+
Aa
-
like
comment

Những mối nguy hại sinh thái hiện hữu ở Biển Đông

Bảo Trâm - 24/06/2021 07:43

Trang mạng của Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF, Ấn Độ) ngày 20/6 đăng bài viết của Tiến sĩ Pratnashree Basu, phân tích về các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông đã tạo ra mối đe dọa ra sao đến hệ sinh thái biển ở khu vực biển giàu tài nguyên nhất trên thế giới.

Tác giả Pratnashree Basu được biết đến là nghiên cứu viên tại ORF, Kolkata, chuyên nghiên cứu Sáng kiến ​​hàng hải và nghiên cứu chiến lược. Hiện tại, Pratnashree Basu đang nghiên cứu về vai trò của công nghệ trong ngành hảng hải và quản trị luật hàng hải. Trước đó, cô tham gia dự án “Kết nối hàng hải của Ấn Độ”. Cô đồng thời làm điều phối viên và biên tập viên cho các bản tin về tình hình Trung Quốc, Biển Đông và Nam Á.

Gần đây, vấn đề Biển Đông gây sự chú ý của dư luận do các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển này và cái mà một số người gọi là chủ nghĩa bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Tuy vậy, những tác động môi trường của các động thái trên vẫn chưa được đề cập nhiều.

Là một trong những tuyến đường vận chuyển quốc tế bận rộn nhất thế giới, hệ sinh thái của Biển Đông đang bị tổn hại trong bối cảnh Trung Quốc đánh bắt quá mức, nạo vét để xây dựng các rạn san hô nhân tạo và khai thác dầu khí bằng công nghệ nứt vỡ thủy lực. Quy mô các hoạt động của Trung Quốc là rất lớn, sử dụng các phương tiện hiện đại, tiên tiến và gây ra những tổn hại rõ ràng.

Vấn đề đánh bắt cá

Nghề cá ở Biển Đông là nguồn cung cấp an ninh lương thực và việc làm quan trọng cho hàng triệu người. Tuy nhiên, việc đánh bắt không chọn lọc, kéo dài hàng thập niên khiến trữ lượng cá sụt giảm.

Ở Biển Đông, nơi chiếm khoảng 12% sản lượng khai thác toàn cầu mỗi năm, trữ lượng cá đã giảm 1/3 trong 30 năm qua và được dự đoán giảm thêm 59% vào năm 2045.

Để duy trì nhu cầu thủy sản, Trung Quốc đã hỗ trợ các đội tàu đánh cá vươn xa tới các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Argentina, Somalia và Hàn Quốc. Nhiều chủ tàu nhỏ của Trung Quốc đã nhận được trợ cấp cho việc này.

Các ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc đã nhiều lần khai thác trái phép san hô, rùa biển, trai, cá mập, cá chình và các động vật biển khác từ vùng biển của các nước khác.

Khi nguồn cá gần các khu vực ven biển cạn kiệt và sản lượng đánh bắt giảm mạnh, ngư dân đang tiến ra biển sâu hơn và sử dụng kỹ thuật hiện đại và đánh bắt bằng chất nổ, gây ra thiệt hại thêm cho hệ sinh thái biển.

Biển Đông là một trong ba “tâm chấn” được cho là sẽ chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nhiệt độ nước biển tăng. Nhiệt độ bề mặt đại dương tăng sẽ khiến cá di cư xa hơn về phía Bắc hướng tới Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản, khiến việc đánh bắt cá khó khăn hơn đối với các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines vốn thiếu nguồn lực để đánh bắt ở các vùng biển xa.

Vấn đề nạo vét và xây dựng

Từ năm 2015, Trung Quốc đã cải tạo đất ở các đảo và rạn san hô nằm trong cái gọi là “Đường 9 đoạn”, bằng cách bồi đắp hoặc tạo ra những bãi đá mới (như Đá Subi trên quần đảo Trường Sa).

Trung Quốc cũng đã xây dựng các cảng, cơ sở quân sự và đường băng, triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và hệ thống radar trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.

Công tác nạo vét ở những hòn đảo này là nguyên nhân chính dẫn đến việc phá hủy san hô và các bãi đá ngầm, những nơi duy trì toàn bộ hệ sinh thái biển.

Công nghệ thăm dò dầu khí hiện đại

Vấn đề thăm dò dầu khí bằng công nghệ nứt vỡ thủy lực, được cho là được tiến hành chủ yếu ở khu vực EEZ của các quốc gia khác.

Theo các cuộc khảo sát địa chấn sơ bộ, việc lắp đặt giàn khoan và khoan thăm dò, sản xuất hydrocacbon và vận chuyển dầu và khí tự nhiên gây ra thiệt hại cho tầng đáy biển.

Các cuộc khảo sát địa chấn gây ra tiếng ồn, khí thải và chất thải gây hại môi trường. Hoạt động khoan đào thải bùn bao gồm bùn, nước rửa, thoát nước và nước thải ra đại dương. Chúng cũng gây ra khí thải độc hại với việc thường xuyên rò rỉ và rơi vãi hydrocacbon đã chiết xuất.

Vi phạm luật pháp quốc tế

Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế và các hiệp ước về môi trường.

Điều 194 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), mà Trung Quốc đã phê chuẩn, quy định rằng các quốc gia thành viên không được tiến hành các hoạt động gây ô nhiễm môi trường cho các quốc gia khác. Các quốc gia cũng có trách nhiệm bảo vệ “các hệ sinh thái quý hiếm” của các loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng.

Trung Quốc cũng đã phê chuẩn Công ước về Đa dạng sinh học, trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên đảm bảo các hoạt động của họ không gây tổn hại đến môi trường nằm ngoài quyền tài phán quốc gia của họ.

Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay, trong phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Biển Đông (tháng 7/2016), cho rằng Trung Quốc gây thiệt hại đáng kể cho rạn san hô và các loài có nguy cơ tuyệt chủng, làm sụt giảm nguồn đánh bắt cá và xáo trộn tính toàn vẹn cấu trúc của các đảo và rạn san hô trong khu vực. Đồng thời, phán quyết chỉ trích việc sử dụng chất nổ của các tàu đánh cá Trung Quốc.

Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang được đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc được coi là một bước đi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, cho đến nay các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng chủ yếu do thiếu sự đồng thuận giữa các bên, dù ASEAN và Trung Quốc hy vọng sẽ hoàn tất COC vào năm 2021.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã thực hiện các hoạt động xây dựng đảo với các “đánh giá dựa trên cơ sở khoa học” và tuân theo tất cả các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường quốc tế, nhưng họ không cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh cho những tuyên bố này.

Việt Nam phản đối Trung Quốc gắn thẻ thực vật ở Hoàng Sa

Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam “kiên quyết phản đối” dự án gắn thẻ tên mà chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thực hiện đối với thực vật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời trong buổi họp báo chiều 24/6.

Bà Hằng nhấn mạnh mọi hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều không được công nhận, vô giá trị, và Việt Nam kiên quyết phản đối.

Bảo Trâm (Theo ORF)

Bài mới
Đọc nhiều