+
Aa
-
like
comment

Những mất mát tận cùng của đau thương trong lực lượng Công an Việt Nam

Đặng Trường - 19/08/2020 21:07

Không phủ nhận, trong 75 năm qua, vẫn có những thứ lực lượng Công an nhân dân chưa làm tốt được, nhưng tạm gác lại những cái chưa được để nhìn lại sự mất mát, hy sinh từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ của họ.

Các lãnh đạo ngành Công an đến viếng 3 chiến sỹ Công an hy sinh ở Đồng Tâm.

Dù ở thời chiến hay thời bình thì lực lượng Công an nhân dân (CAND) cũng luôn mang trên mình phẩm chất yêu nước, trung thành, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì nhiệm vụ. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, CAND là một trong những lực lượng góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, làm nên những chiến thắng lịch sử. Họ đã có những đóng góp công lao, hy sinh xương máu to lớn, với hơn 14.000 liệt sỹ, hơn 5.000 thương binh, bệnh binh và hàng chục nghìn người có công với cách mạng. Có những chiến công vang dội được nhân dân ngợi ca, nhưng cũng có những hy sinh thầm lặng không phải ai cũng biết. Điển hình trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, phải nhớ đến chiến sỹ công an dũng cảm Lê Đình Chinh. Anh tham gia trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân. Đơn vị của Chinh được điều động vào chiến trường Tây Nam. Tại đây, anh cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh chống quân Pol Pot và bị thương. Chinh được đưa ra Bắc điều trị. Lành vết thương, người lính công an trẻ này xin trở lại đơn vị cũ. Năm 1978, đơn vị của Lê Đình Chinh được điều động lên Lạng Sơn, bảo vệ biên giới phía Bắc. Anh hy sinh khi mới tròn 18 tuổi, là chiến sỹ đầu tiên hy sinh tại mặt trận huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Tên tuổi của anh Lê Đình Chinh đã trở thành một trong những biểu tượng anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam, của lòng quả cảm, xả thân trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập.

Ngày nay, khi nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội vẫn còn đó. Các chiến sỹ CAND phải đối diện với vô vàn thách thức, khó khăn và mối nguy hiểm. Sự hy sinh là điều không thể tránh khỏi. Đó là sự ra đi của Trung úy Tống Duy Tân, công an huyện Cần Đước, tỉnh Long An khi truy bắt nhóm đối tượng trộm. Là sự ra đi tức tưởi, vô cùng thương tâm của 3 chiến sỹ công an ở Đồng Tâm trong khi trấn áp những tên tội phạm mang tính chất khủng bố. Đó là sự hy sinh của Đại úy Sầm Quốc Nghĩa trong quá trình truy bắt nhóm đối tượng người Lào tổ chức vận chuyển ma túy từ biên giới vào mua bán tại khu vực rừng núi.

Đại úy Sầm Quốc Nghĩa hy sinh dũng cảm khi truy bắt tội phạm buôn bán ma túy.

Mới đây, chúng ta nghe tin buồn Đại úy Lê Thanh Hải, Phó Trưởng Công an xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) hy sinh khi truy bắt “cát tặc” trên sông Đồng Nai. Còn biết bao nhiêu người chiến sỹ cứu giúp người dân thoát nạn trên dòng nước lũ nhưng chính họ lại bỏ mạng nơi dòng nước lạnh.

Người cha của Đại úy Hải hy sinh khi truy bắt “cát tặc” chỉ biết thinh lặng khi nhìn di ảnh của con.

Hầu hết các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người chưa lập gia đình, người vừa cưới vợ sinh con. Thế nên, sự ra đi của các anh là sự mất mát rất lớn, để lại niềm tiếc thương vô cùng đối với người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội. Nhìn di ảnh các anh, những chiến sỹ trẻ măng; nhìn gia đình các anh quằn quại với nỗi đau, cha mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha,… không khỏi khiến lòng người đến viếng thương xót.

Sự đau xót của người thân, bàn bè của các chiến sỹ hy sinh.

Ngay cả Cảnh sát giao thông, đây là lực lượng chịu nhiều tai tiếng nhất trong ngành Công an nhưng những tấm gương hy sinh vì nhiệm vụ cũng khiến chúng ta cảm thấy tội nghiệp. Như giai đoạn chống dịch Covid-19 đầu tiên của đất nước, khi người người nhà nhà chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội thì các chiến sỹ CSGT vẫn phải ngày đêm tuần tra, túc trực ở các tuyến đường, điểm chốt kiểm tra dịch tễ để đảm bảo người dân chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch. Hy sinh mồ hôi, tâm sức là chuyện đã đành, thật không ngờ tới các anh hy sinh cả tính mạng của mình. Hai chiến sỹ CSGT TP. Đà Nẵng đã ngã xuống trong quá trình truy bắt nhóm đối tượng tổ chức đua xe trái phép. Nhìn màu áo xanh ngã xuống, nhìn vệt máu loang đỏ cả một góc đường, chúng ta mới thấy ám ảnh và đau lòng biết chừng nào. Những trường hợp CSGT hy sinh khi đang làm nhiệm vụ còn vô số kể, có chiến sỹ ra hiệu lệnh dừng xe có dấu hiệu sai phạm nhưng bất ngờ bị đối tượng lưu manh, tàn ác đạp ga tông thẳng, tử vong tại chỗ.

Hiện trường nơi hai chiến sỹ CSGT TP. Đà Nẵng hy sinh.
Mẹ của chiến sỹ CSGT Đà Nẵng khóc cạn nước mắt, không tin vào sự thật con mình đã chết.

Ngoài các chiến sỹ CSGT cũng có các chiến sỹ thuộc đội Ma túy, đội Hình sự ngụy trang trong màu áo của các chiến sỹ CSGT để bắt tội phạm truy nã hoặc tội phạm nằm trong đường dây ma túy lớn, thế nên có không ít người hy sinh. Có người bị xe sai phạm cố tình tông thẳng, kéo lê, may mắn thoát chết nhưng lại mang thương tật vĩnh viễn.

Không ít người có cái nhìn ác cảm với CSGT vì một số “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng kỳ thực, lực lượng CSGT vẫn không thiếu những chiến sỹ yêu nước, yêu nghề chân chính, tận tụy vì đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông. Những chiến sỹ hy sinh vì nhiệm vụ như chúng ta đã thấy là những dẫn chứng sinh động nhất. Bên cạnh đó, hình ảnh các chiến sỹ đứng dưới cái nắng hè oi ả điều tiết giao thông, gương mặt nhễ nhại mồ hôi, hai cánh tay từ đỏ chuyển sang đen sì là điều chúng ta không thể không thừa nhận. Nhìn bức ảnh một chiến sỹ CSGT Hà Nội vì làm nhiệm vụ dưới trời quá nóng, phải đổ cả chai nước lên gáy để hạ nhiệt chắc chắn nếu là người có cảm xúc, chúng ta phải thầm cảm ơn và kính phục các anh.

Còn nhiều sự hy sinh mà chungs ta không hề hay biết.

Mấy ai biết được đã có bao nhiêu chiến sỹ công an hy sinh trong 75 năm qua khi trong chiến tranh, lịch sử chưa kịp nhắc tên được tất cả, khi mà thời bình, máu của các chiến sỹ công an vẫn đổ vì sự bình yên của nhân dân và sự ổn định của đất nước. Chỉ trong năm 2019, đã có cán 9 cán bộ, chiến sỹ Công an đã anh dũng hy sinh, 304 chiến sỹ bị thương và hàng trăm chiến sỹ bị phơi nhiễm HIV. Đó là con số trong một năm, nếu nhân lên 75 năm thì con số sẽ còn lớn như thế nào, trong khi thời kỳ chiến tranh, số lượng chiến sỹ hy sinh đã rất nhiều. Và chúng ta cũng không nên nói về sự hy sinh mà chỉ nghĩ đến tính mạng mà quên mất rằng: Sự hy sinh của các chiến sỹ CAND còn ở mồ hôi, nước mắt, tâm sức và thời gian của họ. Nếu như ngày lễ, Tết, các dịp bình thường, chúng ta được đi chơi, vui vẻ, đoàn tụ với gia đình thì các chiến sỹ lại phải đi trực, đi gác ở các tụ điểm công cộng, nhìn người dân chơi, nhìn người dân cười nói. Chưa kể, mỗi khi đất nước có sự kiện chính trị quan trọng, đặc biệt, các chiến sỹ phải ở lại đơn vị trực chiến 24/7, cả tháng trời mới về nhà gặp gia đình, bạn bè. Đó cũng là một sự hy sinh mà chúng ta không thể đong đếm được dù chỉ một ngày, chứ đừng nói là 75 năm qua.

Vì vậy, nhân ngày truyền thống của lực lượng CAND, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho những chiến sỹ đã hy sinh. Đồng thời, hãy thầm cảm ơn và thông cảm cho các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngoài kia vì cuộc sống bình yên của nhân dân và sự ổn định của đất nước này. Họ rất cần những trái tim thấu hiểu và biết yêu thương.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều