+
Aa
-
like
comment

Những người mẹ đóng vai phản diện thời 4.0

Phạm Khoa - 22/05/2023 16:10

Vụ bé gái hơn 2 tháng tuổi bị người tình của mẹ đẻ bạo hành đến mức nguy hiểm tính mạng đang khiến dư luận phẫn nộ. Một lần nữa, nỗi lo về tình trạng suy thoái đạo đức, và thiên chức làm mẹ ở nhiều phụ nữ trẻ đã khiến không ít người quan ngại.

Bé gái hơn 2 tháng tuổi bị bạo hành ở Lâm Đồng vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan Công an tỉnh Lâm Đồng, nghi phạm Trần Hoài Thương (33 tuổi, ngụ số 3E Thông Thiên Học, phường 2, TP Đà Lạt) đã bị tạm giam để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.

Thương là kẻ trực tiếp hành hung cháu N.N.T.C (sinh ngày 25/02/2023), khiến cháu bị đa chấn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, suy thận cấp, suy gan.

Kẻ thủ ác đang phải đối diện với cơ quan điều tra, và sớm muộn cũng sẽ phải trả giá cho những hành vi vô nhân tính của mình. Nhưng điều đọng lại sau vụ việc, khiến dư luận băn khoăn, chính là câu hỏi về trách nhiệm và tình thương của mẹ đẻ cháu bé. Nhiều người tỏ ra bức xúc khi biết mặc dù có mặt tại nhà trọ, chứng kiến việc con gái bị bạo hành nhưng Nguyễn Hồng Phúc Ân không can ngăn người tình. Và bản thân người được gọi là mẹ cũng dương tính với ma túy.

Trước vụ việc này 4 ngày, một bà mẹ trẻ khác làm nhân viên quán karaoke ở Bến Cát, Bình Dương cũng vì say xỉn, khó chịu khi nghe con trai hơn 1 tuổi khóc mà đã dùng tay đánh con tới tấp rồi lăn ra ngủ. Khi phát hiện bé tím tái, đưa đến bệnh viện, thì bé được xác định là đã tử vong trước đó không lâu.

Tiếp tục lần giở lại các vụ án bạo hành trẻ em xảy ra trong 3 năm gần đây trên cả nước, thấy càng lúc mức độ nhẫn tâm, độc ác của các hành vi bạo hành càng có xu hướng tăng lên, trong khi độ tuổi bị bạo hành đang nhỏ lại. Đáng buồn hơn, khác với giai đoạn trước, người bạo hành trẻ em thường là các đối tượng giao tiếp bên ngoài gia đình, như hàng xóm, người quen của bố mẹ…, giờ đây, trẻ bị chính bố, mẹ, ông, bà, hay người chung sống với họ hành hạ. Trong đó, các vụ thương tâm, nghiêm trọng nhất thường liên quan đến người mẹ.

Thời đại 4.0, vị thế của người phụ nữ trong xã hội được nâng cao, bình đẳng giới được chú trọng, thì lẽ ra, mỗi gia đình sẽ phải hạnh phúc hơn, trẻ em được quan tâm chăm sóc và giáo dục tốt hơn, nhưng đằng này, nhiều gia đình tan vỡ hơn, tình trạng bạo hành trẻ em ngay tại nhà lại xảy ra mỗi lúc một nhiều hơn.

Cho đến lúc này, vẫn chưa có một nghiên cứu xã hội học dài hơi nào về nạn bạo hành trẻ em trong gia đình có nguyên nhân từ người mẹ. Dư luận chỉ quy kết nguyên nhân chung nhất là do lối sống đề cao quyền tự do cá nhân, nhận thức sai ý nghĩa “bình đẳng giới”, dẫn đến thói ích kỷ, vô trách nhiệm ở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lập gia đình.

Thông thường, khi một vụ bạo hành gia đình xảy ra, mà nạn nhân là trẻ em, thì lý do được người ta hay đưa ra nhất để giải thích cho sự vô đạo đức của mình, chính là đổ cho đứa trẻ hiếu động, hay khóc, khiến người lớn khó chịu… Rõ ràng, người mẹ trong các vụ việc này đã không hề áy náy về mặt lương tâm hay pháp luật. Họ thấy việc nhân tình hay chồng sau đánh đập, hành hạ con mình là bình thường, trong khi có một điều hiển nhiên là, sẽ không nhân tình hay chồng sau nào dám hành hạ con riêng của vợ nếu người vợ đó kiên quyết không cho phép. Trên thực tế, một số bà mẹ không những cho phép, mà còn tham gia cùng người tình, hay chồng sau vào việc bạo hành con.

Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc cách chúng ta quan tâm, chăm sóc trẻ em từ mỗi gia đình. Đừng thờ ơ với những biểu hiện nhỏ nhất của thói vô trách nhiệm, bạo lực đối với trẻ em, của những bố mẹ quanh ta, dẫu cho người đó là bạn bè, đồng nghiệp, bà con họ hàng, hàng xóm,…, để kịp thời ngăn chặn cái xấu, cái ác, không để nó diễn ra.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều