+
Aa
-
like
comment

Những người ‘mắc kẹt việc làm’ thời Covid-19

05/03/2021 06:30

10 giờ đêm, những người cùng phòng tắt điện đi ngủ, cũng là lúc Hoàng Minh bắt đầu “ngày” làm việc kéo dài suốt tám tiếng của mình.

Trên giường tầng, chiếc máy tính cá nhân đã được bật sẵn, chàng trai 21 tuổi ngồi nhập thông tin về các đơn hàng từ nước ngoài chuyển về. “Công việc này chỉ cần dùng tay và mắt”, Minh nói.

Vì dịch bệnh, Minh được phép làm việc tại phòng trọ ở Cầu Giấy, Hà Nội nhưng sau hai ngày, lượng dữ liệu nhập được quá ít, cậu được yêu cầu phải đến công ty. Gắn bó với công việc từ năm 2019, đến nay mức lương vẫn chỉ 6 triệu đồng mỗi tháng.

Người lao động đến làm thủ tục nhận trợ cấp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Cầu Giấy, Hà Nội). Tính đến cuối tháng 4/2020, Covid-19 đã khiến 5 triệu lao động giảm hoặc mất việc, kéo tỷ lệ có việc làm xuống thấp nhất mười năm qua. Ảnh: Ngọc Thành.
Người lao động đến làm thủ tục nhận trợ cấp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Cầu Giấy, Hà Nội). Tính đến cuối tháng 4/2020, Covid-19 đã khiến 5 triệu lao động giảm hoặc mất việc, kéo tỷ lệ có việc làm xuống thấp nhất mười năm qua. Ảnh: Ngọc Thành.

Bỏ học cao đẳng giữa chừng, chàng trai quê miền trung nuôi giấc mơ được làm việc trong lĩnh vực công nghệ – công việc mà anh định nghĩa là “liên quan đến máy tính”. Sau hai tháng lặp lại điệp khúc đêm đến công ty rồi sáng về nhà ngủ, sau Tết Canh Tý, Minh xin nghỉ làm, giữa lúc đại dịch bùng phát ở Việt Nam. Cậu rải đơn xin việc khắp các nơi. Nhưng trong thời điểm đó, Covid-19 cũng “đẩy ra đường” một lượng lớn lao động giống như Minh. Tổng cục Thống kê cho biết, quý I/2020, tỷ lệ lao động có việc làm thấp nhất trong vòng 10 năm.

Hoàng Minh tìm được một công việc mới – nhân viên tín dụng ngân hàng, tìm kiếm và tư vấn các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn. Công việc không có lương cứng, thu nhập dựa trên hiệu quả công việc. Hết một tháng, cậu nghỉ việc. Sau đó, cậu kinh qua công việc môi giới bất động sản và lại chủ động nghỉ khi qua ba tháng vẫn không tìm được một khách hàng nào.

Những ngày đó, Minh vay mượn khắp nơi để có tiền ăn. “Đừng có dại mà nghỉ làm, tao hối hận rồi”, cậu nhắn người đồng nghiệp đang muốn bỏ việc nhập dữ liệu. Ngay khi công ty này có đợt tuyển dụng mới, Minh lập tức nộp đơn. “Đến giờ tôi chưa trả hết nợ của những tháng không có thu nhập”, cậu nói.

Minh đăng ký ở lại làm việc xuyên Tết. Khoảnh khắc giao thừa, được nghỉ ít phút, cậu và đồng nghiệp lôi mỳ tôm ra ăn. “Miếng mỳ tôm đắng chát”, chàng trai nói. Bố mẹ giục về quê học nghề hoặc đi làm công nhân, nhưng Minh “muốn tự quyết đời mình”.

Ngày mùng hai Tết, quá buồn, anh gọi điện cho bố nói sẽ về quê hai ngày rồi ra. Nhưng sếp tuyên bố nếu không tuân thủ hợp đồng, ra Tết, anh không cần quay lại công ty nữa. Bốn tháng thất nghiệp của năm ngoái đã dạy Minh cần kiên nhẫn. Cậu thanh niên đành ở lại.

“Hai mốt tuổi nhưng tôi chẳng có thời gian hẹn hò, chẳng rủ được đứa bạn nào đi chơi. Ban ngày, mọi người đi học, đi làm hết”, Minh chán nản. Nhưng nghỉ việc thì anh không dám, vì biết Covid-19 đã khiến cơ hội việc làm của mọi người hẹp đi rất nhiều.

Tuy nhiên, không phải chỉ khi đại dịch xảy ra, mà ở thời điểm nào, độ tuổi nào cũng có người không hài lòng với công việc hiện tại, nhưng không dám nghỉ việc.

Hoàng Minh làm ca đêm, từ 22h-6h. Công việc cho thu nhập hơn 6 triệu đồng. Ngoài ra, làm xuyên Tết, anh có thêm hơn 4 triệu đồng tăng ca. Tuy nhiên, phải làm việc xuyên đêm mà không học hỏi được kỹ năng nào khiến chàng trai trẻ chán nản. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hoàng Minh làm ca đêm, từ 22h-6h với thu nhập hơn 6 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, làm xuyên Tết, cậu có thêm hơn 4 triệu đồng tăng ca. Tuy nhiên, phải làm việc xuyên đêm mà không học hỏi được kỹ năng nào khiến chàng trai trẻ chán nản. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

PGS.TS tâm lý học Phạm Mạnh Hà (Đại học quốc gia Hà Nội) cho hay, giới chuyên môn dùng thuật ngữ “mắc kẹt nghề nghiệp” để chỉ những người như vậy. “Mắc kẹt nghề nghiệp” phổ biến nhất ở độ tuổi 30-45.

“Những người này thất vọng với công việc đang làm, không có cơ hội thăng tiến, không hứng thú với nghề nghiệp, nhưng khó khăn trong tìm công việc mới. Họ rơi vào trạng thái bức bối bên trong, stress thường xuyên, giảm năng lực, giảm hứng thú, dẫn đến hiệu quả không như mong đợi”, ông Hà nói.

Chị Minh Hương, 32 tuổi, ở quận 1, TP HCM nhận mình thuộc nhóm “mắc kẹt nghề nghiệp”. Vài tháng nay, trên đoạn đường từ nhà trọ đến công sở dài 5 km, ngày nào đi làm Hương cũng khóc.

“Tôi mắc bệnh tự ti, lại mắc thêm bệnh hèn, không dám lên tiếng khi gặp chuyện bất bình, không dám thể hiện cá tính nên tự nhốt mình trong một vòng luẩn quẩn”, chị nhân viên phòng tuyển sinh ở một trung tâm tiếng Anh nói.

Năm 2019, Hương là nhân viên xuất sắc, nhưng thưởng Tết chỉ 500.000 đồng – giống đồng nghiệp cùng phòng. Trung tâm thưởng dựa trên thành tích tập thể. Do trong phòng có nhân viên xếp loại yếu nên mức thưởng bị đánh tụt. Trong hợp đồng lao động, nếu không vi phạm nội quy, sáu tháng chị được tăng lương một lần. Nhưng Hương mất một năm mới được tăng 450.000 đồng.

Bất mãn, Hương nộp đơn xin nghỉ việc. “Tôi gặp sếp nói chuyện, tủi thân quá nên khóc. Nhưng phòng thiếu người, đầu việc tôi đảm nhiệm không ai gánh vác nên sếp đề nghị tôi ở lại thêm hai tháng. Đúng lúc này, dịch bệnh bùng phát”, Hương nói. Chị đành tiếp tục công việc vì gửi CV đi năm trung tâm nhưng hoặc không hồi đáp, hoặc hủy lịch phỏng vấn vì đại dịch.

Biết Hương nộp đơn xin nghỉ nhưng ở lại vì dịch, giữa lúc trung tâm vắng học viên, sếp và đồng nghiệp “khinh ra mặt”. “Tôi email đề nghị sửa lại một vài thiết kế ở lớp học để thu hút học viên nhưng sếp cũng gạt đi, bảo khi nào giảng viên đề xuất thì mới duyệt. Nhưng hôm sau, một đồng nghiệp trong phòng đề xuất lại được”, chị kể.

Trong phòng tuyển sinh hơn 10 người, buổi trưa mọi người ăn chung nhưng không ai muốn mời Hương ngồi cùng. Các đầu việc sếp dồn lên chị giờ đều là việc không tên. Hương luôn trong trạng thái chán nản, không biết bắt đầu một ngày làm việc thế nào.

Gần chục năm làm trong lĩnh vực giáo dục, Hương tự tin với chuyên môn của mình. Nhưng ở tuổi ngoài 30, nếu chuyển đến nơi mới, không được làm quản lý, chị cũng chẳng muốn làm nhân viên dưới quyền của người trẻ hơn. “Tôi dự định khoảng giữa tháng 6 sẽ tìm việc mới, hy vọng lúc đó dịch bệnh đã được kiểm soát tốt”.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nếu so với đầu năm ngoái, năm nay người lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn, khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng khoảng 5%. Tại trung tâm này, hiện có 207 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 5.000 chỉ tiêu, ở các ngành sản xuất linh kiện điện thoại, cơ khí, dệt may,…

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, người lao động muốn tìm kiếm việc làm mới thì nên cân nhắc kỹ về năng lực của bản thân, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực mình làm việc, mức lương… Ngoài ra, đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh nên mức lương trả cho người lao động có thể buộc phải giảm. Nếu chỉ vì thu nhập, người lao động nên cố gắng ở lại, chia sẻ với doanh nghiệp thay vì nhảy việc.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, những người như chị Hương hay anh Minh cần đánh giá chính xác nguyên nhân mình rơi vào tình trạng hiện tại. Nếu do công nghệ thay đổi, năng lực không còn đáp ứng nhu cầu hiện tại, cần trau dồi để nâng cao giá trị bản thân.

Với những trường hợp có năng lực, thu nhập cao, nhưng không tìm được niềm vui, hứng thú trong công việc thì nên tiếp tục với công việc hiện tại, đồng thời tranh thủ thời gian rảnh để làm những thứ mình thích, tham gia hoạt động xã hội nhằm cởi trói tư tưởng.

Còn nếu năng lực kém và cũng không yêu thích việc đang làm, nên tìm kiếm công việc khác. Tuy nhiên, thay vì nhảy việc ngay, cần xây dựng lộ trình phù hợp, xác định rõ mình muốn gì, cần học tập, bổ sung cái gì để phục vụ công việc.

Phạm Nga/ VNE 

Bài mới
Đọc nhiều