+
Aa
-
like
comment

Những ngộ nhận về vấn đề thất nghiệp tại Việt Nam

Gió Tín Phong - 17/06/2020 07:59

Như các bạn đã biết hoặc cũng có thể là các bạn chưa biết, ở các bậc của giáo dục phổ thông chúng ta hầu như được các giáo viên địa lý dạy rằng: Những quốc gia trong nhóm nước phát triển sẽ có tỉ lệ thất nghiệp thấp, còn những quốc gia trong nhóm nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có tỉ lệ thất nghiệp cao. Thế nhưng điều đó có phải là sự thật hay chỉ là sự ngộ nhận?

Tranh biếm họa về thực trạng thất nghiệp

Các giáo viên địa lý đã nói là những quốc gia trong nhóm nước phát triển sẽ có tỉ lệ thất nghiệp thấp, còn những quốc gia trong nhóm nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có tỉ lệ thất nghiệp cao. Lâu dần, ngày này qua tháng nọ, điều đó không chỉ là kiến thức địa lý trong nhà trường mà theo thời gian nó đã trở thành nhận thức của đám đông ở ngoài kia xã hội. Trên thực tế, trong đời sống ngoài xã hội, người người vẫn nói với nhau rằng: Ở những nước đang phát triển như Việt Nam thì học cho lắm vào rồi cũng thất nghiệp mà thôi.

Song, các nhận định đó có lẽ là sự ngộ nhận chứ không phải là sự thật. Bởi lẽ, với sự phát triển của khoa học địa lý hiện đại trong việc thống kê các chỉ số, các số liệu thực tiễn đã bác nhận định trên. Theo số liệu từ trang tổng cục thống kê Gso.vn thì nước đang phát triển như Việt Nam có tỉ lệ thất nghiệp trên phạm vi toàn quốc là xấp xỉ 2.17% (năm 2018), con số này ở Campuchia là 1.05%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3.7%, ở Anh là 4% là ,ở Pháp là 8.8%. Ở đây, tỉ lệ thất nghiệp cao hay thấp không phụ thuộc vào việc quốc gia đó thuộc nhóm nước nước phát triển hay đang phát triển mà phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và bình diện dân số trong đó tốc độ tăng trưởng giữ vai trò chủ đạo. Vì kinh tế có tăng trưởng nhanh thì sản sinh ra nhiều việc làm. Thế nên mới nói ở đâu có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thì ở đó tỷ lệ thất nghiệp thấp. Ở đâu có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp thì ở đó có tỷ lệ thất nghiệp cao. Minh chứng là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 đạt 7.08%, con số này ở Campuchia là 7.3%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ là 2.9%, Anh là 1.8%, Pháp là 2.4%. Với lập luận này chúng ta có thể lý giải vì sao một số nước đang phát triển như Việt Nam và Campuchia lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp.

Rõ ràng là việc nói “những quốc gia trong nhóm nước phát triển sẽ có tỉ lệ thất nghiệp thấp, còn những quốc gia trong nhóm nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có tỉ lệ thất nghiệp cao” là thiếu cơ sở luận chứng. Và những ngộ nhận đó đã để lại nhiều hậu quả khôn lường.

“Ở nước đang phát triển như Việt Nam học đại học ra cũng thất nghiệp thôi đi bán hàng đa cấp đi em.”Đây là lập luận được nhiều người bán hàng đa cấp đưa ra để lôi kéo sinh viên tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp và đặc biệt là đa cấp biến tướng. Trên thực tế, đã có không ít em học sinh, sinh viên bỏ học đi bán hàng đa cấp vì tin vào luận điệu trên.

Nếu so với mặt bằng chung của thế giới thì cơ bản Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp không quá cao như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại đây là một con số không nhỏ. Và điều khiến nhiều người quan ngại nhất là số người thất nghiệp rơi vào độ tuổi lao động trẻ. Ước tính có hơn 240 000 cử nhân trẻ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Vậy là điều đó đã trở thành cái cớ cho các tay bán hàng đa cấp lôi kéo sinh viên vào mạng lưới đa cấp. Chúng tuyên truyền rằng, “Nếu ở Việt Nam thì phải có hậu duệ, quan hệ, tiền tệ thì mới mong có được việc làm tại Việt Nam; còn mạng lưới đa cấp chúng tôi luôn tạo điều kiện cho bạn việc làm, cho bạn khởi nghiệp mà không cần quan tâm đến hậu duệ, quan hệ hay tiền tệ gì cả”. Các tay bán hàng đa cấp đã không ít lần vẽ ra trước mắt các bạn trẻ về thị trường việc làm đông người chật chỗ tại Việt Nam. Nhưng thực tế thị trường việc làm tại Việt Nam có thật sự đông người chật chỗ? Liệu rằng ở Việt Nam có cơ hội việc làm chân chính cho các bạn trẻ hay không?

Ảnh chế về thị trường việc làm tại Việt Nam

Thực tế Việt Nam có hơn 240 000 cử nhân thất nghiệp không có nghĩa là ở Việt Nam không có cơ hội việc làm cho người trẻ và càng không có nghĩa là thị trường việc làm tại Việt Nam đông người chật chỗ. Bởi lẽ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7.08%, mỗi năm nền kinh tế Việt Nam sản sinh ra hàng trăm ngàn việc làm mới. Trong thị trường việc làm tại Việt Nam hoàn toàn không thiếu cơ hội cho các cử nhân trẻ. Nhưng tại sao vẫn có đến 240 000 cử nhân thất nghiệp? Phải chăng rằng chừng đấy người trẻ thất nghiệp do không định hướng được nghề nghiệp trong tương lai, nói dễ hiểu là học xong vẫn không biết bản thân sẽ làm nghề gì. Điều này dễ thấy ở các nhóm ngành có tỷ lệ thất nghiệp cao như là sư phạm, quản trị kinh doanh. Có nhiều bạn học sư phạm xong, thi công chức thì rớt thì nằm ở nhà luôn chứ không nộp đơn vào các trường tư hoặc các tổ chức phi chính phủ về giáo dục. Có nhiều bạn học quản trị kinh doanh nghĩ rằng sau này ra sẽ làm giám đốc kinh doanh, chứ không chịu làm nhân viên kinh doanh (sales). Đây gọi là thất nghiệp trong tư duy. Mặt khác, nhiều bạn học đại học xong không biết mình học cái gì tức sự học không có thực chất. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất nghiệp của 240 000 cử nhân trẻ. Ngoài ra việc thiếu các kênh thông tin liên kết có hiệu quả giữa nhân sự và ứng viên cũng là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới sự thất nghiệp tại Việt Nam.

Tóm lại, xung quanh chúng ta, nhiều người vẫn đang có những ngộ nhận về vấn đề thất nghiệp. Những ngộ nhận đó đã tạo ra một thế hệ lao động mù mờ về tương lai của chính mình. Ở Việt Nam tỷ lệ thất nghiệp không quá cao như chúng ta vẫn nghĩ. Và hoàn toàn có cơ hội việc làm đúng chuyên môn cho các cử nhân trẻ nói riêng cũng như các lực lượng lao động nói chung tại Việt Nam. Tuy thị trường việc làm tại Việt Nam vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề, nhưng để tìm một công việc không phải là quá khó. Để có được việc làm thì mỗi cá nhân cần nhận thức đúng về định hướng nghề nghiệp trong tương lai, tăng cường các phẩm chất, năng lực lao động và tích cực chủ động trong việc tìm kiếm công việc thông qua các kênh tuyển dụng uy tín.

Gió Tín Phong

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều