Những nơi có di sản phải đi đầu, gương mẫu trong bảo vệ môi trường
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa (DSVH) thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tối 8-9, tại khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa (DSVH) thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm. Tham dự buổi lễ còn có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và đông đảo đại biểu trong và ngoài nước.
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng từ một tỉnh nghèo khi mới tái lập năm 1997, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào của vùng đất có 2 DSVH và 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO vinh danh, suốt nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã năng động, liên tục đề xướng và thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản.
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã dành nguồn lực đáng kể cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích và phát triển Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm; xây dựng điểm đến du lịch văn hóa và sinh thái nổi tiếng mang tầm quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng thường xuyên tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu nước ngoài trong công tác trùng tu di tích, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, bảo vệ và làm giàu có thêm tài nguyên bản địa.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực và thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam, của Bộ VH-TT&DL, các Bộ, ngành Trung ương trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, được tổ chức UNESCO, các tổ chức quốc tế, các Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ các nước ủng hộ và tin tưởng…
“Nhân sự kiện kỷ niệm hôm nay, chúng ta vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện Di chúc của Bác Hồ, tôi xin nhắc lại một dấu mốc lịch sử: Ngày 23-11-1945, chưa đầy 3 tháng sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn cổ tích”, trong đó coi việc bảo tồn các di sản trên toàn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược đối với công cuộc kiến thiết quốc gia. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu tầm nhìn, quan điểm, hành động và ứng xử của Bác trước từng vấn đề cụ thể, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Việt Nam. Mỗi một di sản hiện diện trên đất nước chúng ta là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại, một trong những điển hình là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn ở tỉnh Quảng Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quảng Nam là một vùng đất địa linh, nơi sinh ra các bậc anh kiệt như Hoàng Diệu, Thái Phiên, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,…
Hiếm có nơi nào trên cùng một địa phương với hơn 10.000 km2 mà có đến 2 Di sản văn hóa thế giới độc đáo, huyền bí như Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa tự nhiên khác. Đây cũng là nơi hội tụ và giao thoa nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử và tâm linh, đến từ các nền văn minh cổ đại như Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Chăm Pa, Sa Huỳnh,…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, di sản văn hóa, các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận, không chỉ đem lại sinh kế, thu nhập cho ngành Du lịch. Quan trọng và thiêng liêng hơn tất cả, đó còn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy một cách bền vững Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam tập trung làm tốt một số nội dung:
Một là, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn. Cần hướng tới những mô hình tăng trưởng bao trùm trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị di sản; luôn gắn việc giải quyết hài hòa giữa bảo vệ, phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân sinh sống trong vùng di sản. Chính điều này sẽ tác động rất tích cực trở lại đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Hai là, tăng cường nghiên cứu, sớm ban hành và thực thi hiệu quả kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định của UNESCO và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21-9-2017, quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Xây dựng, triển khai các dự án, chương trình đầu tư, nghiên cứu về bảo tồn, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước về nguồn lực, đặc biệt là về vốn, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số đối với việc quản lý, tu bổ, tôn tạo di sản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả những địa danh di sản Việt Nam, trong đó có Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm du lịch, mô hình dịch vụ một cách đa dạng, bền vững, phù hợp với bản sắc văn hóa, đảm bảo hài hòa về kinh tế – xã hội và môi trường.
Thủ tướng lưu ý bảo tồn, phát huy tốt các di sản của Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhân tố góp phần thúc đẩy có chiều sâu các quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện văn hóa, chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh. Đồng thời ngành văn hóa, thể thao và du lịch có kế hoạch kết nối các điểm đến của các di sản, trước hết là các trung tâm đô thị lớn và khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
Ngọc Thi/ CAND