Những người thầy không giáo án
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi có dịp đến thăm Trại tạm giam Kim Chi, Công an tỉnh Hải Dương. Nơi đây, có những cán bộ quản giáo đang ngày đêm trăn trở với công tác giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi đang bị cải tạo, giam giữ.
Dù không có ngày nào đứng trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng, nhưng Ban Giám thị và những cán bộ quản giáo luôn làm việc thật sự như những giáo viên, bởi cuộc sống và công việc của họ hằng ngày gắn với những “học trò” đặc biệt.
Tinh thần thép
“Để giáo dục một học sinh ngỗ nghịch, cá biệt, giáo viên phải nỗ lực hơn so với các học sinh bình thường 10 lần. Để cảm hóa các đối tượng phạm pháp, định hướng họ tìm lại con người thật, bản chất tốt đẹp, hướng thiện, mỗi cán bộ quản giáo phải cố gắng gấp trăm, gấp nghìn lần”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hiện, Giám thị Trại tạm giam Kim Chi, Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ.
Mỗi phạm nhân khi nhập trại đều có số phận, tính cách và hoàn cảnh phạm tội khác nhau, cán bộ quản giáo phải rất linh hoạt trong giáo dục, cảm hóa chứ không thể có giáo trình chung, bài giảng chung. Thượng tá Nguyễn Mạnh Hiện cho biết, Trại tạm giam Kim Chi quản lý, cải tạo 3 loại đối tượng gồm: các đối tượng bị bắt nhưng chưa đưa ra xét xử; đối tượng vừa xét xử xong chờ chuyển sang trại giam và phạm nhân có thời gian thụ án ngắn dưới 5 năm. Trong những đối tượng này, những trường hợp chờ xét xử luôn có thái độ bất hợp tác, bởi tâm lý lo sợ chưa biết mức án ra sao, hoặc những đối tượng “cộm cán” có nhiều tiền án, tiền sự khi nhập trại chỉ phải thụ án vài tháng thường tỏ thái độ bất cần, không chấp hành, không có động lực cải tạo”. Vì vậy, cán bộ quản giáo ở đây luôn phải chịu áp lực.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội quản giáo, Trại tạm giam Kim Chi cho biết, các đối tượng khi vào trại đều có hành vi chống đối lại cán bộ quản giáo. Để có biện pháp giáo dục thích hợp với mỗi phạm nhân khi vào trại, các cán bộ quản giáo bên cạnh việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, đảm bảo chế độ cho phạm nhân, còn phải tiếp xúc, tìm hiểu kỹ hồ sơ, lý lịch của từng trường hợp, quan sát từng biểu hiện nhỏ nhất để nắm bắt tâm lý, nhằm có biện pháp giáo dục phù hợp. Ví như đối tượng P, ở huyện Kim Thành, Hải Dương vốn là một đối tượng cộm cán về hành vi mua bán ma túy và xác định được hình phạt của mình nên khi vào trại liên tục có các hành vi chống đối quyết liệt. Để cảm hóa, động viên P yên tâm cải tạo, nhận thức được sai lầm và hướng thiện, cán bộ quản giáo của trại đã dành nhiều thời gian ngồi nói chuyện, hỏi thăm về gia đình, con cái; thậm chí cán bộ còn đến tận nhà thuyết phục người nhà viết thư vào trại, đến trại thăm nuôi. Từ những tình cảm đó, phải hơn 1 tháng sau, dần dần P đã ổn định tâm lý, nhận ra hành vi sai trái của mình và chủ động gặp cán bộ quản giáo để xin lỗi và hứa sẽ không chống đối nữa.
“Có những phạm nhân bị khi vào trại đã mắc HIV, lao phổi, mắc bệnh truyền nhiễm đã tuyên bố là đằng nào cũng không được giảm án, sẽ chống phá. Chỉ sau vài lần trò chuyện, tâm sự đã dần bình tĩnh và hứa không tái phạm. Chính những phạm nhân đã được cảm hóa lại giúp cho cán bộ quản giáo thuyết phục các đối tượng khác”, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn vui vẻ kể lại.
Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Hiện, mặc dù bên ngoài trại không khí có vẻ bình yên, nhưng thực sự công việc của những cán bộ trại tạm giam luôn phải đối mặt với nhiều áp lực, hiểm nguy, tiềm ẩn rủi ro rất cao như: can, phạm nhân trốn, đánh nhau, tự sát… và nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Không những thế, gia đình của nhiều quản giáo còn bị người nhà phạm nhân ném chất bẩn, gọi điện đe dọa.
“Nếu như không có tinh thần thép, có lẽ không cán bộ, chiến sỹ Công an nào có thể trụ được lâu dài ở môi trường công tác áp lực như thế này”, Thượng tá Hiện chia sẻ.
Những niềm vui lặng thầm
Làm nghề quản giáo vất vả, căng thẳng là vậy, nhưng niềm vui của họ cũng thật giản đơn và thầm lặng. Đó là ánh mắt thân thiện của can, phạm nhân, hoặc can, phạm nhân do mình quản lý, giáo dục nhận ra lầm lỗi, ăn năn hối cải, hay khi được gọi là “thầy” thay cho từ “cán bộ” và khi một phạm nhân được ra khỏi trại tạm giam, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, đó chính là những bông hoa mà phạm nhân tặng cho những người thầy quản giáo của mình.
Gắn bó với nghề quản giáo, áp lực có, nhưng niềm vui cũng nhiều và vui nhất là khi những phạm nhân cải tạo tốt, ra khỏi tù làm ăn lương thiện. Thượng tá Nguyễn Mạnh Hiện kể lại, trước đây, trại tiếp nhận một phạm nhân vốn là một doanh nhân kinh doanh khá thành đạt tại tỉnh Hải Dương. Người này bị bắt vì tội cá độ bóng đá và bị tòa sơ thẩm tuyên mức án hơn 4 năm tù. Khi vào trại, đối tượng không hợp tác, không nói một lời. Sau khi tìm hiểu, các cán bộ quản giáo đã dành nhiều thời gian tâm sự, vừa tình cảm, gần gũi, mềm dẻo nhưng cũng vừa cứng rắn để phạm nhân tự ý thức được hành vi của mình. Đến phiên tòa xét xử phúc thẩm, đối tượng này đã thành khẩn khai nhận tội lỗi của mình và đã được giảm án 2 năm. Mãn hạn tù, trở về với gia đình, anh lại tiếp tục kinh doanh thành đạt. Thỉnh thoảng, anh trở lại trại thăm Ban giám thị. Đó chính là niềm vui, là những bông hoa mà những cán bộ quản giáo nhận được.
22 năm gắn bó với nghề quản giáo, Thượng tá Trần Đình Hưởng, Phó Giám thị Trại giam Kim Chi cho biết, Trại tạm giam hiện có 850 can phạm nhân, trong đó có 9 tử tù, đó là 850 số phận khác nhau, đòi hỏi 850 cách giáo dục, cảm hóa khác nhau. Mỗi trường hợp phạm tội do vô tình, hoặc vì một phút nông nổi, bồng bột, song cũng có không ít đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, hung hãn; có người không có việc làm, lại cũng có trường hợp từng là những cán bộ, công chức, từng giữ những chức vụ quan trọng. Thái độ của phạm nhân cũng khác nhau, có trường hợp sợ hãi, có kẻ bất cần, có người tích cực cải tạo, nhưng cũng có những kẻ chây ỳ, chống đối. Do vậy, cán bộ quản giáo phải rất linh hoạt, đưa ra từng “giáo án” cho mỗi phạm phân, chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm lý của phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp. Năm nào, Trại cũng tổ chức tọa đàm để các cán bộ quản giáo có nhiều kinh nghiệm chia sẻ cho những cán bộ mới, hoặc đề ra những sáng kiến trong công tác giáo dục, cảm hóa cho phù hợp hơn với các phạm nhân ngày càng đa dạng. Với mỗi phạm nhân mới vào trại hoặc phạm nhân có hành vi chống đối, Ban giám thị và các quản giáo lại phải hội ý, để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp.
“Người quản giáo phải thực sự tôn trọng can, phạm nhân, phải biết khơi dậy phần lương thiện trong mỗi phạm nhân và quan trọng là người quản giáo phải gương mẫu, giữ gìn tư cách đạo đức. Có như vậy, công việc giáo dục, cải tạo phạm nhân mới có hiệu quả. Mỗi phạm nhân được cảm hóa, nhận ra sai lầm của mình chính là những niềm vui lặng thầm của người quản giáo”, Thượng tá Trần Đình Hưởng cho biết.
Làm nghề quản giáo vất vả, căng thẳng như vậy, nhưng cán bộ quản giáo Trại tạm giam Kim Chi luôn nhận được sự ủng hộ động viên kịp thời của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, sự hậu thuẫn từ gia đình nhỏ của mình. Đây cũng chính là động lực tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho công việc thầm lặng mỗi ngày của các cán bộ quản giáo nơi đây.
“Mỗi một phạm nhân ra khỏi trại giam tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, những người “thầy” như chúng tôi lại coi như mình đã được nhận một lẵng hoa đẹp”, Giám thị Trại tạm giam Kim Chi, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hiện tâm sự.
PV/TTXVN