+
Aa
-
like
comment

Những ồn ào không đáng có về bằng lái xe A1, B1

06/07/2020 10:21

Từ nội dung trả lời phỏng vấn báo chí của một vụ trưởng thuộc Tổng cục Đường bộ – Bộ GTVT, nhiều người mới rõ hai việc.

Đó là không có việc người có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1 không được chạy xe máy 150cc (như Honda SH, Honda Winner); không có việc người có bằng B1 không được lái ô tô…

Từ chỗ bất an về việc sẽ có lắm rắc rối, xáo trộn do quy định thay đổi, giờ khi được giải thích rõ hơn thì nhiều người đã thở phào. Nỗi lo giảm đi rất nhiều khi người có trách nhiệm trên khẳng định việc điều chỉnh phân hạng GPLX không làm phát sinh thủ tục, chi phí cho người dân. Sự bực dọc bớt đáng kể với xác nhận những người đã được cấp GPLX vẫn được phép tiếp tục sử dụng GPLX ấy cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên GPLX (GPLX hạng A1 thì không thời hạn).

Dự thảo mới của Bộ Công an chia GPLX thành 17 hạng khác nhau thay vì 13 hạng như hiện nay. (Ảnh: TUYẾN PHAN)

Đã có ý kiến cho là một số tờ báo khi không hiểu đúng dự kiến của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) về việc tăng hạng GPLX đã vội đưa thông tin không đầy đủ, không chính xác khiến dư luận xôn xao, hoang mang. Từ lỗi đưa thông tin cắt khúc như thế, Bộ GTVT là cơ quan tham gia soạn thảo dự luật trên đã bị chỉ trích…

Ý kiến phê bình này rất xác đáng nên báo chí sẽ phải tác nghiệp chuyên nghiệp và có trách nhiệm hơn với bạn đọc để không lặp lại cái sai tương tự.

Thế nhưng, chỉ mỗi báo chí nỗ lực thì chưa đủ. Chính Bộ GTVT hay các bộ khác cũng cần phải nhanh chóng thay đổi cách làm luật, nghị định… để báo chí và người dân sớm hiểu đúng nhiều nội dung của các văn bản pháp quy.

Chỉ khi hiểu đúng mục đích, yêu cầu của các quy định, báo chí và người dân mới có thể góp ý có chất lượng, các đồng thuận hay phản đối sẽ được dựa trên những căn cứ thuyết phục, giúp cho các văn bản được hoàn chỉnh sát hợp hơn với thực tiễn.

Theo đó, trước khi đưa lên các trang thông tin điện tử toàn văn dự thảo luật hay nghị định, thông tư với nhiều điều khoản đôi lúc khá rối rắm, khó nắm bắt, các bộ có thể tổ chức họp báo giới thiệu, giải thích tường tận sự cần thiết ban hành và các nội dung quan trọng của quy định mới trong dự thảo.

Cùng với đó, các bộ cần cung cấp những thông tin bổ trợ khác, như quy định đó được đề ra dựa trên cơ sở nào (theo luật trong nước hay theo các điều ước quốc tế…); những nghiên cứu, khảo sát về sự ảnh hưởng, tác động của quy định đến những người có liên quan trực tiếp. Cạnh đó là những lợi ích, khó khăn của việc thực thi và giải pháp để hạn chế các trở ngại cho những người phải thực thi…

Với cách thông tin rõ ràng ngay từ đầu này, các cơ quan chức năng có thể kịp thời dập tắt những suy diễn như ngồi phòng lạnh sáng tác chính sách, những bất an về sự hồi tố
vô lý.

Đơn cử, Bộ GTVT có thể cắt nghĩa tại sao Bộ, Chính phủ muốn tăng hạng GPLX từ 12 thành 17, việc giữ nguyên giá trị của những GPLX hiện hành… Văn bản được đối chiếu ắt là Công ước giao thông đường bộ, là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, các hạng GPLX mới nếu được Quốc hội thông qua thì chỉ được áp dụng từ thời điểm luật sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Cũng theo đó, không có việc quy định sửa đổi có hiệu lực trở về trước trong trường hợp gây bất lợi cho người dân (như quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý; quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn). Và như thế, nếu luật sửa đổi không nêu lại nguyên tắc này thì nghị định hướng dẫn luật sửa đổi sẽ có thể có điều khoản chuyển tiếp để khẳng định sự có lợi đó.

Còn nhớ trước đây khi dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ban đầu bắt buộc người đi xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày, cũng vì không rõ lý do mà đã có lắm mắng nhiếc trong dư luận. Chừng khi báo chí đi tìm được lời giải từ đại diện Bộ GTVT rằng không phải bộ tự đề ra mà là làm theo Công ước giao thông đường bộ, mọi người dần hiểu đòi hỏi đó nhằm để bảo vệ chứ không phải gây khó cho người chạy xe máy.

Sau nữa, từ những góp ý tích cực dựa trên việc hiểu đúng, ban soạn thảo luật đã có những điều chỉnh phù hợp hơn. Thay cho việc bắt người chạy xe máy bật đèn nhận diện suốt ngày, dự thảo mới đổi thành yêu cầu mô tô, xe gắn máy phải có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông. Đây sẽ là cơ sở để các hãng sản xuất xe phải lưu ý thiết kế theo quy chuẩn mới đối với mô tô, xe máy sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam.

Tóm lại, thay vì chờ có ồn ào mới thụ động lên tiếng, các bộ sẽ chủ động công bố thông tin ngay và luôn để góp phần kéo giảm những phiền phức không đáng có trong việc xây dựng các chính sách vì quyền lợi chung.

PV/VNN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều