+
Aa
-
like
comment

Những nông dân lệ thuộc vào hóa chất

17/07/2020 05:01

Bà Thêu cầm trên tay chai thuốc diệt cỏ chứa paraquat, loại hóa chất đã bị cấm sử dụng: “Tôi không cần biết loại gì, hết cỏ là được”.

Vòng xoáy thuốc trừ sâu trên những cánh đồng

Chai thuốc của bà Thêu giá 25.000 đồng, ghi dòng chữ nhòe nhoẹt sai chính tả, “Thuốc trừ cỏ không trọn lọc”, trên nhãn ghi thành phần paraquat dichloride 210g/l, hoạt chất cực độc đã bị Việt Nam cấm buôn bán và sử dụng trong nông nghiệp từ năm 2017.

Một trong những chai thuốc diệt cỏ bà Thêu dùng, trên nhãn ghi có chứa Paraquat, hoạt chất cực độc đã bị cấm dùng tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Huế.
Một trong những chai thuốc diệt cỏ bà Thêu dùng, trên nhãn ghi có chứa Paraquat, hoạt chất cực độc đã bị cấm dùng tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Huế.

Người nông dân Tây Tựu, Bắc Từ Liêm có khoảng nửa sào Bắc Bộ trồng rau xà lách. Vợ chồng bà trước cũng thuê 8 sào ở xã bên để trồng hoa. Nhưng mùa đông 2015, ông Hữu đang phun thuốc cho hoa đồng tiền thì ngã ra ruộng, “thấy bác sĩ bảo bị tiền đình”. Từ đấy chân tay ông lúc nào cũng run rẩy, tháng lên khoa thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai nằm đôi lần. Bà Thêu trả lại 8 sào ruộng thuê vì không còn người phun thuốc sâu.

“Trồng hồng trồng cúc, đôi ngày không bơm là mất ăn”, bà Thêu rút ra kết luận về đời trồng hoa. Bà quay lại trồng rau. Nhưng vẫn không thể rời được những chai thuốc bảo vệ thực vật mà bà “không biết là loại gì”, chỉ phân biệt qua giá tiền và màu sắc.

Một sáng cuối tháng 5/2020, bà Thêu gói hai lọ “diệt cỏ 25 nghìn” và một lọ “diệt cỏ 65 nghìn” vào túi nylon cùng hai chai nước uống, vác bình phun ra đồng. Con gái lớn của bà có 2 hecta đất trồng hoa ly, đưa mẹ 3 chai thuốc và dặn: “Loại siêu cỏ cháy này đa năng, diệt cỏ gì cũng chết”.

Thị trường thuốc độc

Paraquat là một đại diện cho tiêu chuẩn kiểu Trung Quốc: nước này cấm hoàn toàn việc sử dụng paraquat trong nội địa từ năm 2012, nhưng vẫn cho phép sản xuất để xuất khẩu. Hiện nay, họ cung cấp 80% nhu cầu toàn thế giới về paraquat.

Việc tiếp xúc với paraquat được nghiên cứu ở nhiều nước, trong đó có Viện sức khỏe Hoa Kỳ, khẳng định có liên hệ với bệnh Parkinson. Khi uống trực tiếp, nó là một loại thuốc độc nổi tiếng. Trong các thập kỷ trước, từ Nhật Bản đến Việt Nam, uống paraquat là biện pháp tự tử phổ biến. Thậm chí, Hàn Quốc thống kê tỷ lệ tự tử ở nước này đã giảm 10% sau khi họ cấm paraquat vào năm 2011.

Trong suốt nhiều thập niên, những nông dân Việt Nam đã lệ thuộc vào hóa chất diệt cỏ trứ danh này để duy trì sinh kế. Việt Nam loại paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng từ năm 2017. Nhưng những người như bà Thêu không biết lệnh cấm mới này: bà chưa bao giờ quan tâm “hoạt chất” bên trong chai thuốc là gì – mà phân biệt chúng bằng khả năng diệt cỏ.

Bà Thêu làm đất, trừ cỏ trước khi trồng vụ xà lách mới. Ảnh: Thanh Huế.
Bà Thêu làm đất, trừ cỏ trước khi trồng vụ xà lách mới. Ảnh: Thanh Huế.

Chai thuốc của bà Thêu được sản xuất tại Trung Quốc, đóng gói, đặt tên “thương hiệu” bởi một công ty tại Long An và không khó để tìm thấy trên một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, mục “Đồ dùng làm vườn”. Lần ngược về thông tin các nhà sản xuất tại Trung Quốc, dễ dàng thấy những đoạn giới thiệu tự hào về việc “sản xuất PARAQUAT bằng công nghệ mới, với sản lượng 3000 mét khối mỗi năm” (trích giới thiệu của công ty Hóa chất Hesenta Quảng Châu).

Trên thân chai “diệt cỏ 25 nghìn” ghi hướng dẫn sử dụng “Cỏ thấp hơn 20 cm: pha 125 ml/bình 20- 25 lít nước, phun 2 bình cho 1.000 m2”. Với 1,7 sào, tương đương 600 m2, trên lý thuyết bà Thêu chỉ cần pha 1 chai, phun 1 bình. Nhưng để “ăn chắc” cỏ không mọc như thửa ruộng hàng xóm, bà phun hết cả 3 chai.

Có dạo, hợp tác xã tặng cho bà vài gói thuốc cỏ sinh học. “Không biết tốt cho sức khỏe không, nhưng “không nhạy” bằng cái loại tôi đang dùng”, bà kết luận. Mấy gói thuốc được tặng giờ vẫn nằm xó bếp sau năm sáu vụ rau. Bà Thêu không có ý định dùng lại.

Cách Tây Tựu gần 2.000 km, lão nông 50 tuổi, Phan Biền đứng giữa ruộng rau thơm trên cù lao dọc sông Hậu. Nếm sương đọng trên lá thấy mằn mặn do sương muối, ông lắp máy bơm tưới nước khắp ruộng. Hai công đất rộng 2.000 m2 ông thuê của người Chăm với giá 5 triệu đồng mỗi năm, ở xã Khánh Hòa, (huyện Châu Phú), đất chuyên canh rau màu và cây ăn quả của An Giang.

Ông lôi từ vách chòi một bọc lổm cổm chai lọ, gói thuốc trừ sâu, phân bón, rồi chọn lấy hai món. Một lọ lão gọi là “đầu trâu”, trên nhãn ghi chứa Paraquat, chất cấm tương tự lọ thuốc bà Thêu dùng. Lão nông mua chai thuốc giá 100.000 đồng nửa lít. Chai xanh nắp đỏ còn lại, ông Biền chả nhớ tên, nhãn ghi chứa glyphosate, cũng nằm trong danh mục hoạt chất cấm.

Ông tin rằng nếu rau trên rẫy nhà mình đem đi đo lường thế nào cũng bị nói là nhiễm chất độc bởi xịt thuốc, hóa chất quá nhiều.”Cây rau mình bị bệnh gì thì cầm nó ra ngoài tiệm thuốc hỏi, người ta sẽ chỉ cho, chứ mình đâu biết thuốc gì đâu, xịt nhiều loại lắm”, nông dân có nhu cầu, đại lý sẽ đưa cho loại mạnh nhất, có hiệu quả lần sau còn đến mua. Còn các loại thuốc cấm, đại lý chỉ bán cho người quen. Nông dân như ông Biền không mấy bận tâm đến chai thuốc hiệu gì. Họ gọi nó bằng những tên phổ biến, “lô găng”, “mãnh hổ”, thuốc tăng trưởng “trái cà”.

Rau ăn lá có vòng đời một tháng, rau thơm tháng rưỡi. Nhưng ông Biền than, rau ăn lá giá “bèo”, nhiều sâu bệnh hại. Hành lá là loại khó trồng nhất, chuyên bị sâu xanh da láng, bệnh “mắt én”, dễ đốm, đục lỗ toàn thân.

Từ lúc trồng đến khi nhổ khoảng 40-50 ngày, ông Biền phải xịt trên dưới mười cữ, tức là cứ 4 ngày một lần. Tuần rồi, chỉ trong vòng bảy ngày, ông đã phải vác bình phun ra ruộng ba lần. Ông bảo, muốn biết thuốc có độc mạnh hay không, chỉ cần chấm đầu ngón tay vào thuốc rồi nếm thử, càng mặn thì thuốc càng mạnh.

Chai thuốc mà ông Biền sử dụng cũng có chứa hoạt chất cấm Paraquat. Ảnh: Thu Ngân.
Chai thuốc mà ông Biền sử dụng trên nhãn có ghi hoạt chất cấm paraquat. Ảnh: Thu Ngân.

“Không dùng mới chết”

Thi thoảng, ông Biền tham gia lớp tập huấn ở địa phương. Trong lớp học, người ta khuyên dùng thuốc sinh học. “Nhưng giá thành cao, tác dụng chậm, sâu ăn hết lá thì mới chết”, ông lắc đầu.

Bà Nga, vợ ông cùng người làm công ngồi cắt, bó rau kịp giao cho thương lái. Trúng vụ hành lá, ông lời được 8 triệu, cải xanh 5 triệu. Xui thì còn một nửa, có khi lỗ vốn, lấy cái này bù cái kia để mua giống, thuốc sâu, phân bón, tiếp tục vòng quay làm rau, năm này qua năm khác.

Mười năm trồng rau trên cù lao Khánh Hòa, dọc bờ Nam sông Hậu, ông Biền không còn trông thấy bóng dáng cánh cam, muồm muỗm, ễnh ương. Ông tin rằng, phun thuốc như thế thì sâu chết, mà các loài thiên địch của sâu cũng không sống nổi. “Đất ở đây cũng ô nhiễm hết, vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật triền miên”, lão nông tự nhìn nhận.

Ba ngày sau phun bình thuốc cuối cùng, ông Biền cắt rau bán cho thương lái. Họ xuất đi đâu ông không biết, cũng chưa bao giờ quan tâm. Mỗi tháng, hai công ruộng xuất khoảng 5 tấn rau. Rau từ ruộng ông Biền sẽ theo xe thương lái về chợ Châu Long, đến mâm cơm nhiều gia đình ở TP Châu Đốc. Một phần xuống Cần Thơ hoặc sang Campuchia. Quá nửa số còn lại lên Sài Gòn, đổ về chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh.

Ở TP HCM, số lượng rau được trồng tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12… chỉ đáp ứng khoảng 20-40% sản lượng tiêu thụ của 9 triệu cư dân thành phố. Số còn lại phải nhập từ ngoại tỉnh, như Lâm Đồng, An Giang…

Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện năm 2017 thống kê, khoảng 20% nông dân đang sử dụng thuốc trừ sâu vi phạm các quy định hiện hành, sử dụng thuốc trừ sâu bất hợp pháp nhập khẩu, cấm hoặc thậm chí giả mạo.

Khảo sát còn cho thấy một vấn đề khác trong thói quen của người nông dân, khi bao bì đựng thuốc hóa học sau khi sử dụng được thải ngay tại chỗ, cùng với các hóa chất còn sót lại, trực tiếp vào cánh đồng, kênh rạch và suối. Năm 2013, chỉ có 17% nông dân được hỏi cho biết họ có thu thập bao bì thuốc để chôn hoặc tái chế.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật nhận định “chuyện người dân lưu trữ chất cấm trong nhà và sử dụng trái phép rất khó quản lý, vì khi đó đã là tài sản cá nhân. Về luật, không được bán trên thị trường, nếu vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc cấm thì hoàn toàn do nhận thức của người dân”.

Bà Lưu Thị Hằng, Trưởng phòng thanh tra pháp chế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng: “Phạt người sử dụng chỉ là phần ngọn, để giải quyết gốc rễ vấn đề thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu phải phụ thuộc vào nhiều cơ quan chức năng và đặc biệt là ý thức của người dân”.

Các quan sát viên của World Bank nhận định rằng một trong những vấn đề của việc quản lý thuốc trừ sâu, là chính các nông hộ nhỏ “đôi khi thiếu năng lực về tài chính, không gian vật lý hoặc kỹ năng và chuyên môn để áp dụng các công nghệ hoặc thực tiễn nhất định và đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định”.

Tổ chức này khuyến nghị chính phủ Việt Nam sử dụng thêm “củ cà rốt” bên cạnh “cây gậy”. Đó có thể là cách khuyến khích kinh tế, các phương pháp trồng trọt mới giúp giảm chi phí, giảm ô nhiễm nhưng không giảm năng suất – thứ mà những người như ông Biền hay bà Thêu chưa biết, hoặc chưa thể hiểu.

Trong căn chòi dựng tạm cạnh vườn rau, ông Biền đung đưa võng nghỉ ngơi. Đôi bàn chân người đàn ông quen gắn bó với ruộng đồng to bè, móng két đầy phèn. Gương mặt ông sạm đen và đờ đẫn. Mười mấy năm ông Biền đã quen mùi phân bón, thuốc sâu giờ vẫn hay nhức đầu, chóng mặt sau mỗi lần xịt thuốc.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Phương Lam – Thu Ngân/VE

Bài mới
Đọc nhiều