+
Aa
-
like
comment

Những nước không thân thiện với Nga

07/03/2022 23:11

Những lời cảnh báo nghiêm khắc của ông Putin đang gây ra lo ngại ở phương Tây. Nhiều nước cho rằng việc đẩy Nga vào chân tường sẽ vấp phải những đòn phản công không thể chịu nổi.

“Cảnh báo rõ ràng và đe dọa nghiêm trọng”

Với tiêu đề “Nhằm vào Hoa Kỳ và NATO: Ông Putin một lần nữa đưa ra cảnh báo rõ ràng và đe dọa nghiêm trọng”, bài báo được đăng ngày 6/3 trên tờ “Süddeutsche Zeitung” của Đức nhận định, phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/3 một lần nữa khiến phương Tây lo lắng.

Ngày 6/3, ông Putin đã gặp gỡ đại diện các nữ phi công và tiếp viên trong ngành hàng không Nga nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, và còn mỉm cười khi uống trà.

Thông qua các phương tiện truyền thông có mặt tại đó, ông Putin rõ ràng đã cảnh báo phương Tây về việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời nói rằng bất kỳ hành động nào trong vấn đề này sẽ bị Nga coi là sự can thiệp của nước đó vào cuộc chiến.

Ông Putin cũng chỉ trích mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của phương Tây: “Nhân tiện, những lệnh trừng phạt mà phương Tây đang thực hiện này, chúng giống như một lời tuyên chiến”. Nhưng ông Putin cũng nói thêm rằng, ông hy vọng sẽ không đến bước đó, bởi vì (phương Tây) nên hiểu rằng điều này sẽ đe dọa cả thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu

Hãng tin AP (Mỹ) đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tối ngày 5/5.

Vài giờ trước đó, ông Zelensky đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với một số nhà lập pháp Mỹ. Trong cuộc họp đó, ông Zelensky một lần nữa kêu gọi Mỹ hỗ trợ thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, đồng thời gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, bao gồm cả các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, trong thông tin không đề cập đến việc ông Biden có nhắc đến vấn đề vùng cấm bay trong cuộc điện đàm với ông Zelensky hay không.

Kênh CNN (Mỹ) đưa tin, Mỹ và NATO đã nói rõ rằng họ sẽ không áp đặt vùng cấm bay hoặc đưa quân tới Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong cuộc họp báo ngày 4/3: “Cách duy nhất để thực hiện một vùng cấm bay tương tự là đưa máy bay NATO vào không phận Ukraine và bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga, điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu. Tổng thống Biden luôn nói rõ rằng chúng tôi không có ý định gây chiến với Nga”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại cuộc họp ngoại trưởng đặc biệt của NATO cùng ngày rằng, việc thiết lập vùng cấm bay sẽ dẫn đến leo thang xung đột giữa Nga và Ukraine, từ trong lãnh thổ Ukraine thành một “cuộc chiến tranh man rợ khắp châu Âu”.

“Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này và chúng tôi cần phải tránh để xung đột này leo thang và lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine”, ông Stoltenberg nói.

Về vấn đề này, Tổng thống Ukraine Zelensky đã không thể không phàn nàn khi có bài phát biểu trực tuyến vào ngày 4/3: “Tôi không biết, NATO có thể bảo vệ được ai? Liệu NATO có còn khả năng bảo vệ các quốc gia thành viên hay không?”

Ông Zelensky cho biết, NATO chỉ cung cấp 50 tấn dầu diesel cho Ukraine. “Chỗ nhiên liệu này đủ để chúng tôi đốt cháy Bản ghi nhớ Budapest (bản ghi nhớ do Mỹ và Anh ký với Ukraine năm 1994, đổi lại việc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân và đảm bảo việc bảo vệ Ukraine khỏi sự xâm lược quân sự – Thời báo Hoàn cầu). Đối với chúng tôi, bản ghi nhớ này đã cháy thành tro”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu

Anh có thể đứng đầu “danh sách không thân thiện

“Thời báo Hoàn cầu nhận định, đối với Mỹ và phương Tây, điều duy nhất có thể làm lúc này là tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Một phát ngôn viên Nhà Trắng ngày 5/3 cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine vào ngày hôm đó, Tổng thống Biden đã “nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh và đối tác của họ sẽ tiếp tục hành động nhằm tăng chi phí cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine”, và đặc biệt đề cập đến quyết định đình chỉ dịch vụ tại Nga của hai nhà cung cấp thẻ tín dụng Visa và Mastercard cùng ngày.

Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho rằng, quyết định của hai công ty thẻ tín dụng quốc tế sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến những người nước ngoài sống ở Nga. Người dân Nga ít bị ảnh hưởng hơn, vì họ nếu có sử dụng thẻ tín dụng mang logo Visa và Mastercard, thì giao dịch vẫn có thể được thực hiện thông qua hệ thống thanh toán trong nước của Nga. Quyết định của Visa và Mastercard có thể khiến hai công ty này thiệt hại gần 1 tỷ USD doanh thu ròng mỗi năm.

Thẻ Visa và Mastercard. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu

Trên thực tế, ngày càng nhiều công ty phải trả giá khi tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga.

Theo kết quả khảo sát do Phòng Thương mại Trung ương Phần Lan công bố vào ngày 6/3, khoảng 80% trong số 120 công ty được khảo sát tin rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có tác động tiêu cực đến công ty của họ và 24% trong số đó tin rằng họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tờ Financial Times (Anh) đưa tin, các nhà đầu tư phương Tây sẽ mất tới 170 tỷ USD do giá cổ phiếu của nhiều công ty Nga niêm yết tại phương Tây giảm mạnh do các lệnh trừng phạt. Theo tờ báo, BlackRock – một trong những công ty đầu tư lớn nhất tại Mỹ – vừa mới mua lại cổ phần của công ty khai thác vàng Polymetal của Nga, và giá cổ phiếu của công ty này đã giảm hơn 70% trong những ngày gần đây.

Những người duy nhất được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể là các công ty dầu khí phương Tây nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga rồi bán lại với giá cao.

Shell – công ty dầu mỏ lớn nhất châu Âu – đã mua một lô dầu thô của Nga với giá thấp hơn giá chuẩn, mức chiết khấu kỷ lục 28 USD/thùng. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã có bình luận trên Twitter vào ngày 5/3 rằng, dầu “có mùi máu của người dân Ukraine”. Đáp lại, Shell cho biết, họ sẽ tiếp tục mua dầu của Nga, nhưng sẽ sử dụng một phần lợi nhuận để giúp đỡ dân tị nạn Ukraine.

Tờ “Quan điểm” của Nga ngày 6/3 đưa tin, trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Putin đã chỉ thị rõ ràng cho chính phủ nước này trong vòng 2 ngày phải xác định “danh sách các quốc gia không thân thiện”. Tờ báo dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Anh sẽ đứng đầu “danh sách các quốc gia không thân thiện”; Đức, Ba Lan và một số quốc gia khác cũng sẽ được đưa vào danh sách.

Mỹ âm thầm lập “kế hoạch đối phó khẩn cấp”

Trong khi chống trả lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, ngày 5/5, Tổng thống Putin cho biết: “Nhiệm vụ phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine gần như đã hoàn thành”.

Ông nói: “Quân đội của chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đã được xác định. Tôi không hề nghi ngờ gì về điều đó. Toàn bộ quá trình của chiến dịch quân sự đặc biệt cho thấy mọi thứ đang được tiến hành theo đúng kế hoạch và thời gian do Bộ Tổng tham mưu lập ra”.

Ông Putin cũng cảnh báo rằng, các nhà chức trách Kiev nên biết rõ một điều: “Nếu tiếp tục chống đối, địa vị quốc gia của Ukraine có thể sẽ không được đảm bảo”.

Thiếu tướng Igor Konashenkov – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga – ngày 6/3 cho biết, trước sự tấn công mạnh mẽ của quân đội Nga, sau một ngày đã có thêm 61 cơ sở quân sự ở Ukraine bị phá hủy.

Ông Konashenkov trước đó cho biết, do chính phủ Ukraine không có ý định can ngăn những người theo chủ nghĩa dân tộc nên quân đội Nga đã nối lại cuộc tấn công từ 18h ngày 5/5.

Ông Konashenkov cho biết thêm, phía Nga đã mở các “hành lang nhân đạo” cho người dân Mariupol và Volnovaha, nhưng người dân hai nơi này đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc ngăn cản và không thể rời đi qua các hành lang này.

Thiếu tướng Igor Konashenkov – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu

Ông David Arahamia – Chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng Công chức Nhân dân cầm quyền Ukraine, người đã tham gia hai vòng đàm phán đầu tiên – cho biết trên mạng xã hội vào ngày 5/3 rằng, Ukraine và Nga sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ ba vào ngày 7/3. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông quốc tế dường như ít chú ý đến các vòng đàm phán mới. Rốt cuộc, những gì có thể đạt được trên bàn đàm phán phụ thuộc vào tình hình chiến trường.

Tờ Washington Post (Mỹ) ngày 5/3 đưa tin, Mỹ và các đồng minh đang âm thầm lập “kế hoạch đối phó khẩn cấp” để chuẩn bị cho tình huống chính phủ Ukraine buộc phải lưu vong nếu chiến dịch quân sự của Nga thành công.

Đài NBC (Mỹ) cho biết, một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đã gặp cựu Cố vấn an ninh quốc gia Robert C. O’Brien vào ngày 5/3 để thảo luận về việc đưa chính phủ của ông Zelensky đi lưu vong.

Các nhà lập pháp cho biết, việc giữ ông Zelensky ở lại Ukraine có “giá trị đáng kể”, bao gồm “lợi thế chính trị”, “lợi thế hình ảnh” và “lợi thế về tinh thần”, nhưng nếu tính mạng của ông ta “gặp rủi ro” thì sẽ không có giá trị gì hết.

Tờ The Sun (Anh) ngày 6/3 đưa tin, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Anh đang chuẩn bị thực hiện chiến dịch hỗ trợ sơ tán Tổng thống Ukraine Zelensky.

Các nguồn tin cho biết, 150 lính SEAL của Hải quân Mỹ và 70 lính thuộc Lực lượng Không quân đặc biệt Anh dự kiến tham gia chiến dịch hiện đang tiến hành huấn luyện chung với quân đội Ukraine tại một căn cứ quân sự ở Lithuania.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 5/3 đưa ra tuyên bố: “Xung đột Nga – Ukraine sẽ có tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu”, đồng thời cảnh báo rằng giá năng lượng và lương thực tăng cao do xung đột gây ra sẽ có tác động toàn cầu. Hiện tại, giá dầu thô giao tháng 4 trên sàn giao dịch thương mại New York đã vượt quá 115 USD/thùng và giá lúa mì trên sàn giao dịch thương mại Chicago đã tăng hơn 40% trong tuần này.

Kênh CNN cho biết, kể từ khi Nga “xâm lược” Ukraine, trật tự thế giới đang có những thay đổi sâu sắc. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, cuộc xung đột lần này đã tạo ra một “dấu chấm than bạo lực”, và trật tự địa chính trị của thế giới chắc chắn sẽ trải qua những thay đổi lớn.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều