Vì thế, địa ốc Alibaba trưng biển hiệu Tập đoàn địa ốc Alibaba là sai quy định.
Thời gian qua, Công ty Alibaba đã rao bán đất nền của 29 dự án tại Đồng Nai. Trong đó có 27 dự án tại huyện Long Thành, một dự án ở huyện Xuân Lộc và một dự án ở huyện Nhơn Trạch.
Tỉnh Đồng Nai khẳng định tất cả dự án trên chính quyền tỉnh Đồng Nai chưa ban hành bất cứ một quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chủ trương đầu tư, giao đất hay cho thuê đất để Alibaba thực hiện dự án.
Thy Huệ/VTC News