Những ngày tháng Tư “nóng bỏng” trong ký ức người cựu binh đặc công
45 năm trôi qua, ký ức về những trận đánh “nóng bỏng” nơi chiến trường vẫn không thể nào quên trong tâm trí cựu binh Võ Quang Đạt (trú tại phường 3, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).
Những ngày tháng ác liệt…
Ông Đạt nhập ngũ tháng 11/1971, tham gia huấn luyện tại Lữ đoàn 126 đặc công Hải quân. Sau đó, ông lên đường đi B tháng 12/1972, được biên chế về đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn đặc công 113.
Lịch sử ghi lại, Trung đoàn đặc công 113 đã lập nhiều chiến công, 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, vào các năm 1975, 1979 và 2000.
Theo lời kể của cựu binh Võ Quang Đạt, Tiểu đoàn 23 (Trung đoàn Đặc công 113) đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó, sự kiện nổi bật là đánh cầu Hóa An, cầu Ghềnh.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, dũng cảm, kiên cường, quân và dân ta đã giải phóng thị xã Xuân Lộc và Long Khánh, vào ngày 21/4/1975.
Chiến thắng Xuân Lộc đã đập tan “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm suy sụp tinh thần kháng cự của binh lính đối phương; tạo ra thế và lực để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Cựu binh Võ Quang Đạt kể rằng, chiến trường Đồng Nai lúc ấy rất ác liệt; trong đó, sân bay Biên Hòa được xem là “cái rốn”. Tại Sài Gòn, địch bắt đầu thất thủ nên co cụm về Biên Hòa. Chính vì vậy, Đồng Nai được xem là chốt giữ cuối cùng của quân địch.
Nhiệm vụ của lực lượng đặc công là phải đánh vào những mục tiêu chiến lược của địch: sân bay, cầu, cảng, tàu… Với cách đánh bất ngờ, táo bạo, dũng cảm luôn khiến quân địch không kịp trở tay.
Ông Đạt nhớ lại, có những lần chỉ vài anh em đánh thọc sâu vào sân bay. Từ vòng ngoài vào sân bay phải qua 18 lớp hàng rào thép, nhưng anh em phải vào và ra ngay trong đêm.
Vận chuyển 1.000 kg thuốc nổ để đánh cầu
Cựu binh Võ Quang Đạt hồi tưởng: Sau khi được biên chế về Đại đội 2, Tiểu đoàn 23, ông được cấp trên giao đảm nhiệm Trung đội phó rồi Trung đội trưởng. Cuối năm 1973, tôi được giao nhiệm vụ trinh sát cầu Hoá An, trên dòng sông Đồng Nai. Đây là cây cầu lớn nhất lúc đó nối từ Đồng Nai vào TP Hồ Chí Minh. Khi trinh sát xong, mặc dù xin đánh nhưng cấp trên không chấp thuận. Sau đó, nhiệm vụ đánh cầu được giao cho 1 tổ khác. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, với kỹ chiến thuật đặc biệt tinh nhuệ, tổ đặc công đã đánh sập cầu, nhưng 3 đồng chí đã hy sinh”.
Ông Đạt kể rằng, đây cũng là trận đáng nhớ nhất đối với ông. Trong trận này, ông đã tự nghiên cứu dùng tre ghép lại với nhau để vận chuyển 1.000 kg thuốc nổ. Trên thuốc nổ được chất phao thành hình nón để tránh phát hiện. Khi gần thì hạ bớt phao để lọt qua cầu.
Cũng trong năm 1974, đơn vị giao nhiệm vụ cho tổ đặc công của ông trinh sát đánh cầu Tân Uyên. Đây cũng là cầu huyết mạch quan trọng. Hàng ngày, có rất nhiều xe quân sự đi qua.
“Khoảng tháng 6/1974, tôi cùng các anh Mạnh – Chính trị viên phó Đại đội, anh Thông – Đại đội phó, anh Nguyễn Hồng Lanh – Trung đội trưởng, anh Nguyễn Văn Mẫn – Trung đội trưởng đi làm nhiệm vụ. Đây là khu vực sình lầy nguy hiểm, đã hy sinh 1 Đại đội tinh nhuệ.
Khi đã quan sát tình hình, cách bố trí phòng, gác của địch tại cầu, tôi về báo lại đơn vị và lên phương án tác chiến đánh cầu”, ông Đạt nhớ lại.
Vài ngày sau, khi đã nắm chắc tình hình, ông cùng 2 đồng chí Trung đội trưởng kéo đến 2 tạ thuốc nổ buộc dưới cầu. Ông Đạt được giao quyền quyết định việc đánh cầu.
Khi qua bên kia bờ, ông Đạt tính toán thời gian 2 tiếng sau cho nổ. Mọi thứ được chuẩn bị xong, khi lên bờ thì cầu nổ tung. Hoàn thành xong nhiệm vụ đánh sập cầu, anh em đều an toàn quay lại đơn vị.
3 lần tuyên thệ trước khi làm nhiệm vụ
Trong sự nghiệp cầm súng của ông Đạt, 3 lần ông và tổ trinh sát được giao nhiệm vụ đặc biệt, phải tuyên thệ, thậm chí được truy điệu sống trước khi thực hiện nhiệm vụ. Bản thân ông nhiều lần thoát chết trở về, gia đình cũng nhận được tin báo tử nhưng vẫn may mắn sống sót.
Theo hồi tưởng của ông Võ Quang Đạt, những ngày cuối của cuộc chiến, thế trận trở nên ác liệt. Ông nhận nhiệm vụ trinh sát các mục tiêu chiến lược tại Đồng Nai. Tham gia nhiệm vụ đặc biệt này còn có Chính trị viên Đại đội là Nguyễn Xuân Cư và một đồng đội khác.
Khi mọi phương án tác chiến đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng, tổ của ông nhận lệnh của thủ trưởng Trung đoàn “phải tiếp tục chiến đấu”.
Ông Đạt kể: “Sáng 30/4, xe tăng của địch chia thành nhiều tốp tấn công, máy bay và trực thăng xoáy trên đầu bắn xối xả. Dưới sông Đồng Nai, tàu nổ đạn lên trên. Nơi tôi và đồng đội trú ẩn khói nghi ngút và tiếng gào bom đạn rền tai. Giặc vây kín, chúng đi sát nhau. Khi quân địch đến gần, anh Cư nổ súng khiến 1 tên gục xuống. Tiếp đó, chúng tôi hạ liền 4-5 tên địch. Chừng ít phút sau, quân địch phát hiện mục tiêu nên nhả đạn xối xả, bắn pháo khiến anh Cư bị thương. Tôi vội qua băng bó cho Chính trị viên, nhưng sau thì anh hy sinh. Đưa anh Cư về hầm, tôi tiếp tục qua chỗ anh Doanh, truyền đạt lời anh Cư phải chiến đấu tiếp”, ông Đạt xúc động.
Chỉ còn 2 anh em, chúng tôi đành nén đau để chiến đấu. Chúng tôi vác khẩu B40 xông lên bắn trúng 1 xe tăng và phía sau có 1 chiếc dừng lại. Lính 2 bên xe bị chết nhiều. Anh Doanh bị thương 1 mảnh vào vai, tôi qua kéo mảnh đạn ra, nhai chuối băng lại cho cầm máu”.
“Lúc này chỉ còn một mình chiến đấu, phải tìm mọi cách để cho địch không thể tấn công được. Khi phát hiện quân địch tiến gần khoảng 40m, 2 chiếc xe tăng tiến tới, tôi bắn làm 1 chiếc đầu bốc cháy, chiếc thứ 2 cũng bị hư. Sau đó, bản thân tôi cũng bị thương”, vị cựu binh kể.
Ông Đạt nhớ lại, những ngày tháng 4 năm ấy rất nóng bỏng. Cả 1 đại đội đặc công nước và 2 đại đội đặc công khô đều bị tổn thất nặng nề.
Sau ngày giải phóng, ông Đạt được cấp trên cử đi làm nhiệm vụ tại Thái Lan, rồi nhiều năm sau được cho đi học tập tại nước ngoài.
6 năm sau, ông Đạt mới trở về công tác tại Điện lực tỉnh Bình–Trị-Thiên và lập gia đình sống tại Quảng Trị.
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Sen – cũng là người cùng quê huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ông bà có 3 người con, nay đều đã trưởng thành, có gia đình riêng.
Với những đóng góp cho cuộc chiến, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương. Hiện nay, ông Đạt đã 47 năm tuổi Đảng, đã nghỉ hưu nhiều năm để vui vầy với con cháu.
Bà Sen chia sẻ, ông là niềm tự hào của mấy mẹ con. Chiến tranh đã qua rất lâu, nhưng ông vẫn luôn nhớ về những đồng đội đã không may nằm lại chiến trường. Mỗi lần kể lại quá khứ, lòng ông lại dấy lên niềm đau đớn khôn nguôi.
Đăng Đức/DT