Những người vắng nhà ngày dịch
Có biểu hiện ho, sốt nhẹ, chị Được gọi điện cho chồng “Anh về nấu ăn cho con, em bận không về”.
Nữ y sĩ Nguyễn Thị Được, 40 tuổi, làm việc tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng. Nơi phụ trách đưa đón các ca nghi nhiễm, tiếp xúc gần để đưa đi cách ly; chuyển người bệnh nhẹ từ Bệnh viện Đà Nẵng tới các cơ sở y tế khác để giảm tải. Hôm ấy ngày 25/7, thành phố ghi nhận hai “ca bệnh 416, 418”, kết thúc gần ba tháng Việt Nam không có lây nhiễm cộng đồng.
Chị Được lặng lẽ vào khu cách ly của trung tâm, lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Nhận kết quả âm tính một ngày sau đó, chị tiếp tục lên xe 115 làm nhiệm vụ. Ở nhà, anh Trần Văn Đảm (39 tuổi) công tác tại Vùng 3 Hải quân (đóng tại Đà Nẵng) xin lãnh đạo cho phép đưa con lên đơn vị, vừa trực chiến, vừa chăm sóc. Hai cậu con trai 6 và 10 tuổi tự chơi với nhau. Anh Đảm báo thêm suất cơm trưa để đồng đội nấu. Người cha vừa làm nhiệm vụ, tranh thủ giặt áo quần cho con.
Dịch bệnh lan ra bảy tỉnh thành, ngành y tế kích hoạt hệ thống phòng chống dịch ở mức độ cao nhất. Đồng nghĩa với việc, hàng nghìn y bác sĩ trở lại tuyến đầu, vắng mặt trong những bữa cơm gia đình ngày dịch.
Hai đứa trẻ nhớ mẹ, anh Đảm cũng không dám gọi điện thoại “vì sợ làm ảnh hưởng công việc của cô ấy”. “Lúc nào vợ không phải theo xe đi chuyển bệnh nhân, cả nhà mới được gặp nhau vài phút qua chat video”, anh kể. Có hôm hai cậu con trai thức đến gần nửa đêm chờ gặp mẹ, nhưng chị không có thời gian gọi về.
Hàng ngày, Đảm không bỏ sót bất cứ tin tức nào về bệnh viện. Mỗi lần có ca mắc mới, anh chỉ biết nhắc vợ giữ sức khoẻ, mang đủ đồ bảo hộ đi làm. Hai đứa trẻ đang được nghỉ hè không có người trông, anh xin phép đơn vị cho mình được chở con về qua đêm ở nhà. 6h sáng, ba cha con cùng thức giấc, ăn sáng, rồi chở nhau đi 6 km để kịp có mặt điểm danh lúc 7h, và trở về nhà khi trời đã tối.
“Dịch bệnh không ai mong muốn. Gia đình xác định sẽ còn xa nhau nhiều ngày chứ không dừng lại ở hai tuần. Nhiều gia đình cũng vậy, vì nhiệm vụ chung nên động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn”, anh Đảm nói.
“Hai ngày trước, anh ấy nói với các con để bố ôm một lát, vì không biết lên đơn vị khi nào mới được về”, giọng y sĩ Đậu Thị Dũng lạc đi qua điện thoại, khi kể chuyện nhà. Dũng 38 tuổi, cùng Trung tâm cấp cứu 115 với chị Được. Chồng chị cũng là bộ đội hải quân Vùng 3.
Đà Nẵng xuất hiện ca nhiễm mới, vợ chồng Dũng ôm quần áo mỗi người một ngả, chồng lên đơn vị trực chiến, vợ vào bệnh viện cách ly. Ba đứa con, lớn 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi giao cả cho người chị gái từ Quảng Bình vào chơi.
Ngày chưa có dịch, mỗi tháng Dũng vắng nhà 15 đêm theo ca trực. Anh Trịnh Duy Hiền, 49 tuổi, chồng chị thường xuyên trực ở đơn vị, được về nhà 5 ngày. Có tháng, vợ chồng gặp nhau tổng cộng đôi ba ngày.
Bây giờ, chị Dũng theo xe mỗi ngày 5, 6 chuyến. Trở về bệnh viện lúc nửa đêm, các con đã đi ngủ. “Nhớ con, nhưng bệnh nhân cần mình hơn”, Dũng xác định. Người mẹ chỉ ao ước “dịch không lan rộng, sớm chặn đứng, để được về nhà, ôm gia đình ngủ thật ngon”.
“Mẹ ơi, tụi con phải trực chiến, không về được. Mẹ lên trông cháu giùm con”, bà Cao Thị Thanh Liêm nhận được điện thoại của con trai gọi về từ Bệnh viện Đà Nẵng, lúc 18h chiều 26/7. Người mẹ 60 tuổi chỉ kịp lấy quần áo, xách túi sang nhà trông hai đứa cháu nội 15 tuổi và 7 tuổi. Tới nơi, hai đứa trẻ chưa ăn cơm, đang đợi ba mẹ về.
Con trai bà, anh Nguyễn Hữu Hoàng và vợ Hoàng Thị Xuân Nhật đều làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Sáng Chủ nhật 26/7, cả hai vẫn đến bệnh viện đi làm. Cùng ngày, thành phố ra thông báo tái giãn cách xã hội.
13h chiều, gần 2.200 cán bộ, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đà Nẵng tập trung, nhận thông báo “cách ly 14 ngày”. Lúc đó, bên trong cơ sở y tế này vẫn còn khoảng 4.000 bệnh nhân và người nhà. Vợ chồng anh Hoàng mỗi người một khoa, ở lại bệnh viện 24/24.
Bốn ngày qua, bà Liêm lác đác nhận cuộc điện thoại gọi về trong đêm muộn, khi việc ở bệnh viện đã vãn. Chị Nhật dặn dò con trai “lấy cá chiên lên ăn với cơm, ở yên trong nhà, ra quét cổng phải đeo khẩu trang”. Sau đợt dịch hồi tháng ba, chị dạy con nấu cơm, luộc rau, làm những món đơn giản, để khi bố mẹ vắng nhà bất chợt, cậu có thể tự xoay sở chăm em. Cô con gái út không khóc, đến bữa cơm hay chống cằm, hỏi bà ngoại “Mẹ Nhật đã ăn cơm chưa bà?”.
Qua video, bà Liêm thấy con trai luôn cười, khuôn mặt hơi gầy guộc, và có vết hằn khi tháo bỏ khẩu trang. Bà không hiểu nhiều về công việc của con, chỉ cảm thấy vợ chồng anh rất bận. Ngày có dịch cũng như ngày thường, các con bà mỗi lần nhận điện thoại từ bệnh viện là buông bát đũa đi làm. Vào ngành y là lựa chọn tự thân của cậu con trai thứ, trong số ba đứa con của bà.
“Cũng muốn gửi bịch trái cây, chai sữa cho các con để có sức lâu dài. Nhưng con bảo bệnh viện đủ hết và dặn thêm mấy bà cháu ở nhà khỏe là chúng con yên tâm đi chống dịch rồi”, bà Liêm kể.
Những ngày cặp vợ chồng y bác sĩ đi trực chiến, cán bộ phường ngày đôi lần ghé qua, hỏi bà cháu thiếu gì để hỗ trợ. Chiều qua, người bạn học thời phổ thông của anh Hoàng cũng ghé, gửi mớ rau bí nhà trồng cho bà cháu nấu canh. Bà Liêm đòi gửi tiền nhưng người đó không nhận.
Hoàng Phương – Nguyễn Đông/VNE