+
Aa
-
like
comment

Những người hồi sinh nền kinh tế bằng giọng hát

Bảo Trâm - 19/06/2023 17:19

Từ Beyoncé đến BTS, sức mạnh của các ngôi sao âm nhạc đang giúp hồi sinh những nền kinh tế.

Buổi biểu diễn của Beyoncé tại thủ đô Stockholm đã đẩy giá khách sạn tăng cao, khiến mức lạm phát tháng 5 ở Thụy Điển vượt qua con số được giới chuyên gia dự đoán trước đó. Ảnh: Reuters.

Tiền từ lâu đã là chủ đề sáng tác cho giới nghệ sĩ. Pink Floyd hát về tiền như là “nguồn gốc của mọi tội lỗi”, Wu-Tang Clan thì rap về cách “tiền chi phối mọi thứ xung quanh tôi”.

Tuy nhiên, có những ngôi sao không chỉ hát về tiền, và kiếm được số tiền khổng lồ nhờ việc hát, mà họ còn có thể lay chuyển cả một nền kinh tế bằng giọng ca của mình.

Chẳng hạn, chuyến lưu diễn Renaissance của nữ ca sĩ Beyoncé tại Stockholm hồi tháng 5 có thể là một phần lý do khiến mức lạm phát của Thụy Điển cao hơn dự kiến. Theo đó, lượng người hâm mộ đông đảo của Beyoncé đã đẩy giá khách sạn và nhà hàng tăng 0,3%.

Tuy nhiên, Beyoncé không phải là ca sĩ duy nhất có khả năng tác động đến nền kinh tế một quốc gia, theo Guardian.

Giải nguy cho nền kinh tế

Theo nghiên cứu của công ty khảo sát trực tuyến QuestionPro, chuyến lưu diễn The Eras của Taylor Swift có thể đã tạo ra 5 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ – nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội của 50 quốc gia – nhờ mỗi khán giả chi tiêu trung bình 1.300 USD.

Hiện tượng này không có gì là mới lạ. Những người yêu nhạc pop cổ điển hẳn sẽ liên tưởng về những năm 1960, khi ban nhạc huyền thoại The Beatles đã “giải cứu” nền kinh tế Anh.

Khi đó, nước Anh rơi vào tình trạng mất cân đối giữa xuất – nhập khẩu, khiến cho đồng bảng Anh mất giá nghiêm trọng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), “Bộ tứ huyền thoại” khi ấy đã giúp cân bằng cán cân xuất – nhập khẩu và ngăn chặn sự mất giá của bảng Anh bằng việc bán vé quốc tế, tiền bản quyền và quyền biểu diễn, mang lại dự trữ ngoại tệ đáng kể cho nước Anh.

Ngày nay, The Beatle vẫn mang đến khoảng 82 triệu bảng Anh mỗi năm cho nền kinh tế Liverpool và hơn 2.000 việc làm.

Hồi sinh sau đại dịch

Thị trấn Ipswich, Anh, ghi nhận những buổi biểu diễn tại quê nhà của nam ca sĩ Ed Sheeran đã “bơm” khoảng 11,5 triệu USD vào nền kinh tế của thị trấn. Theo nghiên cứu, cứ 10.000 khán giả tham dự buổi biểu diễn thì 1 triệu bảng được đóng góp vào nền kinh tế Ipswich.

Ở cấp độ quốc gia, tổ chức UK Music ước tính đóng góp của ngành âm nhạc cho nền kinh tế Anh vào năm 2021 là khoảng 5,1 tỷ USD – tăng 26% so với năm 2020 nhưng vẫn giảm 31% so với mức cao nhất mọi thời đại trước dịch Covid -19 là 7,4 tỷ USD vào năm 2019.

Số lượng việc làm trong ngành âm nhạc đạt 145.000 vào năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 26% so với mức trước đại dịch.

UK Music cũng cho biết xuất khẩu liên quan đến âm nhạc của Anh trị giá khoảng 3,2 tỷ USD vào năm 2021.

Ông Jon Collins, giám đốc điều hành của Live, tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp nhạc live của Anh cho biết doanh thu từ các hợp đồng biểu diễn và lễ hội âm nhạc ở Anh đã trở lại mức trước đại dịch.

Taylor Swift trong chuyến lưu diễn The Eras của cô, có thể tạo ra 5 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Tas Rights Management.

“Mặt hàng xuất khẩu” đắt giá

Ở Hàn Quốc, sự xuất hiện của K-pop như một hiện tượng toàn cầu đã giúp đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu của nước này, vốn phụ thuộc vào năng lực sản xuất và công nghệ.

Theo nghiên cứu, K-pop đóng góp khoảng 10 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc. Trong đó, riêng ban nhạc BTS đã chiếm khoảng 3,54 tỷ USD, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hyundai năm 2018.

Ở các nền kinh tế nhỏ, tác động của âm nhạc đến nền kinh tế có thể còn lớn hơn.

Chính phủ Thụy Điển đã trao danh hiệu nhóm nhạc ABBA vì những đóng góp của họ cho xuất khẩu của đất nước. Trong khi đó, nhóm nhạc U2 được coi là một trong 3 “mặt hàng xuất khẩu” hàng đầu của Ireland vào những năm 1990.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều