+
Aa
-
like
comment

Những mối lo lớn Việt Nam phải đối mặt trong làn sóng Covid-19 thứ 2?

Hải Anh - 05/08/2020 17:53

Trong cuộc chiến chống làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bên cạnh những thuận lợi như kinh nghiệm phòng dịch, sự chung sức đồng lòng sát cánh của người dân và Chính phủ thì Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều mối lo lớn. 

Trước hết là hiện nay vấn đề thiếu test xét nghiệm nhanh đang là mối lo ngại đối với Việt Nam. Thực tế, test nhanh là một phương pháp phát hiện người nhiễm bệnh nhanh nhất và hữu hiệu, trước đó Hàn Quốc đã có chính sách sàng lọc người nhiễm nCoV quyết liệt nhất thế giới bằng cách xét nghiệm nhanh chóng trên diện rộng. Các chuyên gia cho rằng đây là một trong số những lý do chính giúp họ kiềm chế dịch, cùng với các biện pháp truy dấu lịch sử tiếp xúc và cách ly bệnh nhân.

Thông tin từ Bộ Y tế, Hà Nội đang thiếu khoảng 20.000 bộ test nhanh SARS-CoV-2 cho người trở về từ Đà Nẵng. Năng lực test tối đa của Việt Nam là 3,1 vạn test/97 triệu người/ngày, tại 1 ổ dịch đơn lẻ là 7 ngàn test/ngày theo đó năng lực test của Việt Nam hiện tại chỉ tương đương các nước châu Âu và Mỹ vào tháng 4. Tức là, chúng ta đang đứng trước nguy cơ bỏ lọt đối tượng nhiễm bệnh trong cộng đồng rất nghiêm trọng.  Trong khi đó, riêng với thủ đô Bắc Kinh (TQ), năng lực test của họ là 60 vạn test/21 triệu người/ngày.

Vấn đề thiếu test xét nghiệm nhanh đang là mối lo ngại đối với Việt Nam.

Không những thế, Việt Nam còn phải gặp khó khăn trong việc truy tìm F0, F1, F2, F3 trong hàng triệu người, đặc biệt là ổ dịch tại các bệnh viện ở Đà Nẵng. Trong đợt dịch trước, để phát hiện và khoanh vùng các ca lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam sử dụng biện pháp truy vết, dựa vào lịch trình di chuyển của đối tượng theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Biện pháp này có hiệu quả rất tốt trong việc khống chế các ổ dịch tại Sơn Lôi và bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên hiện nay với Đà Nẵng, và dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác thì con số cần phải truy vết lên tới hàng triệu người.

Hơn nữa, hiện nay việc kiểm soát người nhập cảnh trái phép cũng gặp khá nhiều khó khăn đối với lực lượng chức năng. Với đường biên giới dài hơn 4000km thì công tác kiểm soát, giám sát gặp rất nhiều trở ngại lớn. Cơ quan chức năng là bộ đội biên phòng đang gấp rút, đẩy mạnh truy tìm người vượt biên trái phép, điển hình đã ngăn chặn trên 16.000 người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đây là con số rất lớn thể hiện sự quyết liệt trong triển khai phòng chống dịch, đặc biệt là nguồn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Không chỉ vậy, về năng lực điều trị của Việt Nam cũng tồn tại nhiều hạn chế nhất là trong bối cảnh nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh nặng nhiễm Covid-19 khiến công tác chữa trị gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi số ca nặng lên tới con số hàng chục hàng trăm, toàn ngành Y tế đã phải tiến hành một cuộc luân chuyển lớn về nhân lực và vật lực. Vậy nếu số ca nặng lên tới hàng trăm, thì rất khó tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra.

Và mới đây, hình ảnh các bác sĩ y tá tại bệnh viện Đà Nẵng đã cho thấy điều đó, họ đang rất vất vả vì áp lực công việc, chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân. Nhiều y bác sĩ đã làm việc quần quật nhiều ngày liên tục và có dấu hiệu kiệt sức. Công việc của các y bác sĩ và bệnh viện đều quá tải.

Một cán bộ y tế tại Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng kiệt sức vì đầu việc quá nhiều.

Hơn nữa, bài học tại bệnh viện Việt Pháp trong dịch SARS 2003 và bệnh viện trung tâm Vũ Hán năm 2020 cho thấy, việc thông khí tuần hoàn kín trong bệnh viện làm tăng mật độ virus lên hàng chục, hàng trăm lần, và tỉ lệ tử vong cũng sẽ tăng cực nhanh ( tỉ lệ tử vong do SARS CoV 2 ở Vũ Hán là khoảng 4%, gấp 4 lần mức trung bình của các ổ dịch còn lại ở TQ).

Bên cạnh đó, một số đối tượng cá nhân chống phá trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp cũng là một trở ngại đối với công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam ta. Điển hình là việc tổ chức Việt Tân ra sức đăng tải bài viết tung tin gây kích động hoang mang dư luận xoay quanh việc chống dịch. Hơn nữa, ý thức của người dân cũng có vai trò rất quan trọng. Vẫn có một số người “trốn” khỏi Đà Nẵng, khỏi khu cách ly cũng là một mối lo của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chúng ta tự tin rằng Việt Nam không như các nước phương Tây, chúng ta có một hệ thống chính trị ổn định, có tính tổ chức và tập trung cao, một bộ máy làm việc ngày đêm vì dân vì nước tìm mọi cách áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong phòng chống dịch bệnh. Là người dân Việt Nam, chúng ta hãy trở thành một chiến binh trong cuộc chiến này, không phải cầm đao to búa lớn, không phải hô hào mà việc của chúng ta rất đơn giản. Hãy đeo khẩu trang, có ý thức bảo vệ sức khoẻ vì mình và vì cả cộng đồng.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều