Những ngày tháng 4 năm1975
Sau một thời gian ngắn ở Trung ương Cục, đầu năm 1975 tôi được lệnh phải trở ra miền Bắc gấp để đi một chuyến công du nước ngoài. Lần này ra thì nhanh hơn, tuy có bị máy bay của Sài Gòn bắn hai lần. Nhưng cảnh tượng Trường Sơn lại đặc biệt nhộn nhịp.
Đổ vào chiến trường tấp nập ngày đêm rất nhiều xe thiết giáp, xe vận tải chở đạn…, và cuồn cuộn những đoàn quân nối tiếp nhau, những chiến sỹ còn rât trẻ từ các tỉnh phía Bắc đi ra chiến trường mà như đi trẩy hội. Chiến dịch mùa Xuân 1975, trận cuối cùng của cuộc chiến 21 năm đang được ráo riết chuẩn bị.
Trên chiến trường, tương quan địch-ta thay đổi nhanh chóng, có lợi cho ta. Ở vùng tạm chiếm, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị, đặc biệt trong giới trí thức tư sản , tôn giáo, kể cả giới Sài Gòn, nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc và phân hóa đối phương. Mặt khác, sau khi ký Hiệp định Paris, với điều khoản “Mỹ phải rút hết quân, thành lập Hội đồng hòa giải và hòa hợp dân tộc ba thành phần” nhiều chính khách ở Sài Gòn, kể cả một số cựu bộ trưởng của Sài Gòn, nhân danh “lực lượng thứ ba” đã hoạt động rất tích cực. Tình hình quân sự và chính trị trong nước đều thuận lợi.
Vận động dư luận thế giới
Trước thất bại liên tiếp của quân đội Sài Gòn trên các mặt trận, một số phần tử diều hâu ở Mỹ đã nói đến việc phải đưa quân trở lại để cứu đồng minh. Cần tố cáo ý đồ nguy hiểm đó của chúng. Cần làm rõ Sài Gòn không chịu thi hành Hiệp định Paris chính là vì Mỹ vẫn giúp đỡ họ kéo dài chiến tranh. Vận động dư luận thế giới lúc này là rất quan trọng. Tôi ra Hà Nội tháng 2/1975 liền được giao nhiệm vụ cùng ba đồng chí khác đi một số nước châu Âu và châu Phi để làm nhiệm vụ này.
Lúc đó tôi cũng chưa biết được thật rõ âm mưu của chính quyền Nixon, chỉ biết rằng theo chỉ thị của lãnh đạo phải thông báo cho bạn bè quan tâm, cảnh giác để khi cần thiết có thể ủng hộ chúng ta kịp thời. Qua nhiều tài liệu tiết lộ sau này, đặc biệt qua cuốn sách của Lary Berman “Không hòa bình, chẳng danh dự”, mới thấy rõ chính quyền Nixon không phải là không có ý đồ dùng B52 ném bom miền Bắc trở lại để cứu quân ngụy Sài Gòn đang rệu rã. Nhưng họ đã không làm được việc đó: vụ bê bối Wartergate khiến Nhà Trắng rối bời, và quan trọng hơn nữa là thái độ của đa số nhân dân Mỹ thể hiện qua các ý kiến của các nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ kiên quyết không tiếp tục cuộc chiến hao người tốn của và thất bại, bị cả thế giới lên án.
Tôi sang Pháp, gặp một số báo chí, từ đó liên lạc với các bạn ở Mỹ, Canada, Thụy Điển…, rồi sang Algérie. Gặp các bạn ở đây, họ hết sức vui mừng vì chiến dịch mùa Xuân đã bắt đầu và Quân giải phóng tiến như chẻ tre. Các bạn Algérie nói: Chúng tôi theo dõi trên bản đồ, thấy mỗi ngày Quân giải phóng giải phóng một tỉnh, nhưng sau rồi các chiến sỹ của các bạn đi quá nhanh, chúng tôi không còn theo kịp nữa.
Khi quân ta bắt đầu tấn công Buôn Ma Thuột, bắt đầu chiến dịch mùa Xuân 1975, tôi hiểu rằng Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu giải phóng miền Nam Việt Nam trong hai năm 1975-1976, sau chiến thắng Phước Long, đặc biệt sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị quyết định nắm thời cơ chính thức mở chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Trên mặt trận ngoại giao
Trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam (CPLTCHMN) liên tiếp thu được thắng lợi lớn. Trước những chiến thắng dồn dập của quân dân ta, dường như nhiều chính phủ đã thấy cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ sớm thắng lợi nên họ đã nhanh chóng công bố công nhận ngoại giao CPLTCHMN. Đến ngày thống nhất đất nước, CPLTCHMN được 65 nước công nhận ngoại giao.
Sau Algérie, biết có một hội nghị lớn của các nước châu Phi (OUA) sắp họp tại Tanzania, chúng tôi bay đến đó, đề nghị với các bạn cho tôi phát biểu tại hội nghị vì có tình hình quan trọng muốn được thông báo. Theo quy chế của OUA không ai được phát biểu tại hội nghị này ngoài các nước châu Phi. Tôi năn nỉ các bạn nước chủ nhà Tanzania. Cuối cùng bạn đồng ý khi bàn hết các vấn đề của hội nghị, sẽ cho tôi 15 phút.
Tôi và đồng chí Lê Mai ngồi từ 6 giờ chiều đến mãi 5 giờ sang hôm sau mới được phát biểu. Không ăn không uống cả một đêm, đến khi lên diễn đàn, cổ tôi như nghẹt lại, nói gần như không ra tiếng. Nhưng chúng tôi đã đạt được yêu cầu: thông báo được tình hình đang diễn ra ở Việt Nam và kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn nguy cơ Mỹ đưa quân trở lại. Đến ngày 15/4, chúng tôi nhận được điện trong nước gọi về ngay. Không đủ tiền mua vé về nước và ở Tanzania chưa có Đại sứ quán Việt Nam. Chúng tôi đành đến Đại Sứ quán Trung Quốc yêu cầu giúp đỡ, và đã được đáp ứng nhiệt tình.
Về đến Hà Nội, ta đã giải phóng Đà Nẵng, đại quân đang tiến về Sài Gòn. Tôi được chỉ thị vào Đà Nẵng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và nhiều vị khác của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã có mặt ở đây. Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CMLT) ra nhiều tuyên bố quan trọng và đón tiếp một số đoàn quốc tế và các nhà báo. Thành phố Đà Nẵng vừa mới được giải phóng, nhân dân từ Quảng Trị,Thừa Thiên, Quảng Ngãi dồn về đông nghịt, nhưng chỉ vài ngày sau, trật tự đã được thiết lập và bộ máy chính quyền mới đã hoạt động đàng hoàng.
Sài Gòn được giải phóng!
Tối 29/4/1975, tôi đang tiếp vợ chồng nhà sử học Mỹ Gabriel và Joyce Kolko thì đài Giải phóng ra lời kêu gọi chính quyền và quân đội Sài Gòn đầu hàng. Tôi nghe mà xao xuyến. Vợ chồng nhà sử học Mỹ cảm động, ứa nước mắt. Chúng tôi cầm tay nhau, siết chặt. Thế là ngày hôm sau – 30/4, việc phải đến đã đến! Sài Gòn được giải phóng! Như một tin sét đánh! Các đài, thông tấn báo chí thế giới đều đưa tin: Sài Gòn thất thủ! “Việt cộng” đã chiến thắng! Nhân dân cả nước đổ ra đường, ôm nhau mà khóc, những giọt nước mắt vui sướng! Đây là kết quả tất yêu của sự hy sinh của cả dân tộc, là thành quả huy hoàng và công lao chung của cả dân tộc, từ các lực lượng vũ trang, các lực lượng chính trị hoạt động công khai hoặc bí mật, từ những em bé dẫn đường đến bà con mọi tầng lớp, những người anh hung có tên tuổi và triệu triệu người vô danh. Không ai có thể nói phần này do anh, phần này do tôi. Và trong lúc này, tôi lại nghĩ đến vai trò của hậu phương lớn, miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Gọi hậu phương mà cũng là tiền phương. Nhớ có lần đến thăm các bạn Palestine trong các trại tị nạn, gặp lãnh tụ Yasser Arafat, mọi người đều hỏi nhờ đâu mà Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Chúng tôi đều trả lời: ” Có ba điều: Chúng tôi có Hồ Chí Minh, lãnh tụ xuất chúng của Việt Nam đã suốt đời phục vụ sự nghiệp đấu giành độc lập, tự do cho đất nước; chúng tôi có sự đoàn kết dân tộc mạnh mẽ; và chúng tôi có cả miền Bắc, một nửa đất nước xã hội chủ nghĩa làm hậu phương lớn vững chắc”. Các bạn Palestine liên hệ với tình hình của mình, thấy đúng những điểm đó là chỗ yếu của các bạn.
Chiến thắng hoàn toàn và nhanh chóng của Việt Nam đã làm cho cả thế giới vui mừng và kinh ngạc. Theo tôi hiểu, ngay cả Liên Xô và Trung Quốc, hai bạn chí cốt của Việt Nam có lẽ cũng bất ngờ. Trung Quốc từng khuyên ta nên ” trường kỳ mai phục” vì địch rất mạnh. Liên Xô thì lo ta không đủ sức chiến thắng, có thể chiến tranh lan rộng, làm tình hình thế giới thêm phức tạp. Nhưng rõ ràng là cuộc chiến đấu kiên cường, anh dung của nhân dân Việt Nam và thắng lợi cuối cùng của chúng ta đã góp phần làm cho vị thế của phe xã hội chủ nghĩa lúc đó lên cao trên trường quốc tế. Chúng ta tự hào đã cổ vũ lòng tự tin, quyết tâm của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, vì hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội. Chúng ta cũng không bao giờ quên trong thắng lợi vĩ đại của Việt Nam có sự đóng góp to lớn, quý báu, không thể thiếu được của nhân dân các nước Xã hội chủ nghĩa, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Và chúng ta biết mở đầu chiến tranh, tiến hành chiến tranh cực kỳ anh dũng và thông minh, thì cũng biết cách kết thúc chiến tranh thật tuyệt.
Trích từ cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình