+
Aa
-
like
comment

Những nhịp điệu 10 năm của Cách mạng Việt Nam

17/02/2020 09:08

Mỗi nhịp 10 năm của Cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua cho phép rút ra nhiều bài học quí, trong đó có bài học về mối quan hệ giữa cái cuối cùng với cái dài hạn, trung hạn và từng năm.

Năm 2020, Đảng tròn 90 tuổi, cách mạng Việt Nam đi được chặng đường đo bằng thời gian cũng là 90 năm. Cuộc Cách mạng nhằm đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập tự do, tiến lên CNXH với xuất phát từ chặng đầu của thời kỳ quá độ như hiện nay.

Vừa như là ngẫu nhiên, vừa như là một qui luật, Cách mạng Việt Nam là một cuộc đấu tranh có nhịp điệu, cứ 10 năm lại làm nên một thành tựu độc nhất vô nhị trên thế giới, đóng góp vào những bước tiến của nhân loại trong cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập, tự do, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Những nhịp điệu đó vừa đủ dũng mãnh của cách mạng, vừa đầy cảm hứng của dân tộc Việt. Những ai nhìn Việt Nam như một quốc gia ít có cống hiến cho nhân loại thì Cách mạng Việt Nam với những nhịp điệu đều đặn, cứ 10 năm lại lập một điểm son trong lịch sử thế giới, người đó ắt sẽ phải điều chỉnh lại những đánh giá như thế.

Những nhịp điệu 10 năm của Cách mạng Việt Nam
Mỗi nhịp 10 năm của Cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua cho phép rút ra nhiều bài học quí

Nhịp đầu tiên chỉ là 5 năm (1930-1935) để dành cho mọi công việc xác lập cơ quan đầu não của Cách mạng Việt Nam ở hải ngoại. Trong đó, Đảng cộng sản Đông Dương được thành lập rồi đổi tên thành Đảng Cộng sản Viêt Nam; Luận cương cách mạng được khởi thảo rồi ban hành chính thức thành Cương lĩnh chính trị năm 1930. Ngay tại bước khởi đầu này, Việt Nam đã là nước thuộc địa nửa phong kiến đầu tiên trên thế giới thành lập Đảng cộng sản trong khi nông dân chiếm tới 95% dân số cả nước. Bước đi vượt thế kỷ này đã đưa Việt Nam vượt lên nhiều quốc gia khác trong khởi đầu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.

Nhịp thứ hai (1935-1945) là 10 năm triển khai các hoạt động vận động cách mạng, thành lập mặt trận dân tộc thống nhất, tiến hành các cuộc đấu tranh dân sinh, dân chủ, dân quyền. Khi thời cơ đến, đó là lúc phát xít Nhật sau những năm đánh chiếm Việt Nam từ thực dân Pháp, đến năm 1945 đã phải đầu hàng quân Đồng Minh trong Đại chiến II.

Nhân khi phát xít Nhật rút quân, thực dân Pháp chưa kịp quay trở lại Việt Nam, Đảng phát động nhân dân khởi nghĩa, nhanh chóng cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật trong phạm vi cả nước, hoàn thành cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một Đảng cộng sản ở tuổi 15 đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thành công một cuộc cách mạng như vậy, là hiếm có trên thế giới. Đã có người cho rằng một số quốc gia cũng được trao trả độc lập sau Đại chiến II mà không cần phải làm cách mạng như Việt Nam. Đây là một lầm lẫn đáng tiếc, bởi thực dân Pháp có nhiều thuộc địa trên thế giới nhưng không hề có một cuộc trao trả độc lập nào của Pháp cho bất cứ quốc gia thuộc địa nào trước khi có Cách mạng tháng Tám của Việt Nam.

Nhịp thứ ba (1945-1955) là 10 năm của cuộc chiến vệ quốc, một cuộc đối đầu không cân sức tựa như “châu chấu đá xe” giữa một nước Việt Nam vừa dành được độc lập-tự do chưa đầy một năm đã phải đứng lên bảo vệ thành quả cách mạng trước đội quân xâm lược vốn là chính quốc của thuộc địa Việt Nam từ thế kỷ trước. Cuộc đối đầu này đã kết thúc bằng chiến dịch ba nghìn ngày không nghỉ mang tên Điện Biên Phủ, mà chiến thắng thuộc về nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng đó chưa từng có của lịch sử thế giới trong thời đại Chủ nghĩa thực dân. Có người cho rằng nhiều quốc gia đã dành được độc lập do các cường quốc thực dân trao trả mà không cần phải làm một cuộc chiến như Việt Nam. Những người này đã lầm lẫn về người trao trả và thời điểm trao trả. Những quốc gia là thuộc địa của thực dân Pháp (như tại Châu Phi) và các loại thuộc địa khác chỉ được trao trả độc lập sau khi có Cách mạng tháng Tám và chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam.

Nhịp thứ tư (1955-1965) là 10 năm xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa theo mô hình Việt Nam tại miền Bắc. Trong đó, nông nghiệp có sở hữu của nông dân; tiểu thủ công nghiệp có sở hữu tập thể của những người thợ; công nghiệp, thương mại lớn và dịch vụ công có sở hữu của nhà nước: Thương mại và dịch vụ nhỏ có sở hữu của tiểu thương, tiểu chủ.

Sự thích hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất như vậy đã khiến nền kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa của Việt Nam tại thời gian này không đơn thuần và bị cuốn theo sở hữu XHCN như các nền kinh tế kế hoạch khác đã và đang có trên thế giới cùng thời với Việt Nam. Kinh tế phát triển; thu nhập bình quân của Việt Nam thời này không thua kém các quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á (trừ Nhật Bản); xã hội thanh bình và an toàn, người đi vắng không cần phải khóa cửa; nếp sống mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người ngày càng hình thành rõ rệt.

Minh chứng đó không thể bác bỏ về một nước Việt Nam không chỉ thành công trong vệ quốc mà còn thành công ngay từ 10 năm đầu tiên bắt tay vào phát triển nền kinh tế xã hội theo mô hình kế hoạch hóa Việt Nam.

Nhịp thứ năm (1965-1975) là 10 năm của cuộc đấu tranh trường kỳ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam. Mở đầu nhịp thời gian này là nước Mỹ đã tấn công miền Bắc, mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Việt Nam vào năm 1965.

Thế giới đã từng chứng kiến sự kinh hoàng như thế nào của bom rơi đạn nổ tại Đại chiến II. Nhưng so với bom đạn mà người Mỹ đã sử dụng trong toàn cõi Việt Nam thì sự kinh hoàng còn lớn hơn với bội số 3 về trọng lượng, và nhiều lần hơn nữa về sức công phá. Trước cuộc xâm lược tàn bạo cao độ này, Việt Nam đã có cuộc chống trả độc nhất vô nhị trên thế giới và đã dành thắng lợi cuối cùng vào năm 1975 bằng chiến lược xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.

Chiến lược “Tiền tuyến lớn Hậu phương lớn” khiến Việt Nam thu hồi được giang sơn về một mối, điều mà nhiều quốc gia khác cũng bị chia cắt như Việt Nam nhưng chưa làm được vào năm 1975, thậm chí còn đứng trước nguy cơ phân liệt hơn nữa.

Nhịp thứ sáu (1975-1985) là 10 năm đổi mới tư duy, tìm con đường mới để đưa cả nước tiến lên CNXH trong thời kỳ quá độ mà tư duy cũ đã gây ra khủng hoảng tại Liên xô và các nước XHCN đông Âu.

Tại nhịp thời gian này, Việt Nam đã phát hiện những bất cập của mô hình kế hoạch hóa khi đã được hoàn thiện tới đỉnh cao nhưng đã bị biến chất, trở thành tập trung quan liêu bao cấp. Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc thí điểm và cuối cùng đã rút ra được kết luận về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sư quản lý của nhà nước, kết luận về xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước tương xứng với phát triển nền kinh tế theo mô hình trên.

Năm 1985 được coi là đêm cuối của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tại Việt Nam. Việc từ bỏ này cũng là một kỷ lục của Việt Nam về độ nhanh nhậy trong chuyển đổi mô hình phát triển trên thế giới.

Nhịp thứ bẩy (1985-1995) là 10 năm phá thế bao vây cấm vận mà nước Mỹ đã áp đặt từ sau năm 1975 cùng với hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc do một số cường quốc phối hợp gây ra hòng làm Việt Nam sụp đổ như Liên xô và các nước XHCN đông Âu.

Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã bị đẩy đến bên bờ vực, lạm phát đã lên tới đỉnh điểm trên 700%. Gác lại quá khứ thù địch và chiến tranh, Việt Nam đã cùng Hoa Kỳ xây dựng mối quan hệ mới trong hòa bình, hợp tác và phát triển từ năm 1995. Việc gác lại quá khứ như thế không phải quốc gia nào cũng làm được như Việt Nam.

Nhịp thứ tám (1995-2005) là 10 năm mở rộng thực hiện chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Để trở thành con rồng châu Á sau Đại chiến II, xuất phát từ đặc điểm của mình, Nhật bản đã sử dụng công nghệ kỹ thuật nước ngoài chứ không phải là FDI.

Để trở thành con hổ châu Á sau chiến tranh Triều Tiên, Hàn quốc cũng không sử dụng FDI. Việt Nam cũng xuất phát từ đặc điểm của mình, lại đặt FDI thành một đột phá trong chiến lược đổi mới, phát triển nền kinh tế.

Từ sự lựa chọn khác biệt đó, Tập đoàn lớn của nhiều quốc gia đã đến Việt Nam sớm và ngày càng nhiều bằng con đường FDI. Trong khi đó, cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đều chưa kịp có được những tập đoàn như vậy. Từ sự lựa chọn đó, tới nay khu vực FDI có năm đã chiếm trên 18% về tổng vốn kinh doanh, trên 28% về tổng doanh thu, trên 31% về tổng lao động xã hội, khoảng 70% về xuất khẩu của cả nền kinh tế.

Có người cho rằng kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế phụ thuộc nước ngoài. Đây là một đánh giá thiếu tỉnh táo trong bối cảnh “thế giới phẳng” như hiện nay. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia đều bị phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới. Có quốc gia chọn phụ thuộc vào công nghệ, hoặc nhân lực, thị trường. Việt Nam chọn FDI, tức chọn cả gói “ba trong một”, đạt kết quả như kỳ vọng.

Nhịp thứ chín (2005-2015) là 10 năm mở rộng thực hiện chiến lược ngoại thương của Việt Nam, mà mở đầu là gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Đây cũng là một biệt lệ, bởi tổ chức này chỉ kết nạp những nền kinh tế thị trường, trong khi tại thời điểm đó, Việt Nam còn đang trong thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế này.

Từ đó đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với phần lớn các quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đang thực hiện như: AFTA (trong khối ASEAN), AJCEP (Việt Nam Nhật bản), VKFTA (Việt Nam Hàn quốc), VN-EAEUFTA (Việt Nam – Nga – Belarus – Amenia Kazakhstan, Kyrgy), CPTPP (Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chi lê, New Zealand, Úc, Nhật bản, Singapore, Brunei, Malaysia)…

Nền ngoại thương hai chiều của Việt Nam từ vài chục tỷ USD trước năm 2000, nay đã đạt trên 500 tỷ USD. Hiếm có quốc gia nào mà kim ngạch xuất nhập khẩu lại đạt gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và có xuất siêu như Việt Nam.

Nhịp thứ mười (2015-2025) chỉ mới đi được một nửa, nửa còn lại đang ở phía trước, sẽ được định đoạt bởi Đại hội XIII của Đảng vào đầu năm 2021.

Tại nửa đầu của nhịp 10 năm này, Việt Nam đã cho thế giới thấy “chiến dịch đốt lò” chống tham nhũng độc đáo của mình. Ở đó, củi tươi, củi khô đều bị cháy, tham nhũng sẽ bị diệt tận gốc, đập chuột nhưng không để vỡ bình, tham nhũng bị loại bỏ nhưng xã hội vẫn vẹn nguyên độ ổn định, đà phát triển.

Như một thuộc tính có tính qui luật, tại nhịp cuối của 10 năm này, thế giới một lần nữa sẽ lại thấy độc đáo của Việt Nam khi bắt đầu cuộc Đổi Mới ở thang bậc cao hơn. Tại đây, sự độc đáo sẽ xuất hiện với mô hình kinh tế được tái cơ cấu, trong đó kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế nước ngoài được vận hành theo cơ chế hiệu quả cao tại Việt Nam.

Đảng 90 tuổi, Cách mạng Việt Nam đang đi vào nửa cuối của nhịp thứ mười. Mỗi nhịp, Việt Nam đều tạo được một kỳ tích cho Việt Nam và cũng là độc đáo với toàn cầu, đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển và giải phóng dân tộc trên thế giới.

Mỗi nhịp 10 năm của Cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua cho phép rút ra nhiều bài học quí, trong đó có bài học về mối quan hệ giữa cái cuối cùng với cái dài hạn, trung hạn và từng năm.

TS Đinh Đức Sinh

Bài mới
Đọc nhiều