Những “mỏ vàng” giúp Việt Nam thu về gần 195 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm

Tháng 7 là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai của Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.

Tổng Cục Thống kê mới đây đã công bố số liệu liên quan đến tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Trong tháng 7, hoạt động xuất nhập khẩu đã có những tín hiệu tích cực khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước.

Do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm nên tổng kim gạch xuất, nhập khẩu tháng 7 vẫn giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức giảm này đã được thu hẹp so với những tháng trước khi tháng Tư giảm 19,4%, tháng 5 giảm 15,2% và tháng 6 giảm 14,5%.Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 7, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai kể từ đầu năm đến nay (chỉ thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của tháng 3/2023, đạt 29,68 tỷ USD). Như vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có xu hướng tháng sau tăng so với tháng trước (sau khi giảm vào tháng 4/2023).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 3,2%.

Động lực chính cho sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng.

Trong tháng 7/2023, xuất khẩu sản phẩm từ cao su tăng mạnh nhất 63,5%; xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 42,3%.

Xuất khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng tới 32% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 5,2 tỷ USD. Đây là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất. Dù kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện chưa thể tăng mạnh song con số kim ngạch của 7 tháng năm 2023 đã gần ngang bằng với kim ngạch của 7 tháng năm 2022 với mức giảm chỉ còn 3%, cho thấy tín hiệu xuất khẩu mặt hàng này đã dần phục hồi.

Ngoài ra, xuất khẩu clanke và xi măng tăng 26,8%; xơ, sợi dệt tăng 21,6%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù tăng 7,4%; dây điện và cáp điện tăng 3,5%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nhóm nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 7/2023 tăng so với tháng trước: Quặng và khoáng sản khác tăng 195,8%; dầu thô tăng 7,2%.

Nhiều mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 7/2023 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước: Rau quả tăng 122,5%; cà phê tăng 37,4%; hạt điều tăng 15%; gạo tăng 14,4%; sắn và sản phẩm của sắn tăng 9,8%; cao su tăng 3,1%.
Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,5 tỷ USD, giảm 10,2%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,23 tỷ USD, giảm 10,8%, chiếm 73,6%.

Trong 7 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,53 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 171,5 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 15,75 tỷ USD, chiếm 8,1%, là nhóm hàng có mức tăng dương so với cùng kỳ năm trước đạt 7,7%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 4,95 tỷ USD, chiếm 2,5%.

Nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của nước ta.

Tuy nhiên, nhờ những tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 7 nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước.

Tháng 7/2023 có trên 20 mặt hàng tăng so với tháng 6/2023, trong đó có nhiều mặt hàng tăng mạnh như: Khí đốt hóa lỏng tăng mạnh nhất 147,4%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 52,4%; dầu thô tăng 49,3%; hạt điều tăng 47,2%; than đá tăng 42,6%; tân dược tăng 21,9%; hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 19,9%; rau quả tăng 12,6%.

Tuy nhiên, do đà suy giảm từ đầu năm nên tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm 16,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,4 tỷ USD, giảm 17,7%. Trong 7 tháng năm 2023 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 37,9%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 168,3 tỷ USD, chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,9%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 11,2 tỷ USD, chiếm 6,2%.

Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 7 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,15 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 7 tháng năm 2023 là 15,23 tỷ USD, gấp hơn 11 lần so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước (xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.

Thực hiện:Bích Vân